ĐBSCL tăng khả năng ứng phó hạn, mặn: Không lơ là, chủ quan

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:21, 31/03/2022

(TN&MT) - Thời điểm hiện tại, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2021 - 2022 tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không giảm so với những năm trước. Vì vậy, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã chủ động đưa vào vận hành một số công trình thủy lợi cấp vùng để giảm thiểu thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

Thiệt hại không nhiều

Với vị trí nằm ở cuối nguồn kênh Xáng Xà No, sông Cái Lớn, nên vào mùa khô hằng năm, TP. Vị Thanh (Hậu Giang) thường chịu nhiều ảnh hưởng do mặn xâm nhập theo triều của Biển Tây. Trước dự báo mùa khô 2021 - 2022, mặn sẽ xâm nhập sớm và sâu vào địa bàn, ngành chức năng thành phố đã cùng với người dân chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm ứng phó với xâm nhập mặn.

Ông Trang Chí Cường - Trưởng trạm Thủy lợi TP. Vị Thanh cho biết: “Từ cuối năm 2021 đến nay, hàng ngày, cơ quan chuyên môn của thành phố luôn theo dõi tình hình xâm nhập mặn vào địa bàn qua các tuyến sông Cái Lớn, kênh Xáng Xà No. Theo đó, mặn xâm nhập tới đâu thì chúng tôi sẽ tổ chức vận hành đóng cống ở những khu vực đó để bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp cho người dân”.

Đồng thời, TP. Vị Thanh còn tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng; đưa ra khung lịch thời vụ xuống giống lúa Đông Xuân 2021 - 2022 sớm hơn so với mọi năm cho những vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn. Nhờ vậy, khi mặn xâm nhập vào thì hầu hết diện tích lúa Đông Xuân của người dân địa phương đã chín.

a1a.-dien-tich-lua-dong-xuan.jpg

Việc chủ động phòng, chống hạn, mặn, hầu hết diện tích vụ lúa Đông Xuân 2021 - 2022 tại Hậu Giang cũng như vùng ĐBSCL ít bị ảnh hưởng.

Còn ông Vũ Suổi, ở xã Hỏa Tiến, TP. Vị Thanh chia sẻ, trước đây, xã Hỏa Tiến thường xuyên bị thiếu nước ngọt, mặn xâm nhập, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Song, với sự đầu tư các công trình phòng chống hạn, mặn của địa phương cùng kinh nghiệm ứng phó của người dân, nên hạn, mặn mùa khô không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, sinh hoạt của người dân như trước đây nữa.

Tại tỉnh Sóc Trăng, vào thời điểm đầu những tháng mùa khô đầu năm 2021 - 2022, nắng nóng diễn ra gay gắt, mực nước trên các tuyến sông, kênh rạch thuộc địa bàn các huyện Trần Đề, Long Phú, TX. Vĩnh Châu,… xuống thấp, nước biển xâm nhập vào nội đồng. Trước nguy cơ bị ảnh hưởng từ nước mặn, Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng đã khẩn trương triển khai các giải pháp chống hạn, mặn.

Đồng thời, ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng tiến hành nạo vét các tuyến kênh nội đồng để thông thoáng dòng chảy và tích nước phục vụ sản xuất; đầu tư sửa chữa các cống, trạm quan trắc độ mặn để kịp thời cung cấp thông tin cảnh báo; thực hiện dự án xây dựng hệ thống thủy lợi tạo nguồn, trữ ngọt phòng, chống hạn, mặn liên huyện Thạnh Trị, Mỹ Tú, Châu Thành và TX. Ngã Năm; phối hợp với ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu điều tiết nguồn nước cho khu vực Quản lộ Phụng Hiệp.

Riêng tại TP. Cần Thơ, theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) TP. Cần Thơ từ đầu mùa khô 2021 - 2022 đến nay, có thời điểm mặn từ Biển Đông đã xâm nhập vào địa bàn phường Tân Phú, quận Cái Răng (TP. Cần Thơ), giáp ranh với tỉnh Hậu Giang với độ mặn đo được hơn 1‰, nhưng với sự chủ động vào cuộc của ngành chức năng và người dân, nên không ảnh hưởng nhiều đến việc lấy nước cho sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Chủ động phòng, chống

Ông Nguyễn Quý Ninh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT - TKCN TP. Cần Thơ cho rằng, mặc dù, từ đầu mùa khô 2021 - 2022 đến nay, hạn, mặn không gây thiệt hại cho cây trồng, sinh hoạt của người dân trên địa bàn thành phố, nhưng các hiện tượng cực đoan của biến đổi khí hậu ngày càng khó lường. Do đó, chính quyền địa phương và người dân luôn chủ động, không lơ là với công tác ứng phó.

