Đưa viễn thám trở thành công nghệ ứng dụng đa ngành, đa lĩnh vực

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 09:57, 29/03/2022

(TN&MT) - Bộ TN&MT đã xây dựng, hoàn thiện Đề án “Ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” trình Chính phủ ban hành. Đây là Đề án quan trọng, là cơ sở, tiền đề góp phần đưa công nghệ viễn thám trở thành công cụ hữu dụng phục vụ công tác quản lý, giám sát đa ngành, đa lĩnh vực.

Xung quanh các mục tiêu đặt ra tại Đề án này, Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia (Bộ TN&MT).

PV: Xin ông cho biết những điểm mới nổi bật của Đề án có thể giúp giải quyết được những vấn đề cơ bản về ứng dụng viễn thám trong đời sống xã hội hiện nay?

Ông Nguyễn Quốc Khánh: “Ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” là Đề án quan trọng, là cơ sở, tiền đề góp phần ứng dụng viễn thám hiệu quả trong các ngành, lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về viễn thám.

thumbnail_anh-a-khanh-1-.jpg
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia (Bộ TN&MT)

Điểm nổi bật của Đề án chính là xác định đây là nhiệm vụ liên ngành, liên vùng nhằm tạo lập được hệ thống cho phép kịp thời cập nhật các thông tin, dữ liệu giám sát bằng viễn thám, góp phần chia sẻ, khai thác thông tin, dữ liệu không gian thuận tiện giữa các bộ, ngành, địa phương, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận gần hơn với các thông tin, dữ liệu, góp phần đảm bảo sinh kế và phát triển bền vững.

Theo đó, Đề án tập trung xây dựng, cập nhật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia chia sẻ, dùng chung phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, ưu tiên ứng dụng hiệu quả viễn thám đối với các hoạt động lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; ứng dụng viễn thám về quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển theo quy hoạch (quy hoạch đô thị; dự báo và thiết kế quy hoạch; đánh giá quá trình đô thị hóa tại Việt Nam và đề xuất các giải pháp cải tạo môi trường đô thị…); ứng dụng viễn thám về giao thông vận tải; ứng dụng viễn thám về công thương (đánh giá tiềm năng điện gió/ năng lượng mặt trời) và các hoạt động khác.

PV: Với vai trò là cơ quan đầu mối, tham mưu cho lãnh đạo Bộ TN&MT trong công tác quản lý Nhà nước về viễn thám, Cục Viễn thám quốc gia đã có Kế hoạch cụ thể gì để triển khai hiệu quả Đề án, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Khánh: Để thực hiện Đề án, Chính phủ đã giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.

Là đơn vị quản lý Nhà nước, đứng đầu về công nghệ viễn thám, Cục Viễn thám quốc gia đã tham mưu trình Bộ TN&MT ban hành văn bản số 872/BTNMT-VTQG ngày 22/2/2022 gửi các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh của 63 tỉnh, thành phố để hướng dẫn triển khai nhiệm vụ ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đến thời điểm hiện nay, Cục Viễn thám quốc gia đã nhận được văn bản của 6 bộ và 41 địa phương về việc giao đầu mối chủ trì thực hiện, cũng như đề xuất các nhiệm vụ trong kế hoạch hằng năm và kế hoạch 3 năm triển khai ứng dụng viễn thám phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, Cục Viễn thám quốc gia đã chủ động trong lập kế hoạch thu nhận dữ liệu viễn thám phủ trùm cả nước hằng năm làm cơ sở cung cấp đủ nhu cầu cho ứng dụng viễn thám của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, Cục đang hoàn thiện cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số, tạo điều kiện thuận lợi trong chia sẻ dữ liệu dùng chung cho các cơ quan Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

anh1.jpg

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Cục Viễn thám Quốc gia về ứng dụng dữ liệu ảnh, sản phẩm viễn thám vào các hoạt động ngành điện.

PV: Có thể thấy, để triển khai hiệu quả Đề án, nguồn dữ liệu viễn thám phục vụ cho các cơ quan Nhà nước, người dân và doanh nghiệp là rất lớn. Thời gian tới, Cục Viễn thám quốc gia sẽ có những định hướng hoạt động như thế nào để công tác thu nhận dữ liệu ngày càng đáp ứng chất lượng cao hơn và phủ rộng hơn?

Ông Nguyễn Quốc Khánh: Hiện nay, nhu cầu về dữ liệu viễn thám có độ phân giải siêu cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh ngày càng lớn. Trên thực tế, Việt Nam mới chỉ có duy nhất một trạm thu tại Hà Nội được xây dựng từ năm 2007, đã được nâng cấp để thu ảnh VNREDSat-1, SPOT 6/7. Mặt khác, trạm thu đã sử dụng thời gian dài nên khó có thể đáp ứng việc nâng cấp để thu các thế hệ vệ tinh mới tiếp theo. Do đó, việc phát triển các trạm thu mới, có tính năng hiện đại nhằm thu được một số loại vệ tinh viễn thám có độ phân giải siêu cao khác nhau là một nhu cầu cấp bách. Từ thực tiễn đó, Cục Viễn thám quốc gia đang tiến hành xây dựng tại Hà Nội trạm thu nhận dữ liệu viễn thám radar và quang học độ phân giải siêu cao 0,75m Kompsat 3A của Hàn Quốc và thu ảnh viễn thám radar Cosmo-SKYMED.

Cục Viễn thám quốc gia cũng đang hoàn thiện xây dựng Dự án Trạm dò tìm, tiếp nhận dữ liệu và Trung tâm xử lý dữ liệu ảnh vệ tinh tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương thuộc khuôn khổ hợp tác ASEAN - Ấn Độ, dự kiến sẽ vận hành từ tháng 1/2024. Khi trạm này đi vào hoạt động sẽ tăng cường hiệu quả ứng dụng ảnh viễn thám, cho phép theo dõi, giám sát các đối tượng trên bề mặt ở nhiều mức độ khác nhau về cả không gian và thời gian, từ khái quát đến chi tiết.

Bên cạnh việc xây mới trạm thu nhận dữ liệu viễn thám, Cục Viễn thám quốc gia đã và đang chú trọng việc xây dựng và ban hành các quy trình ứng dụng công nghệ mới phù hợp với điều kiện Việt Nam. Mục tiêu nhằm có được một hệ thống đồng bộ thu nhận, xử lý dữ liệu và sử dụng tư liệu ảnh viễn thám đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đưa công nghệ viễn thám trở thành một công cụ hữu dụng phục vụ công tác quản lý, giám sát đa ngành, đa lĩnh vực.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Thủy (thực hiện)