Cần cẩn trọng công tác trùng tu công trình là "1 trong 1.001 nơi phải đến trong đời"
Văn hóa - Ngày đăng : 21:35, 05/04/2022
Tuy nhiên, gần đây, việc nhà chức trách địa phương đưa máy móc, thiết bị tiến hành "oanh tạc" tháp Bánh Ít, biến nó thành "nửa dơi nửa chuột" đã khiến dư luận vô cùng bất bình, phản đối gay gắt nên buộc phải tạm dừng lại.
Có thể nhiều người không biết được rằng, tháp Bánh Ít là công trình duy nhất của Việt Nam được 1 nhóm tác giả người Anh đưa vào sách "1.001 công trình kiến trúc phải đến trong đời". Chính vì vậy, thông qua bài viết này, người viết mong rằng sẽ phần nào giới thiệu sơ lược về sự đồ sộ của công trình lịch sử này, hy vọng những người có trách nhiệm biết lắng nghe ý kiến góp ý, phản biện của các nhà chuyên môn để công tác trùng tu tháp Bánh Ít thật sự là “trùng tu” chứ không phải là “phá hoại” như hiện nay.
Tháp Bánh Ít đứng sít cầu Bà Di
Non xanh nước cũng xanh rì
Vào Nam ra Bắc ai cũng đi con đường này
...
Đoạn ca dao trên của người Bình Định nói về vị trí địa lý của tháp Bánh Ít. Tháp nằm ngay gần ngã 3 cầu Bà Di, nơi giao nhau giữa Quốc lộ 1A và Quốc lộ 19, đoạn qua địa bàn xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Tháp có nhiều tên gọi như: Thị Thiện, Tri Thiện, Thổ Sơn… nhưng Bánh Ít là tên gọi phổ biến nhất. Sở dĩ tháp có tên này là vì nhìn từ xa, tháp trông như những chiếc Bánh Ít, một đặc sản của quê hương xứ Nẫu. Người Pháp gọi ngọn tháp này là Tour d’Argent (tháp Bạc).
Theo nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Chăm-pa Ngô Xuân Hiền, hiện, trên mảnh đất Bình Định đang còn hiện hữu 7 quần thể với 13 ngôi tháp Chăm-pa cổ, trong đó tháp Bánh Ít là quần thể tháp có nhiều ngôi tháp nhất (4 tháp). Đây cũng là một quần thể tháp Chăm-pa đẹp nhất, mang đầy đủ những đặc trưng của phong cách kiến trúc kiểu Bình Định. Tháp Bánh Ít xây dựng theo mô hình đền núi vũ trụ Meru. Theo quan niệm của Hindu giáo, Meru là ngọn núi thiêng, nơi cư ngụ của các vị thần linh. Đây cũng là trục của vũ trụ trong truyền thuyết “Khuấy biển sữa”.
Tháp Bánh Ít là một quần thể gồm nhiều ngọn tháp được xây dựng trên ngọn đồi cao, trong đó ngôi tháp chính (tiếng Chăm-pa gọi là Kalan) thờ vị thần tối cao là Shiva. Cửa chính của các ngôi tháp đều quay về hướng Đông, tượng thờ thần Shiva nằm ở hướng Tây. Hướng Đông là hướng mặt trời mọc, nơi khởi nguồn sự sống, hướng Tây là hướng về với thần linh. Vòng đời con người cũng vậy, bắt đầu từ hướng Đông đi dần về hướng Tây để về với… thần linh! "Xây dựng đền tháp thờ các vị thần là một công việc thiêng liêng nên việc lựa chọn vị trí để xây dựng đền tháp là vô cùng hệ trọng.
Người Chăm-pa luôn chọn các vị trí đắc địa về phong thủy để xây dựng đền tháp, trong đó phải có các ngọn núi thiêng (tượng trưng cho Linga) và các dòng sông thiêng (tượng trưng cho Yony). Nơi xây dựng tháp Bánh Ít hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu về phong thủy như quan niệm của người Chăm-pa. Tháp nằm trên một ngọn đồi cao, xung quanh được bao bọc bởi 2 nhánh của dòng sông Kôn là Cầu Gềnh và Tân An (người Chăm-pa gọi là Tumao). Bản thân vị trí địa lý của tháp Bánh Ít đã là một bộ Linga - Yony tự nhiên khổng lồ", ông Ngô Xuân Hiền nói.
Theo các nhà nghiên cứu, tháp Bánh Ít được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII. Đây là một trong những cụm đền tháp được xây dựng sớm nhất của người Chăm-pa khi họ dời kinh đô từ Indrapura (Quảng Nam) về kinh thành Vijaja (Đồ Bàn), được xây dựng dưới thời Harivarman IV. Tháp Bánh Ít là một quần thể gồm 4 ngọn tháp còn hiện hữu. Trong đó, tháp Cổng (Gopura), có chức năng là cổng để lên Kalan chính. Tháp Cổng nằm ở phía Đông, cao chừng 13m, xây trên bình đồ hình vuông, mỗi chiều dài 7m, chất liệu hoàn toàn bằng gạch đá ong.
