Kết quả điều tra, đánh giá nguồn tài nguyên nước dưới đất tại đô thị Bạc Liêu

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 15:46, 12/04/2022

Nước dưới đất tại đô thị Bạc Liêu hiện là nguồn cấp chủ yếu cho ăn uống, sinh hoạt và sản xuất. Do đó, bảo vệ nguồn tài nguyên này là vấn đề cấp thiết để phát triển bền vững.

Nhằm đánh giá tài nguyên nước dưới đất của đô thi Bạc Liêu, trong năm 2021, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam (Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia) đã thực hiện đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở đô thị Bạc Liêu”. Trong đó, đã tiến hành hàng loạt các hoạt động nghiên cứu gồm điều tra khảo sát thực địa, khảo sát địa vật lý (đo sâu điện đối xứng và đo carota lỗ khoan), khoan thăm dò địa chất thủy văn, bơm nước thí nghiệm kết hợp đổ chất chỉ thị xác định thông số địa chất thủy văn của các tầng chứa nước, phân tích 149 mẫu nước dưới đất, 120 mẫu đất, phân tích ảnh Radar giao thoa theo thời gian để xác định các khu vực sụt lún mặt đất, xây dựng mô hình dòng chảy nước dưới đất, mô hình dự báo xâm nhập mặn…

Kết quả đã đưa ra số liệu cụ thể về cấu trúc địa chất thủy văn, sự phân bố các tầng chứa nước, số lượng, chất lượng nước dưới đất các tầng chứa nước, hiện trạng khai thác sử dụng và các vấn đề về sụt lún mặt đất, xâm nhập mặn, cạn kiệt nguồn nước dưới đất, khả năng tự bảo vệ của các tầng chứa nước và các nguyên nhân dẫn đến việc suy thoái, cạn kiệt.

bl1.jpg

Khoan thăm dò địa chất thủy văn tại xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu (Điểm lỗ khoan BL4D)

Làm sáng tỏ cấu trúc địa chất thủy văn

Kết quả nghiên cứu cho thấy, vùng đô thị Bạc Liêu có bảy tầng chứa nước lỗ hổng và bảy thành tạo địa chất rất nghèo nước. Các tầng chứa nước theo thứ tự từ trên xuống dưới gồm: Tầng chứa nước lỗ hổng Holocen (qh); Tầng chứa nước lỗ hổng Pleistocen trên (qp3); Tầng chứa nước lỗ hổng Pleistocen giữa - trên (qp2-3); Tầng chứa nước lỗ hổng Pleistocen dưới (qp1); Tầng chứa nước lỗ hổng Pliocen giữa (n22); Tầng chứa nước lỗ hổng Pliocen dưới (n21); Tầng chứa nước lỗ hổng Miocen trên (n13).

Hình 1 – Sơ đồ cấu trúc địa chất thủy văn đô thị Bạc Liêu

Xác định được tiềm năng, trữ lượng có thể khai thác của các tầng chứa nước

Trong bảy tầng chứa nước của đô thị Bạc Liêu, tầng chứa nước qh và qp3 nằm trên cùng, có diện phân bố và chiều dày nhỏ, nghèo nước, phần lớn diện tích đều chứa nước mặn. Tầng chứa nước n21 và n13 nằm sâu, rất hạn chế về tài liệu nghiên cứu và hầu như không có công trình khai thác. Ba tầng chứa nước còn lại là qp2-3, qp1 và n22 là các tầng chứa nước có mức độ chứa nước từ trung bình đến giàu, phần lớn là nước nhạt, hiện nay đang được khai thác nhiều nhất, theo mục tiêu của đề án. Đây chính là ba tầng chứa nước chính cần phải bảo vệ của đô thị.

bl3.jpg
Khoan thăm dò địa chất tại xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu

Với sự hỗ trợ của mô hình dòng chảy nước dưới đất, đã tính toán được tổng tiềm năng tài nguyên nước dưới nhạt đất toàn đô thị là 396.290 m3/ngày. Trong đó, phần nước nhạt là 253.873 m3/ngày, phần nước mặn là 193.175 m3/ngày. Trữ lượng có thể khai thác phần nước nhạt là 120.510 m3/ngày.

