Thượng Lâm thung lũng huyền thoại

Xã hội - Ngày đăng : 09:57, 29/03/2022

(TN&MT) - Từ thị trấn Na Hang (*) duyên dáng soi mình bên sông Gâm, theo con đường bộ chừng 30 cây số, vượt qua xã Năng Khả là đến đất Thượng Lâm (**). Trên dọc tuyến đường, có lúc mặt nước và mặt đường ôm sát gần với nhau, phía xa là các đảo nhỏ nằm rải rác trong lòng hồ, mùa này cả bụng hồ là mặt nước mênh mông, trải rộng sang tận phía kia bờ, xa xa xanh mờ dãy núi.

Nếu đi theo đường thủy, từ bến thủy của thị trấn Nà Hang, men dưới chân của ngọn núi Pác Tạ sừng sững, bình thản nhìn để đôi mắt được tận hưởng những đám hoa vàng, hoa đỏ pha vào sắc trắng trên những thân cây khổng lồ. Chầm chậm dưới chân con thác lớn, thác nước như mái tóc trắng dài của người con gái nhà trời, trải dài từ đỉnh núi xuống tận dưới mặt hồ. Xung quanh đây chỉ có màu xanh thẫm của cây rừng và mặt nước biếc của hồ. Đến bến Nà Tông của xã Thượng Lâm khoảng hơn nửa giờ đồng hồ. Lên bờ, ngồi trên chiếc xe ngựa kéo, thong dong dọc theo bản nhỏ với những ngôi nhà sàn của người Tày là vào đến Thượng Lâm.

2.chieu-thuong-lam-anh-ha-the-do.jpg

Chiều Thượng Lâm. Ảnh: Hà Thế Đô

Vào đến thung lũng là chạm vào vùng đất thấm đẫm huyền thoại, cổ xưa và trù phú. Khi xưa, con đường bộ này rất nhỏ, quanh co theo những triền đá núi. Có những khúc quanh giữa hai ngọn núi, như người bên này sắp với được tay vào người bên kia. Con đường nhỏ màu nâu xám ngoằn ngoèo lúc ẩn lúc hiện giữa màu xanh của núi rừng đại ngàn. Thong thả từng bước một, từ dưới chân lên đến đỉnh đèo, bên phải là vách đá cao chạy dọc theo suốt con đèo. Phía trên, những cây xanh nghiêng mình nhô ra như vành mũ, che khuất cả con đường nhỏ bên dưới. Phía trái là con vực sâu hút nằm kẹp giữa hai vách núi đá vôi màu xám trắng. Từ trong vách đá thấm ra những giọt nước trong suốt, mát lạnh như những hạt nước mắt của người con gái thuỷ chung, xinh đẹp trong câu truyện cổ. Những hạt nước cứ nhỏ ra từng giọt, từng giọt đều đặn từ thủa khai sinh, lập địa đến tận bây giờ. Ngắt một ngọn lá non xanh bên vệ đường, cuộn tròn, hứng lấy từng hạt nước lóng lánh, ngậm vào trong miệng, rồi xoa lên đầu, lên mặt, cơn khát và cái nóng vì mệt bỗng nhiên tan biến. Áp bàn tay vào vách đá xù xì và ướt lạnh trên đỉnh đèo, là hiện ra câu chuyện cổ tích thần tiên của người con gái tên Nàng, vì tình yêu thuỷ chung với chàng trai nghèo, Nàng đã trẫm mình xuống vực sâu để giữ trọn lời thề.

4.ban-cai-thuong-lam-anh-ha-the-do.jpg
Bản Cài - Thượng Lâm. Ảnh: Hà Thế Đô

Mỗi lần đi đến đỉnh đèo, ta như thấy thấp thoáng hình bóng của Nàng, khi thì ẩn mình trong vách đá, lúc lại lấp ló sau những hàng cây cao, rồi lại bồng bềnh theo những đám mây trắng bịn rịn bám vào vách núi. Tình yêu của họ đã hoá thành hoa bướm, hoà vào trăng gió, mây trời và cây cỏ... khiến nơi này cứ lung linh, huyền ảo. Câu chuyện tình huyền thoại về con đèo, về tình yêu đôi lứa không chịu khuất phục trước sự ép buộc, như lời nhắn gửi của người xưa để lại cho hậu thế. Và đó cũng là tình yêu của con người dành cho thiên nhiên, sự chở che, ôm ấp của tự nhiên đối với con người từ ngàn đời nay đã sinh sôi, nảy nở ở vùng đất linh thiêng và kỳ ảo này.

Xuống đến dưới chân đèo là bước vào lòng chảo khổng lồ. Thuở xa xưa, thung lũng này được hình thành sau những chuyển động kiến tạo của Mẹ trái đất, rồi giữ yên cho đến tận bây giờ. Những vách đá sừng sững, trầm mặc hằn lên mình bao nhiêu vệt trầm tích, mỗi vệt là một trang của pho sách đá khổng lồ, lật giở từng trang là đá sẽ kể cho ta nghe về hành trình hàng triệu năm sống của mình. Trải qua hàng triệu mùa mưa bão, lớp vỏ ngoài của những dãy núi đá vôi kia dần bị hoá thành đất, cùng với hàng triệu, hàng ngàn đời của những lớp cây rừng từ trên 99 ngọn núi cao được những trận thác lũ chở về, bồi tụ thành từng lớp dày, lớp mỏng, tụ lại thung lũng màu mỡ và trù phú như ngày nay.

