Giải bài toán thủy điện vừa và nhỏ khu vực miền Trung: Thủy điện nhỏ, hệ lụy lớn

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 10:06, 29/03/2022

(TN&MT) - Với địa hình dốc và hẹp, rất nhiều thủy điện nhỏ đã được phê duyệt xây dựng trên các hệ thống thượng nguồn sông tại miền Trung. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng, người dân phải đối mặt với lũ lụt, hạn hán thì vấn đề lợi - hại trong công tác quy hoạch, xây dựng các thuỷ điện vừa và nhỏ cần được đặt ra.

Lợi bất cập hại

Những năm gần đây, người dân các tỉnh miền Trung chịu thiệt hại nặng nề khi có mưa lớn, bão lũ với cường độ mạnh, vượt mức lịch sử, chưa từng có trong nhiều năm. Riêng trong năm 2020, các đợt bão chồng bão, lũ chồng lũ đã gây ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng như: Thủy điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67 Phong Điền (Thừa Thiên - Huế); Đoàn Kinh tế - Quốc phòng Hướng Hóa (Quảng Trị); Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My và Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam), sạt lở đất ở Mường Lát (Thanh Hóa)… đã cuốn trôi nhiều tài sản và sinh mạng của hàng trăm người dân và hàng chục cán bộ chiến sĩ.

Theo các chuyên gia môi trường, rừng bị lấy đi quá nhiều là nguyên nhân làm cho lũ lụt, sạt lở ngày càng gia tăng. Thủy điện có thể không làm tăng lũ, nhưng thủy điện đã khiến rừng và thảm thực vật bị mất đi, khả năng giữ nước không còn khiến lũ dữ hơn và tàn phá nặng nề hơn. Các thủy điện nhỏ và vừa chỉ có lợi ích phát điện chứ không có khả năng điều tiết lũ và không có hệ thống cảnh báo nhưng lại lấy đi rất nhiều diện tích rừng. Chẳng hạn, Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 chỉ với công suất 13MW đã lấy đi 44,4ha đất rừng đặc dụng của Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, tính ra 1MW lấy đi hơn 3,4ha đất rừng đặc dụng.

anh-3.jpg

Theo nhiều chuyên gia, phát triển thủy điện ồ ạt là một trong những nguyên nhân khiến hậu quả của thiên tai ngày càng khốc liệt

Ở các huyện miền núi Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Tây Giang, khi xẻ núi, san phẳng đất để lấy mặt bằng sẽ tác động đến kết cấu địa hình. Đặc biệt trong điều kiện mưa lớn bất thường, đất bị bão hòa nước tăng nguy cơ sạt trượt. Việc dễ dàng thông qua các báo cáo Đánh giá tác động môi trường ở thủy điện nhỏ sẽ tiềm ẩn những hệ lụy về sau. Thẩm quyền phê duyệt các dự án thủy điện nhỏ thuộc về các địa phương, nơi thường không có chuyên gia chuyên sâu về thủy điện, thủy văn, thiết kế công trình.

Theo TS. Lê Hùng, Giảng viên Khoa Xây dựng Thủy lợi - Thủy điện, Trường Đại học Bách khoa Đại học Đà Nẵng, dù mang lại những lợi ích nhất định đóng góp vào nguồn điện nói chung và nguồn thuỷ điện nói riêng, thế nhưng, qua các nghiên cứu cho thấy, các hồ chứa thủy điện nhỏ hoạt động theo nguyên lý tích nước trong ngày và chỉ phát trong giờ cao điểm, trong khi nhu cầu dùng nước hạ lưu là liên tục, điều này dẫn đến gián đoạn và gây khó khăn hơn cho việc lấy nước vùng hạ du. Ngoài ra, việc dòng chảy thay đổi lớn trong một ngày khiến làm cho mực nước hạ lưu dao động lớn, dẫn đến dễ gây sạt lở bờ sông hơn so với dòng chảy liên tục mà ít thay đổi.

Rà soát, loại bỏ

Trong hơn 1 thập niên gần đây, Quảng Nam được xem là “xứ sở thủy điện” ở khu vực miền Trung, với 10 thủy điện bậc thang lớn và 36 thủy điện vừa và nhỏ, cơ bản có một nửa đi vào hoạt động, nửa còn lại đang trong quá trình triển khai, đưa vào vận hành trong thời gian tới. Từ năm 2010 đến nay, sau khi rà soát xem xét toàn diện lợi - hại, được - mất, đánh giá hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ môi trường bền vững, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất loại bỏ ra khỏi quy hoạch hàng chục dự án thủy điện nhỏ.

