Thiệu Hóa (Thanh Hóa): Người dân “phập phồng” vì mất đất nông nghiệp

Tiếng dân - Ngày đăng : 17:11, 05/04/2022

Thời gian gần đây, nhiều người dân thôn 1, xã Tân Châu (trước kia là xã Thiệu Châu và Thiệu Tân), huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đang lo sợ tình trạng mất đất bãi bồi sản xuất vì sạt lở bên dọc tuyến sông Chu. Tình trạng sạt lở đất sản xuất nông nghiệp đã khiến Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đi kiểm tra tình hình thực tế.

“Hà Bá” nuốt đất nông nghiệp

Được biết, hiện trên địa bàn xã Tân Châu có khoảng 5 km, dọc theo bờ hữu sông Chu. Dọc theo bờ đê sông Chu đã và đang xảy ra nhiều điểm sạt lở đất sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây, nhiều đoạn sạt lở chỉ trong một đêm kéo dài khoảng 50 mét, có những đoạn kéo dài 800 mét, ăn sâu vào phía trong hàng trăm mét.

anh-1(3).jpg
Điểm sạt lở đất nông nghiệp tại thôn 1, xã Tân Châu

Bà Nguyên Thị L, người dân thôn 1, xã Tân Châu chỉ tay về cung sạt lở lo âu, nói: Gia đình bà được UBND xã chia đất phần trăm ngoài bãi bồi dọc bờ song đã lâu. Hang năm gia đình chỉ trồng màu là chủ yếu, đất ở đây rất tốt, độ phì nhiêu cao, nên thu nhập cũng ổn định, không có tình trạng mất mùa. Nhưng không hiểu sao từ cuối năm ngoái sạt lở đất bồi ven song mới đầu chỉ là vài ba mét, nhưng càng ngày sạt lở càng nghiêm trọng, cung sạt lở kéo dài hang trăm mét. Khiến người dân chúng tôi đang lo mất đất sản xuất nông nghiệp.

Cùng chung tâm trạng với bà L, ông Đỗ Văn N, 78 tuổi cho biết thêm: Tôi sống tầm này tuổi đầu rồi, nếu như theo quy luật tự nhiên phải là bên lở, bên bồi. Mà bên lở từ trước đến nay thường nằm bên bờ tả, thuộc xã Thiệu Nguyên và Thiệu Thịnh. Nhưng nay, không những 2 xã Thiệu Nguyên và Thiệu Thịnh sạt lở mà các bờ hữu Tân Châu cũng sạt lở, thật là khó hiểu. các hộ gia đình chúng tôi cũng đã báo cáo sự việc này cho UBND xã rồi, nhưng vẫn chưa có câu trả lời.

anh-2(4).jpg
Điểm sạt lở đất sản xuất nông nghiệp tại xã Thiệu Nguyên, đối diện với xã Tân Châu

Đi dọc tuyến đê bờ hữu sông Chu, nhìn sang phía bờ tả xã Thiệu Nguyên cũng đang xảy ra tình trạng sạt lở đất nông nghiệp, nhiều cung sạt lở kéo dài cả trăm mét, chếch về phía Bắc bờ hữu, một số tàu hút cát đang neo đậu ven bờ, một số tàu đang hút cát tại bãi bồi giữa dòng song. Điểm sạt lở thuộc địa phận thôn 1, xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa đã và đang diễn biến phức tạp trên chiều dài hơn 800 m. Cung sạt đã lấn vào một phần diện tích là đất sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương.

Nguyên nhân nào?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dọc sông Chu xuôi về phía hạ nguồn, trên địa bàn xã Tân Châu có 3 đơn vi khai thác cát được UBND tỉnh cấp phép, trong đó một đơn vị thuộc địa giới hành chính xã Thiệu Nguyên và 2 đơn vị thuộc địa giới hành chính xã Tân Châu.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang kiểm tra điểm sạt lở bãi sông Chu. Qua kiểm tra cho thấy, điểm sạt lở thuộc địa phận thôn 1, xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa đã và đang diễn biến phức tạp trên chiều dài hơn 800 m. Cung sạt đã lấn vào một phần diện tích là đất sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương.

anh-3(2).jpg
Mặc dù đang sạt lở đất nông nghiệp, nhưng các mỏ vẫn khai thác

Đáng chú ý, phía đối diện khu vực sạt lở khoảng 250 m là điểm mốc số 1 đến số 5, mỏ sát số 2 đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác cho Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Thanh Tâm theo Giấy phép số 136/GP-UBND, ngày 13/4/2017.

Trao đổi với Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Trọng Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Châu cho biết: Việc sạt lở đất sản xuất nông nghiệp thuộc địa bàn xã là có thật, hiện tại có 9 hộ gia đình bị sạt lở, tổng diện tích sơ bộ, UBND xã kiểm đếm khoảng 500 m2. Trong thời gian này, xã tiếp tục rà soát lại diện tích đã mất, đồng thời huy động các lực lượng dẹp bỏ 2 lán trại của doanh nghiệp khai thác cát ở đây, tăng cường công tác quản lý, lắp đặt 3 Camera để giám sát việc khai thác của 3 các doanh nghiệp khai thác cát.

Tuy nhiên, việc kiểm tra cũng rất khó khăn, vì lực lượng mỏng, nhất là vào những ngày mưa gió, mình không quản lý hết được, với lại nguồn kinh phí chi cho công tác rất hạn hẹp. Khi được hỏi về nguyên nhân gây sạt lở, thì ông Quân trả lời: Việc này tôi cũng không nắm được vì tôi vừa nghỉ phép, nay mới đi làm lại.

Ông Hoàng Trọng Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa cho biết: Việc sạt lở tại thôn 1, xã Tân Châu là rất nghiêm trọng, vì theo cung độ hàm ếch, huyện chỉ đạo xã căng dây để cảnh báo người dân không đến gần, giải tán các lán trại xây dựng trái phép, tang cường công tác kiểm tra… Đồng thời chỉ đạo Công an huyện làm rõ có hay không việc thỏa thuận, mua bán đất ngầm giữa các hộ dân và đơn vị, cá nhân khai thác cát tại khu vực xảy ra sạt lở…

Việc sạt lở hai bờ sông Chu đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng, nhất là bên bờ hữu xã Tân Châu đã khiến cho người dân nơi đây đang ngày đêm lo mất đất sản xuất. Rất mong UBND tỉnh Thanh Hóa cần khẩn trương kiểm tra lại nguyên nhân gây sạt lở để có phương án chống sạt lở hữu hiệu hơn để người dân an tâm sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, yêu cầu UBND huyện Thiệu Hóa phối hợp với lực lượng công an tìm hiểu, xác minh, làm rõ vấn đề có hay không việc thỏa thuận, mua bán đất ngầm giữa các hộ dân và đơn vị, cá nhân khai thác cát tại khu vực xảy ra sạt lở. Đồng thời giao Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá tác động của hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản đối với tình trạng sạt lở bờ sông. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá mức độ ảnh hưởng của tình trạng sạt lở đối với sản xuất nông nghiệp nói chung và thiệt hại về diện tích hoa màu nói riêng để tham mưu cho UBND tỉnh có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp, hiệu quả.

Tuyết Trang