Sa Thầy – Kon Tum: Ngang nhiên dựng “trụ sở” trên đất lâm nghiệp
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 19:43, 09/04/2022
Lập trạm cân trên đất lâm nghiệp
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn T, một người đi làm nương, ngụ tại xã Mô Rai cho biết: Trạm cân sắn tại ngay ngã 3 đầu cầu thuộc cánh rừng Ya Mô, của vườn quốc gia Chư Mom Ray. Là vùng giáp ranh, đất màu mỡ nên có một số người dân trồng sắn (mì) ở vùng này. Thấy vậy, ông Hợp, nhà ngoài thị trấn Sa Thầy vào đây san ủi, tạo mặt bằng. Cho xây dựng 1 dãy nhà làm trụ sở công ty, lắp đặt trạm cân, tập kết xe máy loại lớn. Cũng theo anh T, không biết các ông này chở cái gì, mà toàn máy to, loại “xe reo” chở hàng khủng chạy suốt đêm ngày.
Theo chỉ dẫn của người dân, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã đến hiện trường, nơi đặt tấm biến lớn của Công ty HKT Sa Thầy thì thấy những ý kiến phản ánh của người dân địa phương là có cơ sở. Cả một vạt đồi lớn đã được san ủi để dạo mặt bằng. Và đổ bê tông dày, cứng kiên cố hóa. Trạm cân hàng trăm tấn được lắp đặt. Đường điện cũng được kéo đến phục vụ cho việc chiếu sáng và trạm cân. Trong trạm thường xuyên có hàng chục công nhân vừa làm, vừa bảo vệ, gác tại đây.
Thấy phóng viên chụp ảnh, ghi hình, một nhân viên trong trạm chạy ra ngăn cản, và không muốn cho phóng viên chụp lại hiện trạng tại đây. Người này cũng cho biết đất này là của Công ty HKT Sa Thầy, có gì cứ về tìm ông chủ Hợp, nhà gần quán càfe Mộc, ngoài thị trấn.
Qua tìm hiểu, phóng viên được biết: khu đất dựng trạm cân này do ông Trịnh Công Hợp, trú tại thôn 1, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư. Công ty TNHH HKT Sa Thầy cũng do ông Hợp làm giám đốc…
Dấu hiệu buông lỏng quản lý
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc, Trạm trưởng trạm quản lý bảo vệ rừng Ya Mô cho biết: Khu đất xây dựng trạm cân sắn của Công ty HKT Sa Thầy sát ngay đất rừng Ya Mô mà trạm được phân công bảo vệ. Nên việc xây dựng trạm như vậy, đúng hay sai thì trách nhiệm này thuộc thẩm quyền của xã Mô Rai.
Qua điều tra tại hiện trường, phóng viên thấy có nhiều dấu hiệu sơ hở trong công tác bảo vệ rừng, cũng như công tác canh gác, kiểm tra xe tải khi đi qua trạm chốt liên ngành của UBND huyện Sa Thầy ngay đầu cửa rừng. “Mục sở thị” tại địa điểm này, phóng viên thấy hàng ngày, có rất nhiều xe tải đi qua đây, đáng chú ý là một số xe tải chở sắn của Công ty HKT Sa Thầy được xếp vào diện “ưu tiên đặc biệt”. Trong một buổi chiều, phóng viên thấy nhiều chiếc xe của doanh nghiệp này chạy qua, mà nhân viên trạm chốt không hề có động thái kiểm tra trên xe có chở gỗ hay không, mà cứ nhấc barie cho xe vượt trạm.
Liên hệ với ông Nguyễn Hữu Dũ, Chủ tịch UBND xã Mô Rai, ông Dũ cho biết, do địa hình của xã khá lớn, từ trung tâm xã đến điểm rừng Ya Mô đến mấy chục km, nên sẽ cho anh em địa chính kiểm tra lại việc xây dựng này, và trả lời phóng viên sau.
Còn ông Nguyễn Văn Lâm, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sa Thầy thì cho biết: Về nguồn gốc đất ở đây, vốn trước là đất rừng, trải qua nhiều năm, người dân khai phá trồng trọt tại một số khoảnh rừng. Hộ thì trồng sắn, nhà trồng cao su… Khu đất dựng nhà xưởng mà phóng viên cung cấp là khu đất do ông Hợp đang quản lý. Không có cơ quan chức năng nào cấp phép cho Công ty TNHH HKT Sa Thầy được xây dựng tại đây cả. Đây là việc xây dựng trái phép. Sự việc này, Phòng TN&MT đã báo cáo lên Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy để xin ý kiến rồi - ông Lâm nói.
Phân tích về tính pháp lý tại đây, Luật sư Vũ Anh Huy (Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng) cho biết: Việc để doanh nghiệp ngang nhiên xây dựng “trụ sở” giáp ranh khu đất rừng Ya Mô là thể hiện sự buông lỏng quản lý. Trách nhiệm của việc quản lý đất đai này là lãnh đạo xã Mô Rai và lãnh đạo UBND huyện Sa Thầy. Đây là hành vi có dấu hiệu coi thường pháp luật, và phải có biện pháp xử lý nghiêm. Chưa kể, điểm cân mua hàng hóa nông sản dễ có sự trà trộn để lén lút phá rừng thì sao? Cần phải sớm kiểm tra, xem xét việc đóng cửa trạm cân này, hoặc di dời xa khu vực rừng quốc gia Chư Mom Ray. Có thể mới đảm bảo công tác bảo vệ rừng và an toàn cho rừng quốc gia. Luật sư Huy nhấn mạnh.