Sơn La: Còn nhiều khó khăn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng

Đất đai - Ngày đăng : 20:17, 31/03/2022

(TN&MT) - Từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành đến nay, tỉnh Sơn La đã thực hiện thu hồi hơn 4.800ha; bồi thường, hỗ trợ bằng tiền trên 1.400 tỷ đồng; tái định cư thuộc khu vực đô thị cho 1.388 hộ dân. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn một số vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ.
a1.jpg

Thành phố Sơn La họp bàn tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án Chỉnh trang đô thị đường Điện Biên.

Tạo đà phát triển bền vững

Là địa phương có tốc độ phát triển đô thị mạnh mẽ, từ năm 2014 đến năm 2020, thành phố Sơn La đã thực hiện thu hồi gần 24ha đất để triển khai thực hiện 4 dự án quốc phòng an ninh; thu hồi 332ha đất để thực hiện 151 dự án phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Tổng số tiền chi trả cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên 931 tỷ đồng; đã thực hiện tái định cư cho 375 hộ gia đình.

Còn tại huyện Vân Hồ, giai đoạn 2014-2020, trên địa bàn huyện đã triển khai 82 dự án với tổng diện tích đất đã thu hồi 376ha, số tiền đã chi trả trên 332 tỷ đồng. Đã triển khai bố trí tái định cư ổn định cho 244 hộ dân.

a2.jpg

Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được Sơn La quan tâm triển khai thực hiện nghiêm.

Theo số liệu tổng hợp từ Sở TN&MT Sơn La, từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện thu hồi hơn 4.800ha, đã thực hiện bồi thường, hỗ trợ bằng tiền trên 1.400 tỷ đồng. Thực hiện tái định cư thuộc khu vực đô thị cho 1.388 hộ dân với diện tích 705 ha.

Lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Sơn La cho biết: Những năm qua, công tác lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được tỉnh Sơn La thực hiện nghiêm, góp phần triển khai có hiệu quả các công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Sau khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã phối hợp với UBND cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức họp trực tiếp lấy ý kiến người dân về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Việc tổ chức lấy ý kiến được lập thành biên bản có xác nhận của đại diện UBND cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, đại diện những người có đất thu hồi và giải quyết kịp thời những kiến nghị của người dân trước khi phê duyệt phương án. Việc tổ chức bồi thường được thực hiện đúng trình tự, thủ tục; phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được người dân đồng thuận nên công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ thuận lợi; các khiếu nại, tố cáo liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của người dân giảm đáng kể. Những trường hợp vượt quá thẩm quyền, UBND tỉnh đã xem xét, ban hành văn bản chỉ đạo tháo gỡ kịp thời, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư từng bước được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tế, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người bị thu hồi đất. Cùng với đó, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết về pháp luật đất đai cho người dân, đây là điều kiện thuận lợi để vận động nhân dân chấp hành các quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

3(1).jpg

Qua đó, góp phần triển khai có hiệu quả các công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục tháo gỡ bất cập, vướng mắc

Sơn La là tỉnh miền núi, có diện tích tự nhiên đứng thứ ba trong cả nước, hệ thống hồ sơ địa chính được thiết lập qua các thời kỳ không đồng bộ. Do đó, việc quản lý đất đai còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác xác minh nguồn gốc đất để làm căn cứ thu hồi đất. Cộng thêm, do tính chất lịch sử, một số trường hợp đất bị thu hồi không có nguồn gốc rõ ràng, khó xác định ranh giới nguồn gốc sử dụng đất để thu hồi đất. Một số dự án, công trình thực hiện trong giai đoạn thay đổi cơ chế, chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, dẫn đến người dân có sự so bì, thắc mắc về chính sách bồi thường, hỗ trợ về đất.

Tổ chức bộ máy làm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất chưa thống nhất. Hiện nay, toàn tỉnh có 4 huyện, thành phố đã thành lập Trung tâm phát triển quỹ đất, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được giao cho tổ chức này cùng với phòng TN&MT thực hiện, hoặc thuê Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh thực hiện. Một số huyện, thành phố giao nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho Ban bồi thường giải phóng mặt bằng thuộc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện, thành phố thực hiện. Một số huyện không có Ban bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc chưa thành lập Trung tâm phát triển quỹ đất thì thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo từng dự án, nên việc triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn hạn chế.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất quy định hỗ trợ trên cơ sở tỷ lệ (%) diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi tại khoản 3, Điều 19 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ còn gặp nhiều khó khăn trong việc xác định được tổng diện tích đất nông nghiệp của người dân đang sử dụng, do Sơn La chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý đất đai hoàn chỉnh.

Đối với những dự án theo tuyến thực hiện trên địa bàn các xã có điều kiện đi lại khó khăn, kinh phí cho tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng không quá 6% tổng kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án là không đủ để chi cho việc kiểm kê, kiểm đếm, xác định giá đất, chi phí thẩm định, công xã bản…

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân có đất bị thu hồi, UBND tỉnh Sơn La kiến nghị Bộ TN&MT có hướng dẫn cụ thể việc xác định tỷ lệ (%) diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi tại khoản 3 Điều 19 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất quy định hỗ trợ trên cơ sở tỷ lệ (%) diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi.

Kiến nghị Bộ TN&MT sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế Quy định về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp tại Điều 20 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ; Hướng dẫn xử lý việc bồi thường đất sản xuất nông nghiệp cho người dân đã canh tác sản xuất nông nghiệp trước khi Nhà nước quy hoạch, cấp Giấy chứng nhận đất lâm nghiệp, hiện người dân vẫn đang sản xuất nông nghiệp (nhưng quy hoạch là đất lâm nghiệp).

Nguyễn Nga