Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN
Trong nước - Ngày đăng : 17:09, 05/04/2022
Ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tham dự và chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; bà Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng ban Dân vận Trung ương; ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; ông Y Thanh Hà Niê K’đăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng; đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, các Bộ, ban ngành Trung ương và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Theo Ban Tổ chức Hội thảo, nhằm tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc, ngày 30/10/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.
Trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã chính thức thông qua Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị Quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030.
Nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.
Cũng theo Ban Tổ chức Hội thảo, mục tiêu của Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN nhằm thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS&MN so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản, ấp đặc biệt khó khăn; tổng nguồn vốn đầu tư hơn 137.000 tỷ đồng.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội thay mặt lãnh đạo Quốc hội bày tỏ sự vui mừng trước sự quan tâm đặc biệt của cả hệ thống chính trị đối với đồng bào dân tộc, công tác dân tộc và sự phát triển của đồng bào các DTTS vùng ĐBSCL.
Theo ông Trần Thanh Mẫn, trong nhiều năm qua, đời sống của người dân vùng ĐBSCL đã có nhiều thay đổi, cải thiện. Tuy vậy, hiện nay thu nhập bình quân đầu người của vùng thấp hơn so với bình quân cả nước; giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào tăng diện tích canh tác, tăng vụ, còn bấp bênh, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết; thị trường tiêu thụ, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ, thiếu bền vững; đồng bào các DTTS vùng ĐBSCL còn nhiều khó khăn.
“Trong thời gian tới, các cơ quan liên quan cần kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đặc biệt là công tác phối hợp của các Bộ, ngành; khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn, quản lý, điều hành và các quy định, điều kiện cần thiết để giải ngân nguồn vốn; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, giải pháp huy động các nguồn lực hợp pháp khác bổ sung cho Chương trình để việc triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả, góp phần nâng cao mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS&MN” - ông Trần Thanh Mẫn đề nghị.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nhiệm vụ cũng như xác định rõ những giải pháp đặc thù trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN nói riêng và các Chương trình MTQG trên địa bàn các tỉnh vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025 nói chung. Đặc biệt, lồng ghép trong việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN với Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới, giảm nghèo và an sinh xã hội.
Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng, củng cố hạ tầng thiết yếu để phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh trong khu vực ĐBSCL cần được quan tâm nhiều hơn; việc đẩy mạng việc tổ chức sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị, chăm lo đời sống tinh thần của người dân đi cùng với hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh để đồng bào DTTS vươn lên làm giàu sẽ là những hướng đi cũng cần được tiếp tục quan tâm trong thời gian tới.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, chu đáo của Ủy ban Dân tộc, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và sự nhiệt tình của tỉnh Sóc Trăng đã góp phần tổ chức thành công Hội thảo Triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 khu vực ĐBSCL.
Theo ông Phạm Bình Minh, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Quốc hội đã ban hành Nghị Quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 theo đề xuất của Chính phủ. Đây là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước đối với đồng bào sinh sống tại vùng DTTS&MN, một quyết sách mang tính lịch sử, cách mạng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS&MN, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cùng với đó, lần đầu tiên ở nước ta có Chương trình MTQG dành riêng cho vùng đồng bào DTTS&MN được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo vô cùng sát sao và bố trí hơn 137 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025 để tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất cho những địa bàn khó khăn nhất, những dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, đáp ứng mong mỏi bấy lâu nay của Nhân dân cũng như đồng bào các DTTS.
Để triển khai có hiệu quả Quyết định số 1719/QĐ-TTg tạo sự phát triển bứt phá, toàn diện và bền vững về KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị: Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành và địa phương liên quan phối hợp tốt với nhau hơn nữa, quyết tâm hoàn thành tất cả công tác chuẩn bị để có thể triển khai thực hiện Chương trình ngay trong tháng 4/2022.
Đồng thời, các Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương khẩn trương xây dựng, ban hành đầy đủ, đồng bộ các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, bám sát và đồng hành cùng các địa phương tổ chức triển khai thực hiện tốt các Chương trình, bảo đảm có những kết quả thiết thực, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của đồng bào.
Ông Phạm Bình Minh cho biết, dự kiến năm 2022 sẽ giao kế hoạch vốn cho Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN là hơn 14,4 nghìn tỷ đồng và từ nay đến cuối năm chỉ còn hơn 8 tháng. Vì vậy, đề nghị các Bộ, ban ngành, địa phương phải có quyết tâm chính trị cao nhất để tập trung nguồn lực, công sức, trí tuệ để triển khai tổ chức thực hiện Chương trình, phấn đấu giải ngân 100% vốn kế hoạch được giao.
"Đặc biệt, lưu tâm tới các giải pháp lồng ghép về nguồn vốn của các chương trình MTQG, chương trình, đề án khác để thực hiện nội dung có cùng mục tiêu trên cùng một địa bàn bảo đảm tránh chồng chéo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn lực; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chung sức tham gia thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN" - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị.