Tam Dương – Vĩnh Phúc: Giấy phép cấp “một đằng”, xe chở khoáng sản "đi một nẻo"?

Tiếng dân - Ngày đăng : 12:29, 12/04/2022

Thời gian qua, người dân thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương rất bức xúc trước nạn xe tải chạy rầm rập, gây ô nhiễm môi trường của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng Bắc Mê Công tại khu đồi Bắc Xa, thị trấn Hợp Hòa và xã Đồng Tĩnh. Hàng ngày có hàng trăm chiếc xe tải 4, 6 chân mang biển số Phú Thọ, Vĩnh Phúc có lô gô Lâm Hùng, 87, PTO, CTY VIỆT TIẾN ... kéo về “mua đất” rồi chở xuống cảng. “Lá bùa” cho những hoạt động này là dự án “đóng cửa mỏ khoáng sản tại điểm mỏ san lấp"...

Ai đang “chống lưng”?

Trao đổi với phóng viên, nhiều người dân sinh sống ở thị trấn Hợp Hòa cho biết: Họ nói là dự án đóng cửa mỏ, cải tạo môi trường mà có thấy họ cải tạo đâu ? Họ cứ “ùn ùn” múc đất chở đi. Hoạt động rầm rộ như một đại công trường khai thác đất với nhiều máy xúc hoạt động hết công xuất, máy cứ múc đất lên xe, toàn loại xe Trung Quốc – Howo thùng to, ben lớn chạy vào “ăn đất”. Đã có nhiều vạn khối đất được chở đi. Sự việc này diễn ra trong suốt năm 2021 cho đến nay. Ngày nào cũng có hàng trăm xe Howo quá tải, cơi nới thùng về đây lấy đất chở đi các nơi tiêu thụ.

img_1649669619142_1649669682736.jpg
Đoàn xe tải ồ ạt chạy vào điểm mỏ chở đất của Cty CP đầu phát triển xây dựng Bắc Mê Kông, có trụ sở tại đường Hùng Vương, phường Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc, do ông Trần Trung Thành làm đại diện pháp luật. 

Cũng theo người dân, đường làng thì bé chỉ cho phép xe tải trọng dưới 12 tấn, vậy mà toàn xe hổ vồ 4 - 6 chân chạy. Xe nào cũng cơi nới thùng “lặc lè” đất chạy chiếm hết cả lòng đường người dân không còn chỗ mà lách phải tìm chỗ né, chờ xe đất chở đất đi qua thì mới đi được. Khổ nhất là các cháu đi học buổi sáng phải đứng chờ hết xe này đến xe khác đi qua thì mới đi được, đường xá thì nát tươm, ổ voi, ổ gà, bụi mù, nhân dân đi lại rất vất vả. Người dân cũng kiến nghị rất nhiều mà không thấy các cơ quan chức năng xuống kiểm tra, xử lý (?)

Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn H nhà ở thị trấn Hợp Hòa cho biết: Gia đình anh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đoàn xe tải này. Bởi bụi, bởi xe chạy rung lắc, làm đổ tưởng. Nhà anh đã phải xây bức tường rào tới lần thứ 3. Anh H đặt câu hỏi không hiểu cơ quan chức năng ở đâu mà để toàn xe ô tô “hổ vồ” chở cao vút ngọn băng băng ra đường?.

nguoi-dan-chan-xe-dat-khong-cho-chay-vao-buoi-trua(1).jpg
Đường thôn thì bé, xe hổ vồ chiếm hết lòng đường 

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Bá Thanh, Chủ tịch UBND thị trấn Hợp Hòa cho biết: “Công ty Bắc Mê Kông khai thác đất, người dân chúng tôi phải gánh chịu hậu quả ô nhiễm môi trường, đường xá nát, người dân đi lại vất vả. Rồi ông Thanh “lo lắng” nói: cấp xã không có thẩm quyền kiểm tra xe quá khổ, quá tải, nếu để anh em cấp xã mà ra kiểm tra, nhỡ nó “nghiến cho phát thì chết”. Đường này giao cho thôn quản lý, xã có nhắc nhở thôn. Xã cũng gọi điện báo cáo bên công an và thanh tra xuống kiểm tra, được vài hôm rồi đâu lại vào đấy. Ông Thanh cho biết.