Hình 2 - Sơ đồ phân vùng khả năng khai thác nước dưới đất tầng qp2-3

Hình 3 - Biểu đồ trữ lượng có thể khai thác theo tầng chứa nước

Đánh giá được chất lượng các tầng chứa nước cần bảo vệ

Chất lượng nước dưới đất được đánh giá trên cơ sở 117 mẫu nước và chuỗi số liệu quan trắc trong 10 năm của 07 lỗ khoan thuộc trạm quan trắc quốc gia Q597. Kết quả đánh giá cho thấy so với Quy chuẩn nước ngầm QCVN 09-MT:2015/BTNMT, nước nhạt trong các tầng chứa nước có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu ăn uống, sinh hoạt. Dấu hiệu ô nhiễm chỉ ở dạng điểm, một số chỉ tiêu vượt quy chuẩn dạng điểm chủ yếu là các hợp chất Nitro, sắt, độ cứng, …

Trong ba tầng chứa nước cần bảo vệ, chỉ có tầng n22 có phân bố nước mặn (tổng khoáng hóa lớn hơn 1,5 g/L). Kết quả nghiên cứu chỉ ra vùng nước nhạt trong tầng n22 mở rộng hơn so với các nghiên cứu trước đây, từ 47 km2 lên 112 km2, tăng 65 km2. Đây là phát hiện mới, là tiền đề để đề xuất phương án khai thác nước dưới đất nhằm giảm thiểu áp lực cho các tầng qp2-3 và qp1 đang được khai thác hiện nay.

Hình 4 - Hiện trạng nhiễm mặn nước dưới đất các tầng chứa nước

Hiện trạng khai thác, sử dụng nước dưới đất

Tổng số công trình khai thác nước dưới đất là 8.602 công trình với tổng lưu lượng khai thác là 40.256,0 m3/ngày, có 72 công trình khai thác có quy mô lưu lượng ≥10 m3/ngày với lưu lượng khai thác 30.288,0 m3/ngày và 8.526 công trình khai thác có quy mô lưu lượng <10 m3/ngày với lưu lượng khai thác 9.968,0 m3/ngày.

Hình 5 - Biểu đồ tỷ lệ khai thác nước dưới đất theo tầng chứa nước

Nước dưới đất được khai thác trong 3 tầng chứa nước (qp2-3, qp1, n22) và không khai thác trong 4 tầng chứa nước (qh, qp3 và n21, n13). Lượng nước dưới đất được khai thác chủ yếu trong tầng chứa nước qp2-3 với 21.687,0 m3/ngày, chiếm 53,87% tổng lượng khai thác. Tiếp theo đến tầng chứa nước qp1 với 16.804,0 m3/ngày (chiếm 41,74% tổng lượng khai thác), tầng chứa nước n22 với 1.765,0 m3/ngày (chiếm 4,38% tổng lượng khai thác).

So với trữ lượng có thể khai thác nước dưới đất của các tầng chứa nước (120.510 m3/ngày), thì lượng khai thác hiện tại đang chiếm 33,4%. Trữ lượng còn có thể khai thác thêm toàn vùng đô thị khoảng 80.254 m3/ngày. Tuy nhiên, việc khai thác phân bố không đề theo không gian, chỉ tập trung chủ yếu tại 2 tầng chứa nước và khu vực nội thành TP. Bạc Liêu do đó dẫn đến những nguy cơ suy thoái cạn kiệt và xâm nhập mặn vào các tầng chứa nước.

Kết quả tính toán nhu cầu nước đến năm 2030 (trừ lượng nước cho cây trồng hàng năm) toàn đô thị Bạc Liêu là 64.043 m3/ngày. So với nhu cầu sử dụng nước, thì nước dưới đất có thể đáp ứng đủ nhu cầu.

Đề án đã tổng rà soát, cập nhật toàn bộ các tài liệu điều tra cơ bản về tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn nghiên cứu đô thị Bạc Liêu từ trước đến nay, tiến hành điều tra, đánh giá chi tiết về tài nguyên nước dưới đất và các vấn đề cần bảo vệ nguồn tài nguyên này. Vì vậy, các số liệu đánh giá về hiện trạng tài nguyên nước dưới đất có độ tin cậy cao. Đây là cơ sở đề đề ra các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ nước dưới đất, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nước, phát triển bền vững tài nguyên nước đồng thời phục vụ hữu ích cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đô thị.

Hùng Phạm