Liên thông điện tử giữa cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan thuế: Điểm sáng từ TP.HCM

Đất đai - Ngày đăng : 10:08, 12/04/2022

(TN&MT) - Từ 2016, TP.HCM bắt đầu triển khai thí điểm liên thông thuế điện tử trong đăng ký đất đai giữa cơ quan Đăng ký đất đai và cơ quan Thuế. Đến nay, 13/22 Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai triển khai cơ chế liên thông với tổng số 229.619 hồ sơ đã được xử lý thành công.

Mang lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp

Ngày 6/5/ 2015, Cục Thuế TP.HCM và Sở TN&MT TP.HCM đã thông qua Quy chế phối hợp trao đổi thông tin giữa cơ quan Thuế và cơ quan TN&MT, nhằm hướng đến thực hiện cơ chế “một cửa” liên thông, giảm thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các hồ sơ đất đai. Thực hiện Quy chế phối hợp, cơ quan Thuế và cơ quan TN&MT đã có những bước triển khai, đầu tư hạ tầng và cụ thể hóa các bước phối hợp; tổ chức nhiều buổi tập huấn ứng dụng để thực hiện các chức năng trao đổi thông tin giữa hai bên.

Từ năm 2016, 22 Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai đã triển khai và thực hiện liên thông thuế điện tử. Tuy nhiên, do khó khăn về hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền, máy móc thiết bị nên đến nay mới chỉ có 13/22 Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai đã liên thông, kết nối liên thông thuế điện tử. Trong đó 3 đơn vị gồm Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Thủ Đức, Quận 1, Quận 3 sử dụng phần mềm HCMLIS (VBDLIS), 10 Chi nhánh còn lại sử dụng phần mềm VILIS.

t9.jpg

Người dân nộp hồ sơ đất đai

Ông Trần Văn Bảy - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết, khi áp dụng mô hình “một cửa liên thông thuế điện tử”, hồ sơ đăng ký đất đai của người dân sẽ được cơ quan Đăng ký đất đai điện tử hóa thành cơ sở dữ liệu và chuyển sang cơ quan thuế qua kênh trao đổi thông tin điện tử giữa 2 ngành. Cơ quan thuế cũng trả kết quả thông báo nghĩa vụ tài chính cho người dân sang cơ quan đăng ký đất đai qua phương thức điện tử. Đến tháng 3/2022, có 229.619 hồ sơ đất đai đã được giải quyết thông qua cơ chế liên thông.

“Đến nay, công tác liên thông thuế điện tử từng bước ổn định, thông tin trao đổi giữa cơ quan Đăng ký đất đai và cơ quan Thuế nhanh chóng, chính xác, giảm được thời gian xác định nghĩa vụ tài chính khi thực hiện thủ tục đất đai. Kết quả phối hợp này đem lại lợi ích trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp và góp phần đẩy nhanh hoàn thành tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói riêng và giải quyết các hồ sơ đất đai nói chung” - Ông Bảy cho hay.

Ông Phạm Văn Tùng - Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Quận 12 cho biết: Trung bình mỗi tháng, Chi nhánh tiếp nhận và giải quyết khoảng 1.000 hồ sơ đăng ký đất đai, tất cả đều được giải quyết liên thông điện tử với cơ quan thuế. Việc thực hiện liên thông thuế điện tử đã đem lại nhiều lợi ích, người dân không phải tới cơ quan thuế để làm các thủ tục nộp thuế, đồng thời thời gian nộp thuế cũng đã được rút xuống còn 5 - 7 ngày so với 15 ngày như trước kia. Đặc biệt, để hỗ trợ tối đa cho người dân, tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của quận 12 còn bố trí 2 điểm thu tiền của ngân hàng, người dân khi đến nhận Giấy chứng nhận có thể đóng tiền trực tiếp mà không phải ra ngân hàng như trước kia.

Giải bài toán cơ sở hạ tầng

Theo Sở TN&MT TP.HCM, mục tiêu trong năm 2022, TP.HCM sẽ thực hiện liên thông thuế điện tử tại tất cả 22/22 Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để phục vụ hiệu quả cho công tác liên thông thuế điện tử cần phải được đầu tư tương xứng.  

Cụ thể, hiện nay, đa số cơ sở hạ tầng, hệ thống trang thiết bị phần cứng (máy chủ, máy tính để bàn, thiết bị lưu, máy scan…), hạ tầng mạng sử dụng của hệ thống văn phòng Đăng ký đất đai được đầu tư đã lỗi thời, không tương xứng với khối lượng cơ sở dữ liệu đã xây dựng, ảnh hưởng đến việc khai thác vận hành cơ sở dữ liệu địa chính…

“Việc thực hiện liên thông thuế điện tử đã hạn chế việc người dân, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục ở nhiều cơ quan, thích ứng linh hoạt phòng chống dịch Covid-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Ông Trần Văn Bảy - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM

Đồng thời, đa số các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai đang sử dụng máy chủ và dùng chung hạ tầng của Văn phòng UBND các quận, huyện để dữ liệu địa chính với tốc độ đường truyền thấp không ổn định dẫn đến việc sao lưu, dự báo dung lượng lưu trữ dữ liệu, bảo mật, an toàn thông tin, kết nối chia sẻ dữ liệu gặp nhiều khó khăn. Nguy cơ mất dữ liệu địa chính có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Vì vậy, Sở TN&MT đã đề xuất UBND TP.HCM trang bị đủ hệ thống máy chủ (server) trên trung tâm dữ liệu thành phố cho hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai; nâng cấp đường truyền Metronet lên 40Mb/s cho hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai, thường xuyên bảo trì, duy trì ổn định đường truyền và bảo mật an toàn thông tin. Ngoài ra, Sở cũng kiến nghị bố trí kinh phí đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin cho Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố và các Chi nhánh trực thuộc để đảm bảo vận hành hiệu quả hệ thống trao đổi thông tin giữa Cơ quan đăng ký đất đai với Cơ quan thuế.

Đồng thời, đề xuất xây dựng dự án tích hợp, chuyển đổi cơ sở dữ liệu địa chính, chuẩn hóa bản đồ địa chính cũ sang mô hình, cấu trúc cơ sở dữ liệu địa chính quy định tại Thông tư số 75. Trên cơ sở đó, cho phép Sở TN&MT áp dụng phần mềm HCMLIS (VBDLIS) cho hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai.

Nguyễn Quỳnh