Độc đáo mô hình 'Máy vớt rác làm từ rác' của giảng viên trẻ
Môi trường - Ngày đăng : 22:07, 28/03/2022
Chàng giảng viên trẻ sinh năm 1991 Huỳnh Ngọc Thái Anh chia sẻ, cách đây khoảng 2 năm, anh có cơ duyên được tham gia một dự án cộng đồng về môi trường ở vai trò tư vấn. Từ khởi điểm này, anh đã kết nối được với nhóm Green Rivers, có chung mong ước sáng chế những giải pháp nhằm góp phần làm sạch môi trường nước; đồng thời tỉnh Vĩnh Long đang được Nhật Bản tài trợ 2 máy thu gom rác trên sông với cơ chế hoạt động là có người điều khiển chạy trên sông để vớt rác. Tuy nhiên, hai chiếc máy này chưa mang lại hiệu quả cao bởi chỉ phát huy công dụng tốt nhất ở những môi trường nước tĩnh như các ao, hồ. Trong khi đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều sông, nước chảy xiết, tàu bè nhiều nên sóng mạnh.
Trên cơ sở đó, Thái Anh và cộng sự đã mạnh dạn bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo một chiếc máy vớt rác có thể hoạt động tốt trên các môi trường nước động, thu gom các loại rác nhẹ nổi trên bề mặt nước như: túi nilon, vỏ chai nhựa, hộp nhựa, giấy, rác hữu cơ trôi nổi… Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu phải đối diện với hai khó khăn lớn là hạn hẹp về nguồn vốn và thực nghiệm trong bối cảnh dịch COVID-19.
Chi phí ban đầu của nhóm chỉ có 5 triệu đồng. Trong khi đó, các vật liệu đáp ứng yêu cầu hoạt động 24/24 giờ trong môi trường nước, ngoài trời… lại không rẻ. Trước khó khăn đó, Thái Anh đã sáng tạo bằng cách sử dụng lại nguyên liệu từ dây chuyền công nghiệp cũ của các xí nghiệp thải ra, kết hợp với một số vật liệu tái chế như sắt cũ, ống nước, dây sên xe đạp… vừa rẻ lại đáp ứng được yêu cầu chống ăn mòn.
Với thế mạnh từ chuyên môn là công nghệ thông tin, Thái Anh đã tạo ra chiếc máy vớt rác WSCA 2.0 khắc phục được nhược điểm của máy vớt rác do Nhật Bản tài trợ, đó là tự động hóa thay vì điều khiển máy bằng sức người. Đồng thời, máy vớt rác nhỏ gọn, vận hành đơn giản và tự động, dễ dàng nhân rộng, chi phí rẻ và giảm ngay lượng rác thải nhựa tại nguồn.
Thái Anh cho biết, chiếc máy vớt rác WSCA 2.0 được UNESCO trao giải Nhất đã là phiên bản thứ 2. Trước đó, nhóm đã cho chạy thử phiên bản 1 trong dự án CaiRang Green River, thu gom rác ở khu vực chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ). Ở phiên bản này, máy hoạt động theo nguyên lý băng tải, rác được cuốn vào băng chuyền và chuyền xuống hộc chứa. Mỗi lần chứa được từ 15 - 20 kg rác thải nhựa. Ở phiên bản thứ hai, máy được cải tiến, sử dụng được năng lượng mặt trời và tích hợp điều khiển bằng điện thoại thông minh. Nhờ vậy, hoạt động của động cơ lưới cuộn, chân vịt, hệ thống đèn báo và chiếu sáng cho thiết bị khi vận hành vào buổi tối hoàn toàn tự động.
Thái An cho biết thêm, chiếc máy vớt rác WSCA 2.0 đang được vận hành tại khu vực sông Hoài (Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam) thay vì vùng Đồng bằng sông Cửu Long là do yêu cầu của UNESCO khi triển khai các mô hình tại những điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường, nhất là những điểm du lịch nổi tiếng.
Hiện tại, nhóm đang nghiên cứu để tiếp tục nâng cấp và nhân rộng mô hình chiếc máy vớt rác tự động này để có thể vận hành tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian sớm nhất.
Ở phiên bản tới, máy vớt rác WSCA sẽ tích hợp công nghệ camera quan trắc, được lập trình trí tuệ nhân tạo để nhận dạng rác nổi và camera 360 xây dựng nội dung đa phương tiện thực tế ảo. Các công nghệ này sẽ giúp các nhà nghiên cứu về môi trường thu nhận thông tin về ô nhiễm, rác thải nhựa… một cách trung thực, nhanh chóng; trên cơ sở đó, thiết lập các chương trình tuyên truyền về biến đổi khí hậu, rác thải nhựa… thiết thực và thuyết phục nhất.
Cô Trần Nguyễn Minh Thư, Trưởng bộ môn Khoa học máy tính, Khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, Trường và Khoa rất tự hào về thành công và ý nghĩa cộng đồng của dự án “Máy vớt rác WSCA 2.0” của giảng viên Huỳnh Ngọc Thái Anh và cộng sự. Đây là kết quả cho thấy hướng đi đúng với mô hình học đi đôi với hành mà nhà trường đang quyết tâm theo đuổi. Nhờ vậy, phong trào nghiên cứu khoa học trong giảng viên và sinh viên của nhà trường năm sau luôn cao hơn năm trước, với các sản phẩm bám sát nhu cầu thực tiễn, mang tính ứng dụng cao.
Thông qua mô hình máy vớt rác WSCA 2.0, Thái An và nhóm nghiên cứu mong muốn góp phần nhỏ bé thay đổi nhận thức và hành động giữ gìn môi trường sống được trong lành, giảm thiểu rác thải nhựa; đồng thời “truyền lửa” cho các bạn trẻ mạnh dạn nghiên cứu, triển khai các ý tưởng mới, từ đó có nhiều những sáng chế hữu dụng “made in Vietnam.