Tháp Cổng có hai cửa thông nhau theo hướng Đông - Tây, được trang trí đơn giản hơn ngôi tháp chính và cùng nằm trên một trục thẳng với tháp chính trên đỉnh đồi. Tháp Bia (Posah), có chức năng là bia ký ghi lại công trạng của các vị vua và thần, ghi lại những lễ vật tiến cống cho các vị thần...
Tháp Bia nằm cách tháp Cổng 22m về hướng Nam. Tấm bia trong ngôi tháp này hiện nay không còn. Tháp Bia có kích thước, cấu trúc giống tháp Cổng ở phía Đông. Tuy nhiên, tháp Bia có bốn cửa thông nhau theo 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Kiến trúc mái tháp khá đặc biệt, các tầng mái nhỏ dần về phía trên.
Tháp Hỏa (Kosagrha), có chức năng là nhà kho chứa, nơi chuẩn bị lễ vật để hành lễ ở Kalan chính. Tháp Hỏa nằm cạnh ngôi tháp chính có kiến trúc đặc biệt mô phỏng nhà sàn truyền thống của các dân tộc khu vực Đông Nam Á. Tháp này cao khoảng 10m, được xây theo bình đồ hình chữ nhật, chiều dài 12m, chiều rộng 5m, cửa chính ở hướng Đông. Mái tháp được tạo dáng lõm ở giữa, vút lên ở hai đầu, giống hình yên ngựa. Thân tháp có phù điêu chim thần Garuda trong tư thế hai cánh giơ cao như nâng đỡ cả phần trên của tháp.
Tháp chính (Kalan), là nơi thờ thần Shiva, vị thần tối cao của người Chăm. Tháp chính có chiều cao 29,6m, được xây dựng trên đỉnh đồi, bình đồ hình vuông, mỗi chiều 11m. Cửa chính quay về hướng Đông, các hướng khác là các cửa giả. Vòm cửa chính có phù điêu mặt Kala (theo truyền thuyết, Kala là thần thời gian. Một lần Kala đến xin thần Shiva ban cho thức ăn. Shiva bảo ngươi hãy ăn chính mình. Kala tự ăn thân thể mình chỉ còn lại cái đầu.
Đó chính là mặt Kala. Mặt Kala thường rất dữ tợn, phun ra rắn Naga. Kala là biểu tượng của triết lý hủy diệt qua thời gian, hủy diệt cái cũ để tạo ra cái mới). Diềm mái tháp chính có phù điêu khỉ thần Hanuman đang múa. Ở các cửa giả, diềm mái có các phù điêu Gajasimha (thần mình người đầu voi).
Thân tháp chính có năm cột dọc, rãnh kép để trơn, tạo dáng thanh thoát, vững chắc. Mái tháp có ba tầng là mô hình thu nhỏ của tháp chính, nhỏ dần về phía đỉnh. Các tầng mái, ngoài hệ thống cột và cửa giả còn có những bức tranh trang trí hoa văn. Phía Nam có hình sư tử, phía Tây và Đông trang trí bò thần Nandin, phía Bắc thể hiện mặt Kala, bên trong tầng còn có những tượng thờ bằng đá. Bên trong Kalan chính có tượng thần Shiva được điêu khắc tinh xảo trong tư thế đang tọa trên đài sen, mắt khép hờ. Đây là một tuyệt tác về nghệ thuật điêu khắc Chăm Pa.
Năm 1885, người Pháp đã đem tác phẩm này về nước, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Guimet. Tượng thần Shiva đang có ở tháp Bánh Ít hiện nay là tác phẩm do nghệ nhân Lương Quốc Phúc (SN 1970, người An Nhơn, Bình Định) phục chế lại vào năm 2013 theo nguyên gốc cả về kích thước lẫn chất liệu.
Tháp Bánh Ít được đánh giá là một công trình kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo đặc sắc của người Chăm còn tồn tại tương đối nguyên vẹn, được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch xếp hạng là di tích Kiến trúc Nghệ thuật năm 1982.
Tháp Bánh Ít được nhóm tác giả người Anh đưa vào sách “1001 buildings you must see before you die”! (nghĩa là 1.001 công trình kiến trúc phải đến trong đời). Đây là công trình kiến trúc cổ duy nhất của Việt Nam được chọn giới thiệu trong cuốn sách này. "Chính vì sự đồ sộ và tinh xảo còn hiện hữu của công trình tháp Bánh Ít nên tôi rất hy vọng chính quyền địa phương biết lắng nghe ý kiến góp ý, phản biện của các nhà chuyên môn để công tác trùng tu thật sự là “trùng tu” chứ không phải là “phá hoại” như hiện nay", nhà nghiên cứu Ngô Xuân Hiền mong mỏi.