Thừa Thiên - Huế thích ứng BĐKH tạo động lực phát triển KT – XH

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:59, 05/04/2022

(TN&MT) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng khó lường khiến Thừa Thiên - Huế thường xuyên đối mặt với thiên tai và nhiều thách thức khác. Ứng phó, giảm thiểu và chung sống hài hòa với BĐKH để phát triển kinh tế xã hội (KT-XH) là “bài toán” mà chính quyền và người dân đang tìm lời giải.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phương (ảnh), Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.

PV: Xin ông cho biết, BĐKH đã ảnh hưởng đến tỉnh Thừa Thiên - Huế ra sao trong những năm qua?

Ông Nguyễn Văn Phương:

Thừa Thiên - Huế là tỉnh có yếu tố địa hình và vị trí đặc biệt về địa lý nên hàng năm thường chịu ảnh hưởng của nhiều loại thiên tai. Chỉ riêng những tháng cuối năm 2020, 5 trận lụt xảy ra liên tục do ảnh hưởng của bão đã cướp đi 41 sinh mạng, 11 người mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3 và 142 người bị thương; 27.663 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng; ảnh hưởng rất lớn đến nông nghiệp, chăn nuôi, cơ sở hạ tầng... với giá trị thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

hue1.jpg
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Vài năm trở lại đây, lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm, các hồ chứa lớn gặp khó khăn do lưu lượng về hồ thấp, không đủ nước để tích. Toàn tỉnh hiện có hơn 42km bờ sông đang bị sạt lở, tập trung chủ yếu ở sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu, sông Truồi, sông Bù Lu... Hơn 9km bờ biển bị sạt lở nặng đe dọa đến tính mạng và tài sản của hơn 1.000 hộ dân cũng như cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội khu vực ven biển của tỉnh.

Diện tích có nguy cơ trượt đất ở mức trung bình và cao, chiếm tới gần 1/3, chủ yếu khu vực vùng núi các huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc. Nắng nóng, hạn hán vẫn thường xuyên diễn ra. Nhiều vụ mùa lúa, cây hoa màu với hàng trăm ha bị khô cháy, mất trắng... khả năng hủy diệt của thiên tai đã, đang và sắp tới sẽ còn khó lường.

PV: Để biến “thách thức thành cơ hội” cho phát triển KT - XH, tỉnh đã có các phương thức hoạt động thích ứng với BĐKH như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Phương:

Sau 4 năm thực hiện dự án “Thích ứng và chống chịu với BĐKH tỉnh Thừa Thiên - Huế” do Quỹ năng lượng và khí hậu Luxembourg - Bộ Phát triển Bền vững và Hạ tầng Luxembourg tài trợ tại 29 xã vùng dễ bị tổn thương ven phá, ven biển đã đem lại những tác động tích cực đến kinh tế, giúp người dân tăng cường khả năng chống chịu với những tác động do BĐKH và cải thiện sinh kế. Số hộ nghèo bị thiệt hại nghiêm trọng do thiên tai giảm hơn 30%; 76,1% phụ nữ cải thiện khả năng tiếp cận các cơ hội kinh tế; dịch bệnh nuôi trồng thủy sản giảm khoảng 50%; diện tích các khu bảo vệ thủy sản tăng 79,43%; nhận thức về BĐKH của cộng đồng được nâng cao.

hue3.jpg

Trồng rừng ngập mặn để góp phần phòng ngừa, thích ứng với BĐKH.

Ngành nông nghiệp đang chuyển đổi khoảng 3.300ha đất lúa kém hiệu quả ở vùng miền núi, vùng thiếu nước sang trồng ngô, lạc, rau, hoa và nuôi trồng thủy sản. Xây dựng nhãn hiệu rau cho một số địa phương có truyền thống trồng rau, phấn đấu có 600ha rau, củ, quả được công nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, tiến đến công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Hàng trăm ha rừng ven biển và rừng ngập mặn dọc các xã Quảng Lợi, Hương Phong, Thuận An, Lăng Cô... được trồng và phát triển mạnh đem lại hiệu quả thiết thực trong việc phòng ngừa, thích ứng BĐKH, không chỉ tạo vành đai chắn gió khi bão lụt về mà còn mở ra cơ hội phát triển sinh kế, đa dạng các loại hình du lịch dịch vụ.

PV: Giảm thiểu, thích ứng với BĐKH là “bài toán” nan giải và cần có kế hoạch dài hơi, tỉnh có những giải pháp gì để thực hiện điều này, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Phương:

Với mục tiêu xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành Đô thị Di sản - thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”, tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn, phòng chống và thích ứng BĐKH.

Tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vạch rõ mục tiêu nâng cao khả năng ứng phó với BĐKH đối với các cấp quản lý và cộng đồng dân cư theo hướng thích ứng, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo đảm an toàn tính mạng người dân và tài sản, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững.

Trong 10 năm từ 2009 - 2019, đã có 90 đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh với kinh phí 50 tỷ đồng được triển khai thực hiện nhằm nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp phục vụ chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH

Tỉnh sẽ tập trung vào các giải pháp cụ thể như hoàn thiện tổ chức, bộ máy, tăng cường trang thiết bị cho công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Triển khai xây dựng tỉnh điển hình về phòng chống thiên tai một cách toàn diện; tích hợp, lồng ghép sử dụng hệ thống đô thi thông minh, GIS Huế phục vụ phòng chống thiên tai. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác phòng, chống thiên tai.

Nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống, giảm nhẹ thiên tai. Ngăn chặn chặt phá rừng, nhất là rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên và xây dựng kế hoạch phát triển rừng bền vững. Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống và khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai. Triển khai bố trí, sắp xếp, ổn định cho các hộ dân ảnh hưởng sạt lở, xâm thực.

Ngoài ra, tiếp tục đầu tư, nâng cao năng lực, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, y tế, thông tin; củng cố nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển, khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão; kịp thời sửa chữa, khắc phục sự cố đê điều, hồ đập, các công trình phòng chống thiên tai...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Văn Dinh (thực hiện)