Kinh tế Việt Nam vượt thách thức do biến đổi khí hậu: BĐKH là động lực thúc đẩy ĐBSCL phát triển bền vững

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:00, 05/04/2022

(TN&MT) - Hơn 10 năm trở lại đây, BĐKH đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực và gây ra nhiều thiệt hại về tài sản, cơ sở hạ tầng,... đối với các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Sở dĩ, vùng ĐBSCL là 1 trong 3 đồng bằng lớn trên thế giới chịu tác động mạnh mẽ từ BĐKH bởi ĐBSCL nằm ở hạ lưu sông Mê Kông, một con sông lớn và tiếp giáp với biển. Đồng thời, đây là vùng thấp và bằng phẳng nên rất dễ bị tổn thương do sự thay đổi của mực nước biển. Vùng ĐBSCL có 2 mùa mưa, nắng rõ rệt. Mùa mưa trùng với mùa lũ và ảnh hưởng của thủy triều gây nên tình trạng ngập lụt. Còn mùa khô lượng nước ít, mặn từ biển dễ dàng xâm nhập vào đất liền. Đây là những tác động của BĐKH mang tính toàn cầu đối với vùng ĐBSCL.

Ngoài ra, những tác động do đập thủy điện, khai thác nước ở thượng nguồn đã làm thay đổi dòng chảy sông Mê Kông cùng với các hoạt động như: thâm canh tăng vụ, khai thác tài nguyên quá mức cũng khiến cho các yếu tố cực đoan của BĐKH ngày càng thêm phức tạp, khó lường hơn. Tình trạng nguồn nước cạn kiệt, đất đai kiệt quệ, sụt lún đất, sạt lở, mặn nhập mặn sâu vào đất liền cũng gia tăng tại vùng đất này.

dbscl.jpg

Như vậy, cùng với điều kiện tự nhiên, những tác động của BĐKH cộng với các hoạt động của con người đã làm cho vùng ĐBSCL trở nên rủi ro, nhiều thử thách hơn, đánh vào 2 nền kinh tế chủ lực là sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Đối với sản xuất nông nghiệp, những yếu tố như thiếu nước ngọt, nắng nóng gay gắt hoặc mưa lưu lượng lớn và bất thường, mặn xâm nhập đã làm cho thời vụ bị xáo trộn, năng suất, chất lượng sản phẩm không cao, các loại sâu bệnh gia tăng trên cây trồng và làm chết cây trồng.

BĐKH đã làm thay đổi hệ sinh thái, giảm đa dạng sinh học, thu hẹp rừng ngập mặn,... khiến vùng ĐBSCL không còn là vùng trù phú như trước. Tuy nhiên, BĐKH cũng có những mảng sáng như: sự gia tăng thời gian nắng nóng đã kích thích ngành năng lượng tái tạo phát triển, lợi dụng bất lợi của BĐKH để phát triển lĩnh vực này. Đặc biệt, BĐKH cũng chính là động lực thúc đẩy vùng ĐBSCL thay đổi sản xuất thuần túy chuyển sang sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, bền vững hơn.

Trước đây, Trung ương và các địa phương vùng ĐBSCL đầu tư các công trình đưa nước ngọt về vùng mặn để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên hiện nay, việc quan trọng là cần quy hoạch phân vùng sản xuất theo tư duy mới; đồng thời, thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo các vùng sinh thái mặn, lợ, ngọt. Qua đó, giúp các địa phương vừa thích ứng hiệu quả với BĐKH, vừa mang lại giá trị kinh tế cao cho các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản.

Thời gian tới, để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH theo Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ, ngoài sự hỗ trợ của Trung ương, sự nỗ lực của các địa phương vùng ĐBSCL trong việc thay đổi chính sách, quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao dân trí, thay đổi hình thức sản xuất,… rất cần sự hỗ trợ, hợp tác của cộng đồng quốc tế giúp vùng ĐBSCL tìm ra những giải pháp ứng phó với BĐKH tốt hơn hoặc giảm thiểu tác động từ BĐKH. Đồng thời, những bài học ứng phó với BĐKH tại vùng BĐSCL cũng có thể chia sẻ, áp dụng đối với những vùng đồng bằng khác trên thế giới.

PGS.TS. Lê Anh Tuấn - Viện Nghiên cứu BĐKH Trường Đại học Cần Th