“Thời gian tới, TP. Cần Thơ sẽ chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn, mặn vào thời điểm trước và trong mùa khô hằng năm, đặc biệt là những khu vực đã xảy ra tình trạng thiếu nước, mặn xâm nhập; nắm chắc diễn biến hạn, mặn; đầu tư các dự án đê bao bảo vệ vùng cây ăn trái, sản xuất lúa ở các huyện Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ…; tuyên truyền, hỗ trợ người dân địa phương nâng cao nhận thức, chuyển đổi hình thức sản xuất thích ứng hạn, mặn” - ông Ninh cho hay.

Còn theo ông Phạm Tấn Đạo - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Sóc Trăng), Sóc Trăng là tỉnh ven biển với 3 cửa sông gồm: Trần Đề, Định An, Mỹ Thanh đổ ra biển. Do địa hình của tỉnh tiếp giáp với biển nên hàng năm thường xuyên bị ảnh hưởng bởi triều cường, mặn tiến sâu vào nội đồng và kéo dài trong những tháng mùa khô hằng năm. Vì vậy, để đảm bảo diện tích trồng trọt, chăn nuôi cũng như sinh hoạt của người dân, tỉnh Sóc trăng đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm chủ động ứng phó hiện quả với hạn, mặn.

Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng đang tập trung hoàn thành hệ thống đê bao, cống ngăn mặn tại những khu vực thường xuyên xảy ra hạn, mặn; tổ chức trực vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi đảm bảo cung cấp nước sản xuất, nước sinh hoạt và giao thông phục vụ sản xuất; vận động người dân trữ nguồn nước ngọt tối đa vào các kênh, mương, ao đầm, khu vực trũng để hạn chế thấp thiệt hại nếu mặn kéo dài; kịp thời thông tin đến người dân tình hình hạn, mặn để chủ động ứng phó.

Ông Kim Nạng, ngụ xã Lạc Hòa, TX. Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ, hiện nay, các ngành chức năng và chính quyền địa phương luôn chủ động, kịp thời thông tin đến người dân về tình hình hạn, mặn; đồng thời, người dân địa phương cũng tích cực trữ nước, thay đổi hình thức sản xuất, nên trong thời gian tới, nếu có hạn, mặn xảy ra thì cũng ít ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.  

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã có 3 hệ thống thủy lợi lớn, bao gồm: tuyến đê bao Ô Môn - Xà No, cống Nam Xà No, đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh và khoảng 500 cống cấp 2, cấp 3 khép kín hơn 66.000ha đất sản xuất với hơn 910 vùng thủy lợi, tạo vùng khép kín. Để đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống hạn, mặn trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Hậu Giang vừa mới đầu tư 58 tỉ đồng để đắp đập thời vụ và nâng cấp, sửa chữa các công trình cống ngăn mặn; nạo vét kênh cấp 2, cấp 3 ở vùng bị hạn, xâm nhập mặn.

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Hậu Giang) cho rằng, với sự đầu tư hệ thống thủy lợi, cống ngăn mặn của tỉnh Hậu Giang kết hợp với những công trình quy mô cấp vùng như: cống Cái Lớn - Cái Bé (Kiên Giang), cống Âu Thuyền Ninh Quới (Bạc Liêu) sẽ giúp cho tỉnh Hậu Giang không những kiểm soát hiệu quả hạn, mặn và bảo vệ cây trồng, mà còn đảm bảo được nguồn nước sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre: Tập trung đầu tư các công trình thủy lợi

Những năm gần đây, được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Bến Tre đã được đầu tư xây dựng một số công trình quan trọng thuộc dự án hệ thống thủy lợi Bắc - Nam Bến Tre với tổng diện tích khoảng 194.800ha đất được bảo vệ trước xâm nhập mặn.

a2.-ong-doan-van-danh.jpg
Ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre

Cùng với đó, các công trình cống đập Ba Lai, hồ chứa nước Kênh Lấp (huyện Ba Tri); nhiều tuyến đê sông, đê bao cục bộ, đê bao các cồn… được đầu tư đã phát huy hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Bến Tre thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình cống bị hư hỏng; xử lý sạt lở bờ bao; nạo vét hệ thống kênh mương,... để nâng cao năng lực tưới tiêu; đặc biệt là các cửa cống đảm bảo an toàn, hiệu quả trong việc ngăn mặn, trữ ngọt.

