Mưa lớn tại miền Trung khiến 2 người chết, 1 người mất tích

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 19:59, 02/04/2022

Đến sáng 2/4, mưa lớn tại miền Trung khiến 2 người chết, một người mất tích, hàng trăm ghe, thuyền bị chìm, nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, đêm qua và hôm nay (2/4), ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; riêng Quảng Trị - Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 50-150mm, có nơi trên 200mm (lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 1/4 đến 14 giờ ngày 2/4) như: Mỹ Chánh (Quảng Trị) 109.4mm, Lộc Tiến (Thừa Thiên Huế) 355.8mm, Giang Hải (Thừa Thiên Huế) 282.4mm, Suối Đá (Đà Nẵng) 231.4mm, Hòa Hải (Đà Nẵng) 215.6mm, Hương An (Quảng Nam) 207.0mm,…

Dự báo đêm nay (2/4), do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 50mm.

Do ảnh hưởng của đới gió Đông của rìa áp cao cận nhiệt đới lấn về phía Tây kết hợp với rìa Tây Nam lưỡi áp cao lạnh lục địa nên từ đêm 3-6/4, khu vực từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

68.jpg
Thuyền bị sóng lớn đánh hỏng tại Phú Yên. Ảnh: baodansinh

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, nguyên nhân của đợt mưa này là ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp trên khu vực Biển Đông, hình thái này gây mưa ở miền Trung là điển hình, nhưng xảy ra vào tháng 3 là hiếm gặp.

Dự báo đây là đợt mưa lớn nhất của tháng 3 và đầu tháng 4. Tháng 4 là thời điểm giao mùa, giai đoạn này trên cả nước thường xuất hiện các đợt mưa chuyển mùa. Mưa dông giai đoạn này thường kèm theo các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Tại cuộc họp khẩn sáng 1/4 giữa Phó Thủ tướng Lê Văn Thành với các bộ, ngành, địa phương về tình hình thiên tai tại miền Trung, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Trần Hồng Thái nhìn nhận đây là đợt mưa dị thường, vượt kỷ lục nhiều năm (khi so sánh các đợt mưa trong tháng 3).

Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, tính đến sáng 2/4, thống kê thiệt hại ban đầu có 2 người chết (Phú Yên 1, Quảng Nam 1) và một người mất tích do chìm ghe. Ngoài ra, có 2 nhà sập; 37 nhà tốc mái; 229 ghe, thuyền bị chìm, các địa phương đang trục vớt, khắc phục; 2.450 lồng bè thiệt hại; 6 điểm giao thông bị sạt lở. Mưa lũ cũng khiến 2.714 ha lúa và 7.114 ha hoa màu bị ngập úng.

Tại tỉnh Phú Yên, báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, đợt mưa lớn kèm theo gió giật mạnh (cấp 6-7) trong hai ngày 30 và 31/3 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông, ngư nghiệp của tỉnh. Cụ thể, toàn tỉnh có trên 117 ghe, tàu đánh cá công suất nhỏ (chiều dài dưới 15m) của ngư dân 4 địa phương ven biển (Tuy Hòa, Tuy An, Đông Hòa, Sông Cầu) bị gió lốc, sóng biển đánh chìm; 2.450 lồng nuôi tôm hùm bị trôi dạt, 14 nhà ở của người dân bị sập đổ, tốc mái; 15.700/26.666 ha lúa Đông Xuân đang trong giai đoạn chín sáp, sắp thu hoạch bị ngập nước, ngã, đổ; 508 ha rau màu bị ảnh hưởng.

Tại huyện Tuy An có một người tử vong đã tìm thấy, một người còn mất tích do bị gió lốc cuốn tại khu vực nuôi trồng thủy sản xã An Hòa Hải.

Trong chuyến công tác kiểm tra, chỉ đạo khắc phục thiệt hại do mưa, gió lốc tại Phú Yên ngày 2/4, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai nhận định, đợt mưa lớn kèm theo gió lốc trong những ngày vừa qua là hiện tượng thời tiết bất thường, ở Phú Yên có thể gọi là hiện tượng thời tiết dị thường. Mặc dù trước đó, các cơ quan cảnh báo của Trung ương đã có chỉ đạo, cảnh báo cho các địa phương, tuy nhiên, đối với ngư dân vẫn có yếu tố bất ngờ, bởi đã bước vào khô và đang là đầu vụ đánh bắt nhưng lại nhận một đợt mưa rất lớn, gió lốc khiến người dân không kịp trở tay.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh hiện tượng thời tiết phức tạp vừa qua đã gây thiệt hại lớn cho ngành nuôi trồng, đánh bắt thủy sản ở Phú Yên. Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh cần khẩn trương khắc phục tốt nhất, nhanh nhất những thiệt hại, hỗ trợ để người dân sớm ổn định cuộc sống, sản xuất.

Thanh Tùng