Điện Biên: Quản lý khoáng sản ở cấp xã, "bắt tay chỉ việc" là cần thiết
Tài nguyên - Ngày đăng : 10:05, 12/04/2022
Để nêu cao vai trò trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong việc quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn. UBND tỉnh Điện Biên cần quy định cụ thể UBND cấp xã cần lưu chiểu những loại hồ sơ nào, đặc biệt vai trò quản lý được thể hiện cụ thể ở nhiệm vụ nào trong việc quản lý khoáng sản tại địa phương.
Theo đó, UBND xã có trách nhiệm tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản cho người dân. Bên cạnh đó, vận động người dân không khai thác, thu mua, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép, có trách nhiệm phát hiện và tố giác tổ chức, cá nhân khai thác trái phép; lấy mẫu khoáng sản tại các dự án khai thác khoáng sản đóng trên địa bàn quản lý; có trách nhiệm tham gia rà soát, lựa chọn các khu vực khoáng sản đủ tiêu chí đưa vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Đối với việc cấp, gia hạn, thu hồi Giấy phép thăm dò khoáng sản; Công tác công nhận chỉ tiêu tính trữ lượng khoáng sản, phê duyệt trữ lượng khoáng sản; Cấp giấy phép khai thác khoáng sản, Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản; chấp thuận trả lại Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản, Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản, trả lại một phần diện tích khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản.
UBND xã phải tiến hành các hoạt động cụ thể như: Cử người tham gia phối hợp trong công tác kiểm tra thực địa khu vực hoạt động khoáng sản, cử người tham gia thẩm định đề án đóng cửa mỏ, nghiệm thu kết quả đóng cửa mỏ khoáng sản thuộc địa bàn quản lý, tham gia phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác kiểm tra bàn giao mốc mỏ, mốc phao tiêu khu vực cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, thực hiện công tác giám sát hoạt động khoáng sản của các tổ chức, cá nhân đảm bảo thực hiện trong diện tích được cấp phép theo ranh giới mốc mỏ, mốc phao tiêu được bàn giao ngoài thực địa.
Ngoài ra, UBND xã phải được tiếp nhận các thông tin của cơ quan quản lý nhà nước hoặc các tổ chức, cá nhân về hoạt động khoáng sản như thăm dò, hay khai thác. Như nhận thông báo bằng văn bản của tổ chức cá nhân hoạt động khoáng sản về đăng ký xây dựng cơ bản mỏ. Trực tiếp tham gia việc bàn giao trên thực địa về ranh giới hoạt động khoáng sản, thông báo cho thôn, bản để phổ biến cho người dân biết việc có hoạt động khoáng sản trên địa bàn.
Đặc biệt đối với việc đảm bảo thực hiện quyền của địa phương và người dân ở địa bàn có khoáng sản, UBND xã có trách nhiệm theo dõi, giám sát các tổ chức cá nhân hoạt động khoáng sản trong việc triển khai thực hiện. UBND xã còn được yêu cầu các tổ chức cá nhân hoạt động khoáng sản đăng ký máy chuyên dùng phục vụ công trình trên địa bàn. Đồng thời thống kê và quản lý phương tiện, thiết bị, công cụ, dụng cụ của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn.
Đối với công tác quản lý sản lượng khoáng sản khai thác thực tế của các tổ chức, cá nhân, UBND xã phối hợp trong việc quản lý, xác định sản lượng khai thác của các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản. Giám sát nguồn gốc khoáng sản đã khai thác của các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý.
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền, UBND xã được kiểm tra việc thực hiện các nội dung quy định trong Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản và quy định của pháp luật có liên quan đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn quản lý. Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về khoáng sản theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, UBND xã còn có trách nhiệm quản lý đất đai và môi trường tại khu vực cấp phép của mỏ, cụ thể: Quản lý các tổ chức, cá nhân sử dụng đất theo kế hoạch sử dụng đất của địa phương, việc thực hiện nghĩa vụ tài của người sử dụng đất, mục đích sử dụng đất và tham gia vào các hoạt động tính toán, đền bù trong thu hồi đất. Đồng thời rà soát việc bàn giao trên trên thực địa đất cho thuê, chủ động nắm bắt và giải quyết theo thẩm quyền quản lý việc đơn vị hoạt động khoáng sản sử dụng hạ tầng kỹ thuật và các vấn đề khác; tham gia vào đánh giá tác động môi trường.
Riêng đối với trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, UBND cấp xã cần phải lập đường dây nóng phân công lãnh đạo hoặc thành lập lực lượng thường trực giao cán bộ phụ trách theo từng vùng cụ thể, đảm bảo thông tin liên lạc 24/24 để tiếp nhận thông tin, xử lý kịp thời và báo cáo UBND huyện chỉ đạo công tác này.