Mù U vượt sóng

Câu chuyện môi trường - Ngày đăng : 09:56, 07/04/2022

(TN&MT) - Cứ mỗi lần về với miền Tây sông nước trong các chương trình ứng phó hạn mặn ĐBSCL, tôi lại thả hồn vào những câu hát trữ tình lãng mạn về cây Mù U.

Ấy thế nhưng khi lần đầu tiên đặt chân lên Quần đảo Trường Sa thì cảm xúc về cây Mù U đã hoàn toàn khác biệt trong tôi. Đó là một ngày cuối tháng 5, trời nóng như đổ lửa, đã đến quãng này rồi mà thời tiết trên quần đảo vẫn chưa chuyển mùa mưa. Nóng quá, da tay bỏng rát lên, đôi dép rọ bộ đội mềm oặt như đang chảy nhựa, chiếc khăn rằn quấn kín mặt rồi mà cái nắng vẫn xuyên qua từng thớ vải. Ngồi trên xuồng vào đảo mà mồ hôi trên người cứ đua nhau túa ra. Khi bước chân lên đảo Nam Yết, cả một vùng xanh mướt hiện ra. Tôi và các thành viên đoàn công tác ào đến chỗ bóng cây, những dãy dài bàn ghế cùng các chậu nước ngọt đã được bộ đội trên đảo chuẩn bị sẵn. Hình như các anh biết chúng tôi đang khát và nóng lắm.

anh-ccmt2.jpg

Tôi chọn cho mình một cái ghế trống dưới tán cây xanh mát, nhắm mắt cho vơi đi cơn mệt. Bỗng đâu cảm nhận một luồng năng lượng an lành đang thấm vào thân thể mình, lan đến từng tế bào. Một cảm giác bình an, vững chãi, tôi nghe trên cao tiếng gió và ngoài kia tiếng sóng biển, tất cả đang theo cây ùa vào cơ thể sống động, hiện hữu. Cái cảm xúc bình an mà gai góc này nó lạ lắm, khó có thể tả thành lời. Chỉ biết rằng tôi đã thực sự ấn tượng với cây cổ thụ xanh mát kia. Và khi hỏi anh em trên đảo thì được biết đây là cây Mù U di sản, cây đã sống hàng trăm tuổi rồi. Cảm xúc này cứ theo tôi mãi, thôi thúc mong muốn làm sao có dịp được ươm những mầm cây này về đất liền để cảm nhận biển đảo đang hiện hữu ngay bên mình.

Và rồi nhân duyên cũng hội đủ. Vượt qua cả một mùa Covid-19 dài, biết bao khó khăn phát sinh, cuối cùng cây Mù U nhỏ ươm từ đảo cũng đã vượt cả ngàn hải lý vào bờ, rồi lại vượt cả ngàn cây số về với Đất Tổ - Vua Hùng. Cây Mù U đầu tiên từ Trường Sa đã được chúng tôi trồng tại trường THCS Văn Khúc, xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.

Hy vọng cây sẽ sinh trưởng tốt, là biểu tượng khát khao, cống hiến của những người lính biển giữ trọn lời thề bảo vệ chủ quyền, biên cương bờ cõi hiện hữu trong lòng Đất Tổ. Lớp lớp thế hệ học sinh, tuổi trẻ Cẩm Khê sẽ cảm nhận "mối tình" thiêng liêng, khăng khít này, lấy đó làm động lực học tập, vươn lên trong cuộc sống, làm chủ tương lai, sống có ích cho xã hội.

Trần Thành - (Chủ nhiệm CLB vì biển đảo)