Thực trạng quản lý khoáng sản cấp xã, phường ở Điện Biên

Khoáng sản - Ngày đăng : 18:19, 08/04/2022

Theo Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành, trách nhiệm quản lý của từng chủ thể trong hoạt động quản lý khoáng sản khá rõ ràng, đặc biệt là chính quyền các cấp. Tuy nhiên, hiện nay ở Điện Biên rất ít địa phương hiểu hết được vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác quản lý và bảo vệ khoáng sản.

Huyện Điện Biên là một trong những huyện của tỉnh Điện Biên có số lượng mỏ đá, cát được cấp phép đang khai thác, được đánh giá nhiều nhất tỉnh Điện Biên, khoảng 6 mỏ đá và 7 mỏ cát. Riêng xã Na Ư, huyện Điện Biên có 4 mỏ đá lớn đã được cấp phép với trữ lượng khá lớn, tuy nhiên được hỏi một số hồ sơ cần thiết của đơn vị khai thác mỏ trên địa bàn cần phải quản lý thì chính quyền xã Na Ư dường như không có và cũng không biết gồm những loại nào, ngoài một bản đồ khu vực mỏ. Ông Ly Nình Vàng, Chủ tịch UBND xã Na Ư, huyện Điện Biên, cho biết: Hàng tháng công an xã vẫn kiểm tra công tác tạm trú của các công nhân khai thác mỏ.

anh(1).jpg
Một góc ảnh chụp mỏ đá Minh Thắng 2, huyện Tuần Giáo

Đó là hoạt động duy nhất địa phương có thể làm tại các điểm mỏ đang khai thác trên địa bàn. Còn việc theo dõi, giám sát, công tác quản lý đất đai và môi trường tại các điểm mỏ khai thác khoáng sản là việc làm quá sức đối với chính quyền địa phương; bản thân cán bộ địa chính xã cũng còn có những hạn chế.

Cũng tại huyện Tuần Giáo, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường có buổi làm việc với ông Bùi Quang Liên, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Việc nắm bắt quá trình hoạt động khai thác mỏ của phía doanh nghiệp sản chủ yếu là chính quyền xã. Phòng Tài nguyên và Môi trường hiện nay biên chế chỉ có 5 người không đủ lực lượng để… kiểm tra nắm bắt thông tin thường xuyên tại các khu vực mỏ đã được tỉnh cấp phép. Và cũng tại cơ quan này, hồ sơ về các tổ chức, cá nhân trên địa bàn đang hoạt động khai thác mỏ đã được UBND tỉnh Điện Biên cấp phép cũng không có. Đây là một trong những thực trạng ở nhiều huyện, thị… trong công tác quản lý điểm mỏ đang khai thác và vị trí khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Theo Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành, trách nhiệm quản lý của từng chủ thể trong hoạt động này khá rõ ràng. Theo các quy định trên, trách nhiệm của UBND xã được khẳng định rất rõ và đây cũng là cấp chính quyền cơ sở nắm chắc tình hình địa bàn nhất.

Tuy nhiên thực tế hiện nay, cấp xã phường thì không đủ năng lực để nhận biết hay phát hiện các điểm mỏ đang khai thác khoáng sản trên địa bàn, doanh nghiệp khai thác có đúng vị trí hay không. Trong khi đó, cơ quan chuyên môn là phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện biên chế hiện nay chỉ từ 3 - 5 người. Điển hình như Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tủa Chùa chỉ có 4 người (1 lãnh đạo, 3 chuyên viên đất đai, trong đó có 1 chuyên viên mới tuyển dụng đang học việc) không đủ lực lượng để xuống cơ sở nắm bắt tình hình hoạt động khai thác mỏ của các doanh nghiệp tại các điểm mỏ đã cấp phép và cả những điểm mỏ chưa cấp phép.

20220405_103952(1).jpg

Chính vì vậy, tính phát hiện sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản trái phép hoặc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác không kịp thời; thường thì các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép diễn ra rất lâu, kéo dài… thì đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành mới có mặt để xử lý. Công tác tham mưu cho UBND huyện của phòng chuyên môn và chính quyền cấp xã, phường dường như không phát huy hiệu quả và rất mờ nhạt.

Trong khi đó, vai trò của chính quyền địa phương cấp xã, phường trong công tác quản lý các điểm mỏ đã được cấp phép và cả những vị trí khoáng sản chưa khai thác là rất quan trọng. Ngoài việc phối hợp với các cơ quan chức năng cung cấp thông tin, số liệu liên quan, kiểm tra thực địa, rà soát khu vực quy hoạch khoáng sản thì còn có trách nhiệm theo dõi, giám sát các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản phải đăng ký máy chuyên dụng phục vụ công trường trên địa bàn. Đồng thời, thống kê và quản lý phương tiện, thiết bị, công cụ của các tổ chức cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Trách nhiệm quản lý đất đai và môi trường khu vực mỏ… Và tối thiểu phải có được bộ hồ sơ tương đối hoàn chỉnh của doanh nghiệp khai thác khoáng sản đóng chân trên địa bàn.

Trước đó ngày 10/4/2017, UBND tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định số 08/2027/QĐ-UBND, Ban hành Quy chế quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Tại Quy chế này, tỉnh Điện Biên đã chỉ rõ vai trò trách nhiệm các sở, ngành, các cấp chính quyền địa phương và quy chế phối hợp giữa các bên. Tuy nhiên, về trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong công tác quản lý hoạt động khoáng sản còn rất chung chung… chưa nêu bật được vai trò quản lý khoáng sản của địa phương. Trong khi đó, vai trò của cấp xã trong quản lý hoạt động khai thác khoáng sản đặc biệt quan trọng.

Trần Hương