“Tiêu hóa” fake news

Xã hội - Ngày đăng : 09:00, 31/03/2022

“Thời chưa có Internet, ai cũng nghĩ rằng nguyên nhân của sự dốt nát là do thiếu thông tin… Và nay thì rõ là chúng ta đã nhầm!” - Câu nói này xuất hiện ở đất nước Nga cách đây khá lâu, giờ được một số cư dân mạng đăng tải lại trước sự bùng nổ quá nhiều tin tức giả về tình hình đang diễn ra liên quan đến 2 đất nước Nga và Ucraina.

Tin giả - fake news - dân gian Việt Nam gọi nôm là “tin vịt”. Tin này được đưa ra để nhằm đánh lừa, tạo sự hiểu sai về một vấn đề, sự kiện nào đó. Đáng tiếc, tin giả giờ đây không chỉ được truyền miệng từ người này sang người kia mà thông qua các hiệu ứng truyền thông, mạng xã hội, nó lan truyền với tốc độ chóng mặt, đánh vào xúc cảm, tâm lý của những người có độ “hóng” cao và dễ dãi về vấn đề “tiêu hóa” thông tin.

Những ngày gần đây, tin giả về tình hình Nga - Ucraina tràn ngập cõi mạng, từ

facebook đến báo chí, truyền thông: Nào sự hy sinh của nữ phi công xinh đẹp Natasha Perakov; phu nhân Tổng thống Zelensky khoác áo chiến binh; sự hy sinh của các quân nhân đảo Rắn cũng như vị tướng huyền thoại vùng Chechnya - Ramzan Kadyrov - đồng minh thân cận của Tổng thống Putin; những người Đức chen nhau biểu tình phản đối Nga…

tin-gia.png
Ảnh minh họa

Nhưng cũng chỉ ngày hôm sau, thậm chí vài giờ sau, sự thật đã được bóc trần. Thì ra, người ta đã “bế” “nữ phi công” Natasha Perakov lên bàn thờ cho đến khi cô này hiện nguyên hình là người mẫu và đang check in tại một quán cà phê lãng mạn. Phu nhân Tổng thống Ucraina cũng “mượn” hình hài nữ quân nhân trong sự kiện duyệt binh kỷ niệm 30 năm Quốc khánh Ukraina (8/2021). Các chiến binh đảo Rắn ngày hôm sau cũng lập tức hồi sinh trong một video clip và bình yên trở về nhà trên xe quân sự của Nga. Lãnh đạo Kadyrov sau một thời gian “bị tiêu diệt” hiện đang có mặt ở thành phố Mariupol và ngày 29/3 vừa qua đã được thăng hàm Trung tướng Vệ binh Quốc gia Nga. Một số người Đức cũng thừa nhận rằng, hình ảnh được gí cho cái chú thích “biểu tình chống Nga” thực chất là cuộc tuần hành ở Berlin nhằm chống lại chủ nghĩa bài ngoại và cực hữu chứ chẳng liên quan gì đến Nga sất.

Đó chỉ là đơn cử một vài ví dụ.

Những người “thích đùa” đã “cao hứng” biến bất cứ ngày nào có thể thành ngày Cá tháng Tư.

Điều đáng nói là ngoài phần lớn những người kém hiểu biết và dễ dãi “tiêu hóa” thông tin nên bị dắt mũi thì có một bộ phận người Việt, nhất là số người có thái độ chống Cộng sản và hoạt động đối kháng với Nhà nước Việt Nam đã tự nguyện biến mình thành công cụ của cỗ máy truyền thông thổ tả, tích cực chia sẻ, tuyên truyền cho những thông tin giả mạo để cố tình chia rẽ mối quan hệ hữu nghị của Việt Nam với 2 nước Nga và Ucraina. Mặc dù đã được phản hồi rằng đó là những tin giả, hình ảnh cũ nhưng họ vẫn lờ đi, thậm chí lẳng lặng xóa bỏ những bình luận phản bác. Đủ để thấy rằng với họ, sự thật không phải là vấn đề quan trọng mà quan trọng là phải lan truyền đi được những thông điệp có lợi cho ý đồ của họ, bất chấp đúng sai.

Đáng tiếc, trong đó có cả một vài tờ báo “nhắm mắt” chia sẻ, "nhanh tay" biến thành sản phẩm báo chí của mình mà không biết mình đang ngồi “chung mâm” với Việt Tân, BBC, RFA bởi tin này được các fanpage hoặc các trang của tổ chức khủng bố Việt Tân BBC, RFA đăng tải.

Nguyên nhân của sự “dốt nát” rõ ràng không phải do thiếu thông tin. Nhân loại đang ngộp trong rừng thông tin.

Con người ta có một đôi mắt, hai lỗ tai, mười ngón tay nhưng chỉ có một bộ não. Nghe đấy, thấy đấy nhưng nên động não trước khi nhấp chuột.

Con người ta cũng chỉ có một Tổ quốc, quê hương.

Khi đang hít khí trời tự do, thở hơi thở hòa bình trên Tổ quốc quê hương mình thì đừng bán rẻ con tim cho ngoại bang phản quốc.

Tin giả, nhưng luật pháp và hình phạt là thật. Gần 200 chủ tài khoản bị “bế” lên Công an năm 2021 hay câu chuyện quá đà phát ngôn và lâm vòng lao lý vừa qua là một bài học nhãn tiền. Vậy nên, trước khi tiêu hóa thông tin hãy chậm lại nghĩ suy, đừng biến mình thành bệnh nhân của bệnh viện mang tên Luật pháp.

Việt Hải