Sóc Trăng: Triển khai hiệu quả nhiều giải pháp

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 09:54, 07/04/2022

(TN&MT) - Thực hiện Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025, hiện nay, tỉnh Sóc Trăng đang khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, nội dung của kế hoạch phòng, chống thiên tai đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

Ông Phạm Tấn Đạo - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) tỉnh Sóc Trăng cho biết, để chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ huy đã đề ra kế hoạch phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả cho từng hiện tượng thiên tai trong thời gian tới.

Cụ thể, đối với áp thấp nhiệt đới, bão, bão mạnh, siêu bão, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN các cấp sẽ tổ chức sơ tán người dân, trong đó tập trung sơ tán các đối tượng là người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật ra khỏi khu vực nguy hiểm; thông báo cho tàu thuyền, phương tiện khai thác thủy sản trên sông, biển ra khỏi vùng nguy hiểm; tổ chức kiểm, đếm, hướng dẫn tàu thuyền tìm nơi neo đậu an toàn.

Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, các cơ quan, đơn vị chủ động chằng chống nhà cửa, công sở, bệnh viện, trường học, kho tàng, công trình, thực hiện các biện pháp bảo vệ sản xuất; tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời sự cố công trình phục vụ phòng, chống thiên tai, công trình trọng điểm về KT - XH và an ninh, quôc phòng; cảnh báo chủ phương tiện không đi vào vùng nguy hiểm trên sông, trên biển, nơi bị ngập sâu, nơi có nguy cơ sạt lở; đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc thông suốt.

soc-trang-trien-khai-nhieu-giai-phap.jpg

Nâng cao hệ thống đê điều, bờ bao phòng, chống hiệu quả với các hiện tượng thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Theo ông Phạm Tấn Đạo, đối với công tác phòng chống lũ, ngập lụt, tỉnh Sóc Trăng sẽ tập trung xây dựng, nâng cấp hệ thống đê điều, bờ bao, công trình phòng chống ngập, triều cường cho các huyện, thị xã, thành phố; thường xuyên theo dõi bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời để địa phương và người dân chủ động phòng tránh; tăng cường công tác kiểm tra các tuyến đê, bờ bao có nguy cơ tràn, gây vỡ đê, bờ bao để kịp thời khắc phục; vận động người dân sống trong các vùng bị ảnh hưởng tôn cao bờ bao chống nước tràn để bảo vệ sản xuất.

Là địa phương thường xuyên xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, do đó nhằm chủ động ứng phó, các cơ quan, đơn vị chức năng tỉnh Sóc Trăng tiếp tục triển khai hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo kịp thời đến người dân; vận hành công trình ngăn mặn, trữ ngọt phù hợp; thông báo cho nông dân chủ động bơm trữ nước phòng ngừa các đợt hạn, mặn kéo; triển khai sửa chữa, vận hành các trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung, đảm bảo chất lượng phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho người dân.

Đồng thời, tỉnh Sóc Trăng đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt; đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác thủy lợi nội đồng kết hợp bồi trúc, tôn cao các tuyến đê, bờ bao ngăn mặn; điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lịch mùa vụ, khuyến cáo người dân sử dụng các giống lúa ngắn ngày, sử dụng tiết kiệm nguồn nước trong thời gian hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài.

Trong công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, tỉnh Sóc Trăng sẽ tăng cường vận động người dân không xây dựng nhà ở gần ngã ba sông, những đoạn sông, kênh dễ bị sạt lở; thường xuyên kiểm tra, rà soát những điểm có nguy cơ sạt lở cao, đặc biệt là vào những tháng triều cường cuối năm, khi đỉnh lũ cao từ thượng nguồn đổ về theo cấp báo động; có kế hoạch chủ động tiến hành di dời các hộ dân ở những khu vực có nguy cơ sạt lở; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tái định cư, dự án sắp xếp, bố trí dân cư vùng có nguy cơ bị sạt lở; bảo vệ và phát triển diện tích rừng phòng hộ ven biển.

Song song đó, tỉnh Sóc Trăng cũng tập trung kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT - TKCN các cấp; hướng dẫn, lồng ghép kiến thức phòng chống thiên tai vào chương trình giảng dạy ở một số bậc học; đưa nội dung nâng cao nhận thức về phòng chống thiên tai và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đặc biệt là ở các vùng ven biển; chủ động chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị và nhu yếu phẩm thiết yếu để sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra thiên tai.

Lê Hùng