Gỡ vướng mắc chính sách đất đai từ thực tiễn

Đất đai - Ngày đăng : 10:59, 05/04/2022

(TN&MT) - Thời gian qua, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ tổng kết, xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TM&MT) đã chỉ đạo các cơ quan trực thuộc rà soát các quy định pháp luật và lắng nghe ý kiến các địa phương về các vướng mắc bất cập. Qua đó đã tham mưu cấp có thẩm quyền, đồng thời ban hành theo thẩm quyền các chính sách tháo gỡ trong khi chờ sửa Luật Đất đai.

Ban hành nhiều văn bản “gỡ” vướng mắc từ thực tiễn

Theo Bộ TN&MT, trên cơ sở phản ánh, kiến nghị của các địa phương, người dân và doanh nghiệp về các khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai, Bộ TN&MT đã tập trung nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT ngày 30/6/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thi hành Luật Đất đai trong thời gian qua.

Đơn cử như Nghị định 148 đã tháo gỡ những vướng mắc về đất công xen cài trong dự án bất động sản, cấp GCN. Theo đánh giá của Sở TN&MT Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị định này là một nghị định mang tính “cách mạng”, mở ra một hướng giải pháp mới toàn diện hơn cho vấn đề vướng đất công xen cài trong dự án bất động sản (BĐS).

1-3-.jpg

Bên cạnh đó, Nghị định còn có cơ chế cấp GCN cho người mua nhà ở, công trình xây dựng trong các dự án BĐS, qua đó hỗ trợ hiệu quả cho cả nhà đầu tư và cơ quan Nhà nước trong việc giải quyết thủ tục, hồ sơ cho các dự án BĐS trên địa bàn, giúp tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục và tạo điều kiện cho nhiều dự án được tiếp tục triển khai sau thời gian dài đình trệ.

Thực hiện Thông tư 09, Hội đồng thẩm định hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác để thực hiện dự án đã đẩy nhanh tiến độ thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đảm bảo đúng quy định của pháp luật; hướng dẫn xử lý quỹ đất nông lâm trường bàn giao cho địa phương…

Còn tồn tại 8 vấn đề cần được giải quyết

Cũng theo Bộ TN&MT, song song với quá trình xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi, thực hiện chủ trương chung của Chính phủ về tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, người dân và doanh nghiệp, Bộ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan có liên quan rà soát các quy định của pháp luật đất đai để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành trong khi chờ sửa đổi toàn diện Luật Đất đai.

Qua kết quả rà soát vướng mắc, chồng chéo trong hệ thống pháp luật của các bộ, ngành, địa phương, các vướng mắc, bất cập do địa phương phản ánh và ý kiến của cử tri, đại biểu Quốc hội, còn tồn tại 8 vấn đề.

Thứ nhất, về hoạt động của Tổ chức phát triển quỹ đất với chức năng khai thác phát triển quỹ đất để khai thác nguồn lực đất đai còn bất cập, chưa phát huy hiệu quả như mong muốn.

Thứ hai, công tác đăng ký, cấp Giấy chứng nhận còn gặp khó khăn: Đối với tổ chức chưa quy định rõ trách nhiệm của các bên có liên quan; Đối với hộ gia đình, cá nhân còn so bì, chưa công bằng khi xác định lại diện tích đất ở trong trường hợp sử dụng đất từ trước 18/12/1980 nhưng không có giấy tờ về quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với các công trình xây dựng là khách sạn, căn hộ - khách sạn, văn phòng lưu trú, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, nhà nghỉ du lịch và công trình khác (công trình phục vụ mục đích lưu trú, du lịch) trên đất thương mại - dịch vụ gặp nhiều khó khăn tại các địa phương do cách hiểu quy định của pháp luật cũng như cách triển khai thực hiện gây ách tắc, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ đầu tư cũng như của người nhận chuyển nhượng quyền sở hữu.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai đề xuất sửa đổi, bổ sung 6 Nghị định, gồm: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP; 44/2014/NĐ-CP; 91/2015/NĐ-CP; 01/2017/NĐ-CP; 31/2021/NĐ-CP; 148/2020/NĐ-CP.

Ngoài ra, chưa rõ các loại giấy tờ để thực hiện thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền ở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng trong các dự án kinh doanh bất động sản không phải là dự án phát triển nhà ở; Chưa rõ về thời gian niêm yết tại xã trong trường hợp làm thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận do bị mất.

Thứ ba, việc tổ chức lập, lấy ý kiến và tích hợp phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trước khi tích hợp vào quy hoạch tỉnh còn vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai.

Thư tư, việc xác định giá đất còn kéo dài, giá đất chưa phù hợp với thị trường do vấn đề thông tin định giá và việc áp dụng các phương pháp định giá.

Thứ năm, thủ tục hành chính trong việc xác định các trường hợp bất khả kháng ảnh hưởng đến tiến độ sử dụng đất, thủ tục thu hồi đất trong trường hợp dự án bị chấm dứt hoạt động đầu tư chưa đủ rõ; thủ tục điều chỉnh quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích của Thủ tướng Chính phủ còn kéo dài.

Thứ sáu, chưa có quy định về trình tự, thủ tục gia hạn sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân mua tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thông qua bán đấu giá, phát mãi.

Thứ bảy, việc áp dụng các quy định xử lý chuyển tiếp liên quan đến thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất trong các nghị định đã ban hành trước đây kéo dài, gây tình trạng chây ỳ và có nguy cơ thất thoát nguồn thu cho ngân sách.

Thứ tám, việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian qua còn phát sinh nhiều bất cập.

Hiện nay Bộ TN&MT đã xây dựng và đang lấy ý kiến các tổ chức cá nhân về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai để giải quyết những vướng mắc, tồn tại trên trước khi Quốc hội chưa ban hành Luật Đất đai sửa đổi.

Trường Giang