Mới đây, HĐND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất đưa ra khỏi quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ đối với 4 dự án thủy điện, gồm: A Vương 4 (công suất 10MW), Sông Bung 3 (công suất 16MW), Đăk Di 4 (công suất 19,2MW), A Banh (công suất 4,2MW). Việc loại bỏ 4 dự án thủy điện trên là do các dự án có quy mô công suất nhỏ, diện tích chiếm đất lớn, không có hiệu quả kinh tế, tác động lớn đến môi trường và đất, rừng các loại; chậm triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định, gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng có liên quan.

Khu vực miền Trung hiện có 83 thủy điện vừa và nhỏ có công suất lắp máy từ 5MW trở lên. Trong đó, có những thủy điện “siêu nhỏ” như Trí Nang (5MW), Thạch Nham (5MW), An Điềm (5,4MW), Khe Rôn (6MW)…

PGS. TS Lê Anh Tuấn - Giảng viên cao cấp khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Đại học Cần Thơ) cho rằng, các thuỷ điện có công suất nhỏ được nhiều doanh nghiệp lao vào làm vì suất đầu tư vừa phải, thủ tục cấp phép, đánh giá tác động môi trường không nhiều so với dự án thuỷ điện lớn và chỉ cần địa phương phê duyệt. Thời gian tới, các Bộ, ngành Trung ương cần rà soát, đánh giá lại khả năng vận hành an toàn của từng thủy điện để tránh được sự cố đáng tiếc, giảm thiệt hại. Với các dự án không an toàn, gây tác động lớn, buộc phải khắc phục hoặc ngừng phát điện.

Các Bộ, ngành Trung ương cần quan tâm đúng mức tới việc quy hoạch dự án thủy điện nhỏ, không nên phó mặc cho địa phương từ khâu quy hoạch, cấp phép, xây dựng, quản lý. Nhiều địa phương nguồn nhân lực không đủ trình độ chuyên môn, nếu làm không cẩn thận sẽ gây hậu quả xấu.

“Hiện nay, tại Việt Nam đang có quy định dựa vào công suất lắp máy của thủy điện để phân định cấp quản lý, phê duyệt là chưa phù hợp. Tôi nghĩ, có thể bổ sung, xem xét các quy định thủy điện đó lấy bao nhiêu đất, tác động đến bao nhiêu người để phân định cấp phê duyệt, quản lý bởi có những thủy điện có công suất lắp máy nhỏ nhưng lại lấy diện tích đất lớn để làm hồ chứa, đường đi, ảnh hưởng đến số lượng lớn dân cư. Mình không cấm địa phương cấp nhưng đặt ra quy định chặt chẽ hơn.” - PGS. TS Lê Anh Tuấn kiến nghị.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế: Không ủng hộ việc xây thêm các thủy điện nhỏ

Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang có 13 dự án thủy điện, trong đó 9 nhà máy đã đưa vào vận hành với tổng công suất 365,7MW; còn 3 dự án đang thi công gồm sông Bồ, A Lin B1, Rào Trăng 3. Năng lực phát triển thêm thủy điện gần như không còn và tỉnh không ủng hộ việc xây thêm các thủy điện nhỏ bởi tác động tiêu cực là rất lớn, thậm chí không hiệu quả về kinh tế. Đối với các dự án đã và đang triển khai, sẽ tổ chức rà soát, đánh giá lại trên quan điểm không đánh đổi môi trường bằng các dự án thủy điện.

anh-4.jpg
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế

Tỉnh sẽ triển khai một dự án vận hành liên hồ, kết nối các điểm hồ trên nền tảng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để quản lý. Đối với thủy điện nhỏ sẽ tiếp tục đầu tư kết nối, hỗ trợ năng lực quản lý. Đặc biệt, các công trình thủy điện sẽ được kiểm tra, giám sát thường xuyên, từ việc xây dựng, vận hành của các công trình đến đảm bảo an toàn hồ đập, môi trường sinh thái và thiệt hại cho người dân vùng hạ du.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát chặt và công khai quy trình vận hành xả lũ của các công trình thủy điện nhằm bảo đảm an toàn, ổn định cuộc sống của người dân khu vực vùng hạ du công trình. Ngoài thủy điện, trong tương lai sẽ tính đến các nguồn năng lượng sạch khác như điện gió, điện mặt trời. Trong đó, điện mặt trời rất có tiềm năng và dự báo sẽ là xu hướng tốt…

