Năng lượng gió và mặt trời đang phát triển theo hướng đáp ứng mục tiêu khí hậu

Thế giới - Ngày đăng : 16:15, 01/04/2022

(TN&MT) - Tổ chức Nghiên cứu Khí hậu độc lập Ember vừa công bố báo cáo cho thấy, năng lượng Mặt trời và năng lượng gió có thể tăng trưởng theo đà giúp hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, nếu tốc độ tăng trưởng kép trung bình trong 10 năm ở mức 20% có thể được duy trì đến năm 2030.
zbe5i33vx5lapm3lzmd5rxoi4y(1).jpg
Một tuabin cối xay gió phát điện tại trang trại gió ngoài khơi Eneco Luchterduinen gần Amsterdam, Hà Lan . Ảnh: Reuters

Theo dữ liệu của Tổ chức Nghiên cứu khí hậu độc lập Ember, năm 2021, sản lượng năng lượng mặt trời đã tăng 23% trên toàn cầu, trong khi nguồn cung cấp năng lượng gió tăng 14% so với cùng kỳ. Năm ngoái, tổng cả 2 nguồn năng lượng tái tạo này chiếm 10,3% tổng sản lượng điện toàn cầu, tăng 1% so với 1 năm trước đó.

Điển hình, Hà Lan, Australia và Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất đối với các nguồn năng lượng tái tạo và đã chuyển khoảng 10% nhu cầu điện từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng gió và năng lượng Mặt trời trong 2 năm qua. Ember cho biết, trong báo cáo, nếu có thể nhân rộng và duy trì xu hướng này trên toàn cầu, ngành điện sẽ đi đúng hướng với mục tiêu 1,5 độ C.

Theo ông Dave Jones, người đứng đầu Chương trình toàn cầu của Ember, hiện nay, vấn đề lớn làm chậm lại tốc độ tăng trưởng là những hạn chế trên thực tế và nếu các Chính phủ muốn tăng tốc độ tăng trưởng, họ cần giải quyết các vấn đề làm chậm việc triển khai.

Tuy vậy, bất chấp sự gia tăng của năng lượng gió và năng lượng Mặt trời, sản xuất nhiệt điện than cũng đã trải qua mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ ít nhất là năm 1985, với mức tăng 9%, 10.042 terawatt giờ (TWh) vào năm 2021, tương đương 59% tổng mức tăng về nhu cầu.

Điều này được ghi nhận trong một năm mà nhu cầu đã phục hồi nhanh chóng, khi năm 2021, có ​​mức tăng hàng năm lớn nhất, ở mức 1.414 TWh trong nhu cầu điện toàn cầu, tăng 5,4%. Trong đó, mức tăng nhu cầu lớn nhất được ghi nhận ở Trung Quốc, tăng 13% vào năm 2021 so với mức trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2019.

Theo báo cáo, Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào than để sản xuất điện, nhưng đã vượt qua cột mốc 1/10 sản lượng điện từ năng lượng gió và năng lượng Mặt trời lần đầu tiên vào năm 2021, cùng với 6 nước khác.

Lan Chi