“Mục sở thị” tại tuyến đường và hiện trường khai mỏ, phóng viên Báo Tài nguyên và môi trường nhận thấy: không giống như là một dự án cải tạo môi trường mà là một đại công trường khai thác đất với nhiều máy xúc hoạt hết công xuất. Nhiều ô tô “hổ vồ” loại 4 - 6 chân cơi nới thùng tấp nập ra vào chở đất. Bất ngờ hơn, là đất chở đi xuống cảng Cao Đại, huyện Vĩnh Tường. 

dat-duoc-cho-ve-cang-song-o-huyen-vinh-tuong.jpg
  1. Đất được chở xuống cảng Cao Đại, Vĩnh Tường, rồi đổ xuống thuyền chở đi các nơi tiêu thụ. 
dat-duoc-muc-xong-trhuyeenf-cho-di-noi-khac-tieu-thu.jpg
Đất được máy xúc bốc ra bãi cảng và đổ xuống thuyền chở đi cho 1 số nhà máy gạch 

Trong những ngày thực tế tìm hiểu  về những hành vi của một số doanh nghiệp lợi dụng giấy tờ, để nhằm mục đích hợp thức hóa và lách luật nhằm hợp pháp hóa những khối lượng khoáng sản trái phép, nhóm phóng viên điều tra của Báo Tài nguyên và Môi trường đã thường xuyên theo dõi sát sao một số xe tải vào chở đất từ các điểm mỏ của Công ty Cổ phần đầu tư phát triển xây dựng Bắc Mê Kông, có MST 2500508726, có trụ sở tại đường Hùng Vương, phường Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Người đại diện pháp luật là ông Trần Trung Thành.

Và các phóng viên nhận thấy: Những tố cáo của người dân địa phương là có cơ sở. Đất có cho tận thu để đi san lấp mặt bằng cho các dự án, các công trình trên địa bàn. Nhưng chở các công trình trên địa bàn thì ít, mà chở ra sông, đổ xuống thuyền lớn, mà theo các công nhân lái tàu thì đất này đi bán cho các nhà máy gạch. “Táo tợn” hơn là những xe ô tô quá tải, cơi nới thùng chở đất lặc lè, cao vút ngọn này vẫn hàng ngày chạy qua khu vực có trụ sở UBND huyện Tam Dương, trụ sở Công An huyện Tam Dương… mà không coi các cơ quan chức năng này ra gì. Vậy, có hay không việc có ai đó “bảo kê” để đoàn xe tha hồ “thông chốt”?.

hang-ngay-xe-cho-dat-di-qua-ubnd-cong-an-huyen-tam-duong-ma-khong-bi-kiem-tra-xu-ly.jpg
  1. Đoàn xe chở đất quá tải, cơi nới thùng ngang nhiên chạy qua trụ sở Công an huyện Tam Dương, UBND huyện Tam Dương và 1 số tuyến phố chính trên thị trấn Hòa Hợp, Tam Dương, Vĩnh Phúc, bất chấp pháp luật. 

Qua tìm hiểu được biết: Ngày 31/8/2021 UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra văn bản số 2402/QĐ – UBND về việc Phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ khóng sản tại tại điểm mỏ đất san lấp ở Khu đồi Bắc Xạ, thị trấn Hợp Hòa và xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển XD Bắc Mê Kông. Mục đích đóng cửa mỏ và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường .... Bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, Tổng diện tích 7,4916 ha. Hạ cốt, xúc bốc, vận chuyển phần đất san lấp trong quá trình hạ thấp lòng moong là 75.800 m3. Thời gian là 18 tháng. Cung cấp đất đắp, đất san lấp các công trình Đường trục Đông – Tây đoạn nối từ đường vành đai 3 đến vành đai 4. Công trình hạ tầng kỹ thuật khu đất ở dịch vụ đất đấu giá quyền sử dụng đất tại thôn Hương Đình, xã An Hòa, huyện Tam Dương ... Hoàn thiện hồ sơ đề nghị đóng của mỏ khu vực khai thác khoáng sản và gửi về Sở TN&MT để xem xét theo quy định.

Tuy nhiên, thực tế thì lại hoàn toàn khác, thay vì “đóng cửa mỏ” đúng nghĩa, thì đất vẫn chở và xe vẫn lao đi như “tên bắn”

Đã đến các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc làm rõ tình trạng “Khai thác đất ” tại đây có đúng Luật Khoáng sản hay không?. Chưa kể cấp xong giấy phép, ai sẽ là người giám sát những doanh nghiệp này, chưa kể mức độ “tàn phá” cơ sở hạ tầng tại địa phương, có đủ bù với những mất mát, thiệt hại mà người dân đang gánh chịu hay không? Hay có những “lợi ích nhóm” ở đây, để rồi “máu khoáng sản” vẫn chảy?…

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Đà Giang – Nhật Lam