Trong năm 2021 - 2022, tỉnh Bến Tre đầu tư duy tu, sửa chữa 59 công trình, trong đó đã hoàn thành 35 công trình, các công trình còn lại đang trong giai đoạn thực hiện. Nhìn chung tiến độ thực hiện, các công trình sửa chữa cửa cống cơ bản hoàn thành, đảm bảo vận hành ngăn mặn trữ ngọt; hệ thống các tuyến kênh trục và nội đồng đã được nạo vét thông thoáng, khơi thông dòng chảy, đảm bảo tích trữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt người dân trong mùa khô; các tuyến bờ bao đã được sửa chữa, gia cố các vị trí sạt lở, đảm bảo ngăn triều cường và ngăn mặn.

Hiện tại, Bến Tre tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống hạn mặn trên địa bàn tỉnh. Bến Tre phấn đấu đến năm 2024 sẽ hoàn thiện hệ thống thủy lợi, đảm bảo khép kín vòng ngăn mặn trữ ngọt, nhằm ổn định đời sống của người dân, phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại địa phương.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Cố vấn khoa học Viện nghiên cứu BĐKH, Trường Đại học Cần Thơ: Người dân đã có kinh nghiệm ứng phó

Tình hình hạn, mặn những tháng gần đây không giảm so với thời điểm mùa khô những năm trước, tuy nhiên tác động của hạn, mặn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân địa phương vùng BĐSCL không nhiều.

a4.-pgs.ts-le-anh-tuan.jpg
PGS.TS Lê Anh Tuấn, Cố vấn khoa học Viện nghiên cứu BĐKH, Trường Đại học Cần Thơ

Hiện tại, chính quyền các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi, hồ trữ nước, phân phối nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân địa phương. Đồng thời, người dân địa phương đã có kinh nghiệm rồi, họ biết cách trữ nước ngọt, giảm bớt sản xuất lúa cũng như chủ động thực hiện một số mô hình sản xuất để thích ứng với hạn, mặn như: mô hình lúa - tôm; lúa - cây màu…

Nông dân các vùng ven biển ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau triển khai mô hình lúa - tôm đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong việc nâng cao thu nhập và ứng phó với chuyện thay đổi của mặn, ngọt. Mùa mưa nông dân vẫn trồng lúa, mùa nắng thay vì tìm kiếm nước ngọt để trồng lúa thì chuyển qua nuôi tôm. Việc chuyển từ trồng lúa 3 vụ/năm sang 2 vụ/năm kết hợp nuôi tôm, cua… trên đất trồng lúa đã góp phần giải quyết bài toán thiếu nước ngọt tại vùng ĐBSCL.

Ông Khổng Minh Tặng, Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận (Ba Tri, Bến Tre): Vấn đề đảm bảo nước ngọt cho dân được đặt lên hàng đầu

Bảo Thuận là một xã nằm ven biển tỉnh Bến Tre. Những năm qua, tình hình xâm nhập mặn đã gây thiệt hại không nhỏ đến kinh tế và đời sống của người dân địa phương.

a3.-ong-khong-minh-tang.jpg
Ông Khổng Minh Tặng, Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận (Ba Tri, Bến Tre)

Năm nay, để chủ động ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn mùa khô, người dân đã chủ động dự trữ nước sinh hoạt và nước ngọt phục vụ sản xuất, đồng thời có những cách làm bài bản, khoa học hơn trước trong việc trữ nước mưa, nước ngọt. Điều này góp phần mang lại hiệu quả tích cực trong công tác phòng, chống hạn mặn của địa phương.

Mặc dù nguồn nước ngọt tại xã Bảo Thuận năm nay ổn định hơn so với đợt hạn mặn các năm trước nhưng địa phương vẫn triển khai thực hiện tốt chủ trương trữ nước mưa, nước ngọt, kết hợp đê bao khép kín, nên nguồn nước ngọt khá dồi dào, đảm bảo phục vụ cho người dân địa phương trong mùa khô năm nay.

Vấn đề cung cấp, đảm bảo nguồn nước sạch, hợp vệ sinh được địa phương đặt lên hàng đầu. Quan điểm của xã là mong muốn tất cả người dân đều tiếp cận được nguồn nước sạch, đạt quy chuẩn. Trong đó, xã Bảo Thuận đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, vận động người dân chủ động trữ nước mưa, nước ngọt ngay từ mùa mưa.

Xã Bảo Thuận còn tích cực phối hợp vận động các mạnh thường quân hỗ trợ lu hồ, bồn chứa cho các hộ thiếu nước sinh hoạt và hỗ trợ máy lọc nước sinh hoạt, nước uống cho người dân; đồng thời, kiểm tra và sửa chữa các máy lọc nước mặn thành nước ngọt sẵn sàng phục vụ cung cấp nước ngọt sinh hoạt cho các hộ dân khi thiếu nguồn nước ngọt; thực hiện nạo vét nhiều tuyến kênh, đắp các cống đập, đê bao cục bộ để tích trữ nguồn nước phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất.

Nhóm phóng viên (lược ghi)