Hướng về cội nguồn dân tộc
Văn hóa - Ngày đăng : 10:07, 12/04/2022
Cùng với vô số hiện vật đã được giới khoa học khai quật, phản ánh sự phát triển của văn hóa vật chất thời kỳ hoang sơ của lịch sử, là hàng loạt các truyền thuyết, các tín ngưỡng và tập tục lâu đời được đúc kết thành các lễ hội trong dịp thờ cúng tổ tiên, thờ cúng các danh nhân của đất nước. Phải chăng đây cũng là một giá trị văn hóa lớn của dân tộc. Từ hàng ngàn năm qua, việc thắp nén nhang lên bàn thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, cũng như trên bàn thờ những người có công với đất nước, với cộng đồng, cũng là hành động quen thuộc đối với bất cứ người Việt Nam nào, dù là người dân hay người có trách nhiệm, có vị trí cao trong xã hội.
Cùng với những truyền thuyết, tín ngưỡng, tập tục tốt đẹp, tổ tiên ta từ thời dựng nước đã sớm có một tổ chức Nhà nước khá chặt chẽ, với quốc hiệu là Văn Lang, chia nước ra làm 15 bộ. Cũng đã hình thành các tổ chức quản lý các công việc của đất nước. Nói cách khác, về phương diện quản lý quốc gia, thời Hùng Vương đã đạt được một trình độ khá cao về công tác tổ chức. Đó là việc đặt quốc hiệu, xây dựng bộ máy quản lý xã hội và hình thành các đơn vị hành chính trong một quốc gia thống nhất. Điều này góp phần không nhỏ trong việc sớm hình thành ý thức quốc gia, dân tộc ở nước ta. Khi một dân tộc sớm ý thức được vai trò quốc gia, dân tộc của mình thì ý thức bảo vệ chủ quyền của quốc gia dân tộc chắc chắn sẽ trở thành tài sản quý báu chung cho mọi thế hệ. Cái chân lý “không có gì quý hơn độc lập tự do” chắc chắn cũng được bắt nguồn từ ý thức sơ khai đó của dân tộc ta.
Như vậy, trải qua một thời kỳ lịch sử khá dài, Nhà nước Văn Lang không những đã dựng lên một quốc gia dân tộc đầu tiên, mà còn để lại một di sản tinh thần vô giá. Đó là tình nghĩa đồng bào, là sự cưu mang đùm bọc lẫn nhau, là đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng biết ơn, sự thờ phụng tổ tiên và những người có công với đất nước… Phải chăng tất cả những cái đó là cơ sở để hình thành chủ nghĩa nhân văn, tinh thần đoàn kết, chủ nghĩa yêu nước truyền thống của dân tộc Việt Nam. Và phải chăng với ý nghĩa đó, trong “Bài cáo bình Ngô” Nguyễn Trãi đã có thể tự hào khẳng định:
“Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác…”
Suốt mấy ngàn năm qua, các giá trị của văn hóa Hùng Vương vẫn tồn tại qua các thời kỳ lịch sử. Thông qua các truyền thuyết, các tập tục, lễ hội cổ truyền, văn hóa Hùng Vương đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam, tạo nên lớp phù sa màu mỡ nuôi dưỡng nền văn hóa và con người Việt Nam. Đó cũng là sức mạnh nội sinh để dân tộc ta vượt qua các cuộc xâm lăng của các thế lực phản động của lịch sử.