7.kham-pha-thuong-lam-anh-ha-the-do.jpg

Khám phá Thượng Lâm. Ảnh: Hà Thế Đô

Từ trên cao nhìn xuống, cả thung lũng như một bức tranh khổng lồ mà Mẹ trái đất đã miệt mài thêu dệt. Bức tranh với núi xanh, thác bạc và những cánh đồng khi thì xanh mướt, lúc vàng ruộm. Cả khu rừng rực lên với sắc lá đỏ tươi của hoa, của lá, những làn gió đung đưa làm chúng quyện lại với nhau như màn đồng diễn lớn. Thung lũng bằng phẳng này được bao quanh bởi những ngọn núi trùng điệp, dãy núi hùng vĩ như đôi rồng khổng lồ chầu vào cánh đồng mặt nguyệt. Hàng nghìn năm qua, dù vật đổi, sao dời nhưng nơi này vẫn giữ nguyên những nét hoang sơ, trầm mặc và huyền bí.

Từ dưới thung lũng nhìn ra khắp bốn phía, những đỉnh núi cao như những cây măng đang vào mùa nhú ngọn, dãy núi nhấp nhô chĩa lên bầu trời như bức thành lũy vững chãi của thiên nhiên bảo vệ vùng đất này. Ai đã từng gắn bó với nơi đây đều biết về những câu chuyện thần tiên và truyền thuyết đàn phượng hoàng ngự trên 99 đỉnh non cao.

Sát dưới chân núi là thấp thoáng mái cọ của những ngôi nhà sàn, màu mới cũ xen lẫn và ẩn dưới những tán cọ xanh. Chiều về, những làn khói mỏng lãng đãng bay lên từ trên những mái nhà sàn. Sát bờ suối là những những chiếc Cọn nước. Chiếc Cọn gỗ như những chiếc đu quay, nó cần mẫn, kẽo kẹt múc từng gàu nước nhỏ ở dưới dòng suối và đổ ào lên những thửa ruộng trên. Âm thanh kẽo kẹt của những chiếc Cọn, tiếng nghé con gọi mẹ cùng với tiếng lốc cốc của mõ, và cả tiếng í ới của những đứa trẻ gọi nhau tắm suối trong những buổi chiều. Tất cả những âm thanh lúc trầm, lúc bổng đó vang lên, vọng vào vách núi, tất cả cùng hòa quyện, làm không gian nơi đây càng trở nên kỳ diệu huyền ảo.

1.con-nuoc-cua-nguoi-tay-anh-ha-the-do.jpg

Cọn nước của người Tày. Ảnh: Hà Thế Đô

Chiều tối cả bọn rủ nhau nghỉ lại trong nhà của bác Chẩu Vần Nông, đây là ngôi nhà rất rộng, có tới 5 gian, 2 chái. Ngôi nhà mang đậm nét đặc trưng của người Tày ở vùng đất Thượng Lâm. Trước mặt ngôi nhà là mảnh vườn và chiếc ao rộng rãi, máng nước lần từ phía sau nhà được dẫn từ miệng hang trên núi. Máng nước lần róc rách chảy suốt từ mùa đông sang mùa hè, nước từ trong hang chảy ra trong veo và mát lạnh. Những thửa ruộng trải dài từ trước vườn đến tận chân dãy núi Thẳm Trùng, Nà Niểu, Thôm Mooc, sát vào chân núi là dòng suối Nà Ngùa. Ngọn núi cao như người khổng lồ đang dang tay chở che cho những bản làng, những ngôi nhà và những con người đang sinh sống tại thung lũng thơ mộng này.

Ngồi bên bếp lửa giữa gian nhà, bếp lửa được làm bằng khuôn gỗ vuông vắn bên trong được đắp đất. Bếp lửa là trung tâm, là nơi đón bạn thân tình, là nơi những người đàn ông bàn bạc những công việc lớn và cũng là nơi cả gia đình đoàn tụ, quây quần khi màn đêm buông xuống.

Mùa này đang vào lễ hội. Hội có tự bao đời. Ngày hội, Hát Then đã trở thành phần hồn được giao thoa giữa con người và trời đất, như sợi dây nối con người với núi rừng, sông suối.

Cây Tính Tẩu chỉ mang trên mình một sợi dây nhưng phát ra đủ cung bậc âm thanh trầm ấm như tấm lòng của người sơn cước. Hình như cây đàn được sinh ra chỉ dành để cho Hát Then mà thôi. Khi tiếng Then cất lên hòa quyện cùng với điệu múa trầu và tiếng lanh canh của chùm chuông nhỏ trên bàn tay của những Nàng Then, nó trở nên có sức cuốn hút lạ kỳ. Cảm giác lạ kỳ ấy giống như người đi săn chẳng may bị đám gai rừng cào xước khắp thân thể. Tiếng đàn, tiếng hát và điệu múa ấy như cây thuốc rừng, khi vừa nhai dập lá bỗng cơn đau dần tan biến, cái cảm giác bị cào xước ấy đã lành trở lại, và tiếng Then trầm, bổng ấy như đưa ta trôi vào vùng hư ảo. Mỗi lần nghe điệu Then, cái cảm giác ấy cứ lặp đi, lặp lại, dường như ta đã bị tiếng Then chiếm lấy tâm hồn.

Thượng Lâm tháng 3/2022

(*) thị trấn Na Hang, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang

(**) xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang

Lê Quốc Thu