Cấp giấy phép môi trường: Những quy định mới về thời hạn, chi phí
Môi trường - Ngày đăng : 09:56, 07/04/2022
Thời điểm nộp hồ sơ xin cấp phép
Luật Bảo vệ môi trường quy định, Dự án đầu tư nhóm I (dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao), nhóm II (dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường) và nhóm III (dự án ít có nguy cơ tác động xấu đến môi trường) có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức đều phải có GPMT.
Về thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp GPMT, Nghị định 08/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường quy định 4 thời điểm theo 4 loại dự án khác nhau.
Chủ dự án đầu tư thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường nộp hồ sơ đề nghị cấp GPMT sau khi đã hoàn thành công trình xử lý chất thải cho toàn bộ dự án hoặc cho từng phân kỳ đầu tư của dự án (nếu dự án có phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn) hoặc cho hạng mục công trình xử lý chất thải độc lập của dự án
Chủ dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường tự quyết định thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp GPMT sau khi có đầy đủ hồ sơ theo quy định.
Chủ dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành (1/1/2022) có tiêu chí về môi trường như dự án nhóm I, II, III đang vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải theo quy định của pháp luật trước ngày Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành tự quyết định thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp GPMT để bảo đảm thời điểm phải có GPMT sau khi kết thúc vận hành thử nghiệm nhưng chậm nhất trước 45 ngày đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp GPMT của cấp bộ, trước 30 ngày đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp GPMT của UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, tính đến thời điểm phải có GPMT.
Chủ cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp tự quyết định thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp GPMT để bảo đảm thời điểm phải có GPMT theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định này nhưng chậm nhất trước 45 ngày đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp GPMT của cấp bộ, trước 30 ngày đối với trường hợp thuộc thẩm quyền UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, tính đến thời điểm phải có GPMT.
Thời hạn và chi phí cấp phép môi trường
Để triển khai những quy định mới về cấp phép môi trường, hiện nay, một số địa phương đã ban hành quyết định về việc thay đổi một số thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực môi trường thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường/UBND cấp huyện/UBND cấp xã trên địa bàn. Đơn cử như Hà Nội, mới đây đã ra Quyết định số 1040/QĐ-UBND công bố danh mục 11 thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực môi trường. Trong đó có quy định về thời hạn cấp phép, cấp phép lại, cấp đổi GPMT.
Theo đó, các cơ quan chức năng phải cấp phép môi trường trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ; trong thời hạn 15 ngày đối với các dự án đầu tư, cơ sở không thuộc đối tượng phải vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải. Dự án đầu tư, cơ sở đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp và đáp ứng các yêu cầu sau đây: không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; không thuộc trường hợp phải quan trắc khí thải tự động, liên tục, quan trắc định kỳ theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Đối với các dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp tăng quy mô, công suất, thay đổi công nghệ sản xuất (trừ trường hợp dự án đầu tư thay đổi đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường). Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có thay đổi số lượng nguồn phát sinh nước thải, bụi, khí thải làm phát sinh các thông số ô nhiễm vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường (QCKTMT) về chất thải, phát sinh thêm thông số ô nhiễm mới vượt QCKTMT về chất thải; tăng lưu lượng nước thải, bụi, khí thải làm gia tăng hàm lượng các thông số ô nhiễm vượt QCKTMT về chất thải; tăng mức độ ô nhiễm tiếng ồn, độ rung; thay đổi nguồn tiếp nhận nước thải và phương thức xả thải vào nguồn nước có yêu cầu bảo vệ nghiêm ngặt hơn… việc cấp lại GPMT phải thực hiện trong thời gian là 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp GPMT do cơ quan Trung ương thực hiện. Cụ thể, phí thẩm định cấp, cấp lại GPMT như sau: Đối với các dự án hoặc cơ sở thuộc nhóm 1 (trừ một số dự án) có mức phí là 50 triệu đồng/giấy phép; Đối với các dự án hoặc cơ sở thuộc nhóm II hoặc các dự án hoặc cơ sở nằm trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên hoặc nằm trên vùng biên chưa xác định trách nhiệm quản lý hành chính của UBND cấp tỉnh có mức phí là 45 triệu đồng/giấy phép. Phí thẩm định cấp điều chỉnh GPMT là 15 triệu đồng/giấy phép/dự án/cơ sở.