Tuy vậy, để nhận thức giá trị đích thực của thời đại Hùng Vương, của văn hóa Hùng Vương, cũng không phải là công việc giản đơn. Bằng nhãn quan văn hóa và chính trị sâu sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên khẳng định các giá trị to lớn của văn hóa Hùng Vương và vai trò của các giá trị đó đối với lịch sử hiện nay. Trong tác phẩm “Lịch sử nước ta” được viết từ năm 1942, nhằm giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân, Bác thường xuyên nhắc đến khái niệm Rồng, Tiên (con Rồng cháu Tiên) để nhớ về thời kỳ lịch sử xa xưa của dân tộc, thời kỳ mà con người gắn bó mật thiết với nhau như anh em ruột thịt. Từ đó, Người khuyên mọi người:
Hỡi ai con cháu Rồng Tiên
Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau
Kết thúc tập sách, Bác viết:
Mai sau sự nghiệp hoàn thành
Rõ tên Nam Việt, rạng danh Lạc Hồng
Dân ta xin nhớ chữ đồng
Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh
Như vậy, với truyền thống con Rồng cháu Tiên, Bác Hồ đã phát hiện ra cái triết lý sống, cái đạo lý làm người của dân tộc ta: sự đùm bọc thương yêu lẫn nhau, tinh thần đoàn kết giữa những người cùng chung số phận. 12 năm sau, năm 1954, trên đường về tiếp quản Thủ đô Hà Nội cùng Đại đoàn quân Tiên phong, Bác đã dừng chân tại Đền thờ các vua Hùng ở Phú Thọ. Tại đây, Bác căn dặn các chiến sĩ quân đội: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đó là mệnh lệnh của lãnh tụ đối với toàn quân, nhưng cũng là lời thề thiêng liêng mà Bác đã thay mặt toàn quân, toàn dân thề trước anh linh của các vua Hùng. Đó cũng là tình cảm và trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với tổ tiên và đối với các thế hệ mai sau. Khái niệm “giữ lấy nước” mà Bác nói ở đây không chỉ có ý nghĩa giữ lấy mảnh đất sinh sống và bờ cõi cương vực của đất nước mà còn là giữ lấy và phát huy những giá trị tinh thần - hồn thiêng của dân tộc.
Cũng cần thấy thêm rằng trong truyền thuyết xa xưa về câu chuyện 50 người con theo mẹ lên núi và 50 người con theo cha xuống biển, phải chăng tổ tiên ta đã nhìn thấy địa bàn sinh sống của con dân đất Việt không chỉ thu hẹp trong vùng đất trung du và đồng bằng, mà còn là miền rừng núi và miền biển. Lịch sử hàng ngàn năm qua đã soi tỏ điều đó. Trong nhiều cuộc chiến tranh giữ nước trước đây, đặc biệt qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cư dân các địa bàn miền núi ngày càng đông và đã trở thành căn cứ vững chắc cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Gần đây, trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, một bộ phận khá lớn người dân từ đồng bằng và thành phố đã chuyển lên sinh sống trên miền núi.
Về miền biển cũng vậy. Câu chuyện Mai An Tiêm, đời vua Hùng thứ 18, cũng là dự báo về sự nghiệp làm chủ biển đảo của Tổ quốc, biển đảo phải là nơi cư trú, phát triển kinh tế và là điểm tựa bảo vệ bờ cõi, khẳng định chủ quyền quốc gia.
Cũng cần nói thêm rằng, trong xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường và quá trình toàn cầu hóa hiện nay, thế giới đang trải qua nhiều biến động, đặc biệt, đối với các quốc gia đang phát triển. Mặt trái của kinh tế thị trường cùng với sự tấn công của các luồng thông tin độc hại qua internet, thế hệ trẻ khó tránh khỏi những sợ ngỡ ngàng, lúng túng, đặc biệt trong sự chọn lựa các giá trị, các tiêu chuẩn của lối sống. Người ta đang e ngại có một sự xâm lăng về văn hóa đang diễn ra giữa các nước có ưu thế về kinh tế, về kỹ thuật và công nghệ đối với các nước đang phát triển và chậm phát triển. Trong tình hình đó, sự suy yếu về văn hóa dân tộc, thậm chí sự khủng hoảng về văn hóa cũng có thể diễn ra. Có thể coi đó là một nguy cơ lớn đối với nhiều quốc gia dân tộc. Trước tình hình đó, việc khơi dậy, làm sống lại các giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông, tổ chức giáo dục sâu rộng các giá trị truyền thống đó, hiện đại hóa các giá trị truyền thống và bổ sung những nhân tố mới mang tính thời đại, đó cũng là con đường cứu nguy cho dân tộc. Đó cũng là bệ phóng thần kỳ để đất nước ta, trong một thời gian không xa, có thể sánh vai với các cường quốc năm châu, như Bác Hồ đã từng mong ước.