TP Sơn La: Tăng cường phân loại, xử lý rác thải F0 điều trị tại nhà

Môi trường - Ngày đăng : 21:33, 30/03/2022

(TN&MT) - Từ đầu năm tới nay, trên địa bàn thành phố Sơn La đã ghi nhận 26.208 trường hợp mắc Covid-19. Đến nay, còn gần 3.000 trường hợp đang cách ly, điều trị tại nhà. Công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải F0 điều trị tại nhà được đặc biệt quan tâm triển khai.
a3.jpg

Công nhân Xí nghiệp Môi trường đô thị phun khử khuẩn trước khi thu gom rác thải có nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Thực hiện quản lý chất thải phát sinh do dịch bệnh, UBND thành phố đã ban hành phương án số 682/PA-UBND về việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh tại các điểm cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị trên địa bàn thành phố; Công văn số 705/UBND-TNMT thực hiện quản lý chất thải với trường hợp F0 cách ly tại nhà theo hướng dẫn tạm thời của Bộ TN&MT…

Toàn thành phố đã bố trí 186 thùng rác chứa các chất thải nguy cơ lây nhiễm tại 167 vị trí, điểm thu gom của 7 phường và bản Dửn, xã Chiềng Ngần. Rác thải có chứa nguy cơ lây nhiễm sau khi thu gom sẽ được vận chuyển đến lò đốt rác thải y tế tại bản Pát, xã Chiềng Ngần, thực hiện xử lý bằng phương pháp đốt ở nhiệt độ cao.

Là đơn vị trực tiếp thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế, chất thải nguy cơ lây nhiễm, Xí nghiệp Môi trường đô thị đã bố trí mỗi tổ thu gom gồm 3 người, thu gom vào 9h30 ngày thứ 3, 5, 7 và chủ nhật hàng tuần. Trước khi thu gom, rác được phun khử trùng, khử khuẩn, nắp thùng được dán cẩn thận, đảm bảo rác không bị rơi ra ngoài trong quá trình vận chuyển.

a4.jpg

Quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý đảm bảo không phát tán mầm bệnh ra môi trường.

Bà Đàm Thị Thanh Thơm, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường, cho biết: Để đảm bảo xử lý rác thải phát sinh do dịch bệnh, đơn vị đã phối hợp với các xã, phường khảo sát các điểm, xác định vị trí tập kết, truyên truyền người dân chủ động phân loại rác tại nguồn; vứt rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Phối hợp với Trung tâm Y tế Thành phố hướng dẫn người dân phân loại rác thải y tế của các ca bệnh F0; phối hợp với Trung tâm truyền thông văn hóa thành phố soạn thảo bài viết tuyên truyền để phát trên loa tuyên truyền của xe thu gom rác thải và phát tại các loa phát thanh của bản, tổ dân phố.

Chiềng Lề là phường ghi nhận số ca nhiễm cao với hơn 3.500 ca từ đầu năm tới nay, hiện còn hơn 600 trường hợp đang cách ly và điều trị tại nhà. Cùng với việc theo dõi và hướng dẫn các ca bệnh chăm sóc sức khoẻ và điều trị, các thành viên tổ Covid cộng đồng của phường đã tích cực tuyên truyền, nhắc nhở các hộ gia đình có F0 thực hiện phân loại rác thải theo đúng quy định.

a2.jpg

Người dân thành phố Sơn La đã nâng cao ý thức phân loại rác tại hộ gia đình.

Bà Nguyễn Thị Nhung, Phó Chủ tịch UBND phường Chiềng Lề, thông tin: Toàn phường có 27 điểm thu gom với 29 thùng rác đựng chất thải lây nhiễm. Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 phường Chiềng Lề đã chỉ đạo Ban Quản lý bản, tổ dân phố tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của bản, tổ dân phố, nhóm Zalo, tổ Covid cộng đồng để nhân dân thực hiện phân loại rác thải phát sinh từ phòng cách ly, chăm sóc, điều trị người mắc Covid-19.

Theo đó, khẩu trang, găng tay, khăn vải hoặc gạc, khăn giấy để lau mũi, miệng, dịch tiết đường hô hấp của người nhiễm Covid… được phân loại ngay vào túi nilon màu vàng; xịt khử trùng, buộc chặt, bỏ vào thùng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy tại phòng cách ly người mắc Covid-19, tuyệt đối không để lẫn với rác thải sinh hoạt hàng ngày. Sau đó, trước khi thu gom, tiếp tục bỏ vào túi thứ 2, buộc kín miệng túi, bỏ vào thùng thu gom tại khu vực quy định.

a1.jpg

Gia đình chị Phạm Thị Hoa, tổ 8, phường Chiềng Lề có 3 người bị nhiễm Covid-19 được cách ly, điều trị tại nhà. Chị Hoa cho biết: Được sự hướng dẫn từ tổ dân phố và tổ Covid cộng đồng, gia đình tôi đã chủ động phân loại rác thải y tế với rác thải sinh hoạt. Ngoài ra, tổ Covid cộng đồng cũng thông báo cho mỗi gia đình khung giờ thu gom chất thải, vị trí đặt thùng rác dành riêng thu gom chất thải F0, để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng.

Quá trình triển khai thực hiện, ý thức của người dân trên địa bàn thành phố trong việc chủ động phân loại rác thải y tế và rác sinh hoạt thông thường đã được nâng lên. Qua đó, góp phần đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, bảo vệ môi trường, không phát tán mầm bệnh trong quá trình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý.

Nguyễn Nga