Bình Định: Yêu cầu Công ty cổ phần May Tây Sơn nghiêm túc thực hiện bảo vệ môi trường
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 19:43, 09/04/2022
Theo phản ánh của Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường về tình hình ô nhiễm môi trường tại Công ty cổ phần May Tây Sơn với bài: “Bình Định: Dân “nín thở” vì doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường” đăng ngày 4/3/2022.
Ngày 8/3/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND huyện Tây Sơn và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra thực tế công tác bảo vệ môi trường Nhà máy may của Công ty cổ phần May Tây Sơn. Đồng thời, để làm rõ các nội dung liên quan, ngày 24/3/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với UBND huyện Tây Sơn và các đơn vị liên quan tổ chức buổi làm việc với lãnh đạo Công ty.
Nhà máy may của Công ty cổ phần May Tây Sơn bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2012 tại vị trí lô A6, A7, A8, A9 thuộc khu quy hoạch dân cư và dịch vụ công trình đê bao sông Kôn, thị trấn Phú Phong với diện tích 12.417 m2, có công suất 1.996.800 sản phẩm/năm; được UBND huyện Tây Sơn xác nhận đăng ký Bản cam kết bảo vệ môi trường của “Dự án đầu tư xây dựng nhà máy may Tây Sơn - Giai đoạn 1” tại Giấy xác nhận số 09, ngày 30/8/2011.
Theo báo cáo của Công ty, công suất sản xuất năm 2021 là 1.641.999 sản phẩm và 2 tháng đầu năm 2022 là 249.545 sản phẩm. Do đó, công suất hiện nay của Nhà máy may không vượt so với công suất đã được UBND huyện Tây Sơn xác nhận Bản cam kết bảo vệ môi trường.
Tại thời điểm kiểm tra, Nhà máy đang hoạt động 2 lò hơi (1 lò hơi công suất 2,5 tấn hơi/giờ của Hàn Quốc sản xuất và 1 lò hơi công suất 3,5 tấn hơi/giờ của Việt Nam sản xuất). Qua kiểm tra thực tế cho thấy hiện 2 lò hơi đang sử dụng tại Nhà máy đều có dấu hiệu xuống cấp; các hệ thống xử lý khí thải không được vận hành đồng bộ, có tình trạng khí thải rò rỉ tại một số vị trí trong hệ thống xử lý. Đối với việc quản lý chất thải công nghiệp (vải thừa), trong quá trình hoạt động, có tình trạng lượng vải thừa phát sinh được Công ty chuyển giao cho các đơn vị không đủ chức năng xử lý theo quy định hoặc sử dụng làm nhiên liệu để đốt lò hơi, nấu bếp ăn.
Thời gian qua, Công ty chưa thực hiện đồng bộ công tác bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất của Nhà máy may, nhất là trong công tác quản lý chất thải công nghiệp (vải thừa) và vận hành các hệ thống xử lý khí thải lò hơi nên quá trình hoạt động sản xuất đã phát sinh khói, bụi ảnh hưởng đến các hộ dân lân cận như phản ánh của Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường.
Đối với những tồn tại này, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND huyện Tây Sơn đã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh. Trong tháng 10/2021, UBND huyện Tây Sơn đã kiểm tra và ban hành Quyết định số 44, ngày 29/10/2021 xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đốt chất thải rắn công nghiệp thông thường từ 3.000 kg đến dưới 4.000 kg trái quy định về bảo vệ môi trường, cụ thể đốt 3.700 kg vải rẻo.
Từ tháng 11/2021 đến nay, Công ty đã có cố gắng trong việc tuân thủ thực hiện thu gom vải thừa, chuyển giao cho một số đơn vị xử lý (Công ty TNHH TM MT Hậu Sanh và hộ ông Lê Thế Tuấn tại Làng Mớ Nú, Hàm Nghị, Chư Á, Pleiku, Gia Lai) nhưng chưa thực hiện biên bản bàn giao chất thải rắn công nghiệp thông thường (vải thừa). Đồng thời, Công ty đang chuẩn bị lắp đặt lò hơi mới 5 tấn hơi/giờ để thay thế các lò hơi đã xuống cấp.
Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND huyện Tây Sơn quan tâm, chỉ đạo yêu cầu Công ty cổ phần May Tây Sơn nghiêm túc thực hiện đồng bộ công tác bảo vệ môi trường theo hồ sơ môi trường đã được UBND huyện Tây Sơn xác nhận. Tuyệt đối không sử dụng vải thừa để đốt lò hơi phục vụ quá trình hoạt động sản xuất.
Quản lý chất thải vải thừa phát sinh theo đúng quy định về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường tại Điều 66 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; việc chuyển giao vải thừa cho đơn vị xử lý phải đảm bảo quy định và có đầy đủ chứng từ biên bản bàn giao chất thải rắn công nghiệp thông thường.
Khẩn trương thực hiện nâng cấp, cải tạo và vận hành đồng bộ các lò hơi hiện hữu và các hệ thống xử lý khí thải kèm theo hoặc lắp đặt, vận hành đồng bộ lò hơi mới kèm theo hệ thống xử lý khí thải (khuyến khích sử sụng nhiên liệu thân thiện với môi trường như: viên nén sinh học), hoàn thành trong tháng 4/2022 và báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Tây Sơn để theo dõi, quản lý.
UBND huyện Tây Sơn tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung về bảo vệ môi trường theo Kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận và giám sát việc khắc phục các tồn tại nêu trên. Trường hợp Công ty không tuân thủ thực hiện, đề nghị xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm theo quy định. Đồng thời, thông tin kịp thời kết quả kiểm tra, tình hình khắc phục tồn tại của Công ty đến người dân địa phương và Báo Tài nguyên và Môi trường để biết và giám sát.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 thì dự án Nhà máy May của Công ty thuộc dự án đầu tư nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức thuộc đối tượng phải có Giấy phép môi trường và thẩm quyền cấp phép thuộc UBND huyện Tây Sơn theo khoản 4 Điều 41 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14. Do đó, đề nghị UBND huyện Tây Sơn hướng dẫn Công ty lập và trình hồ sơ cấp Giấy phép môi trường theo quy định tại Điều 28 và Điều 29 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.