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An: Kiên quyết loại bỏ những dự án thủy điện tác động lớn đến môi trường

Từ nhiều năm nay, tỉnh Nghệ An đã thấy rõ những hệ lụy của việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ. Vì thế, những dự án thủy điện này dù có quy hoạch trước đây nhưng tính khả thi thấp đã bị loại bỏ.

anh-5.jpg
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An

Một trong những hệ lụy mà nhiều dự án thủy điện để lại nhưng đến nay vẫn chưa thể khắc phục được là tình trạng hàng ngàn hộ dân ở các khu tái định cư (TĐC) thủy điện thiếu đất sản xuất, bị chính quyền địa phương “nợ đất”. Bên cạnh đó là việc thiếu nước sạch sinh hoạt, thiếu diện tích đất trồng lúa nước... đã đẩy người dân rơi vào cảnh thiếu lương thực hoặc “tái nghèo”.

Vì thế, để người dân vùng hạ du và hàng ngàn hộ dân TĐC từ các dự án thủy điện ở Nghệ An an tâm, có cuộc sống ổn định sau khi di dời, lãnh đạo các địa phương nên đặt lợi ích cộng đồng lên trên khi ra quyết định phê duyệt dự án thủy điện. Bên cạnh đó, các chủ dự án thủy điện cần thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường, tạo mọi điều kiện hỗ trợ sản xuất cho người dân TĐC và đảm bảo sự an toàn vào mùa lụt bão. Đồng thời cần tổ chức khắc phục những hệ lụy đã gây ra trong quá trình xây dựng, vận hành thủy điện.

Được biết, đến nay, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Nghệ An đã loại bỏ 15 dự án thủy điện. Các dự án thủy điện bị loại bỏ là do chủ đầu tư thực hiện quy trình khảo sát, thiết kế, đánh giá tác động môi trường, nhưng chỉ mang tính “hình thức”. Trong khi quy trình vận hành hồ chứa, điều tiết nước chưa đúng quy định, sẽ dẫn đến tác động tiêu cực cuộc sống người dân.

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa: Điều hòa, bổ sung nguồn nước giữa các công trình

Việc quy hoạch các công trình thủy điện vừa và nhỏ trên lưu vực sông, suối trong thời gian qua đã góp phần đem lại nguồn năng lượng điện lớn và ổn định cho ngành điện lực tỉnh Thanh Hóa. Song cũng tạo ra nhiều bất cập, hệ lụy như việc thủy điện tích nước khiến hạn hán, xả lũ khiến ngập lụt, làm thay đổi dòng chảy, thiếu nước phục vụ tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp.

anh-6.jpg
Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa

Hiện nay, dọc các sông suối trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa quy hoạch 22 dự án thủy điện từ vài MW cho đến hàng trăm MW, chủ yếu là thủy điện bậc thang, có công suất nhỏ. Việc quy hoạch quá nhiều thủy điện đang tạo ra nhiều bất cập, một số công trình thủy điện khi vận hành đã lấy đi phần lớn lượng dòng chảy tự nhiên vốn đã bị suy giảm của sông để phát điện, khiến cho nhiều đoạn sông sau đập và sau nhà máy thủy điện thường bị cạn kiệt, có khi biến thành dòng sông chết.

Để phát triển thủy điện bền vững, tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các nhà máy Thủy điện Cửa Đạt, Dốc Cáy vận hành phát điện phải đảm bảo nguồn nước cho các hệ thống Bái Thượng, kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã hoạt động phục vụ sản xuất; có biện pháp điều hòa, bổ sung nguồn nước giữa các công trình, các hệ thống công trình có liên quan như bổ sung nguồn nước tưới giữa hệ thống sông Mực và hệ thống Bái Thượng qua kênh N8, sử dụng trạm bơm tưới Trường Minh để tưới cho vùng đuôi kênh Nam hồ sông Mực, dành nước hồ sông Mực để cấp cho hồ Yên Mỹ và kênh Bắc,...

Nhóm PV (lược ghi)