Lào Cai: Ban hành công tác quản lý chất thải nguy hại

Môi trường - Ngày đăng : 11:24, 25/03/2022

Để công tác quản lý chất thải nguy hại đi vào nề nếp, ngày 22/3/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lào Cai đã ban hành hướng dẫn công tác quản lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh Lào Cai .

Theo đó, về thủ tục hành chính: Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại đã bãi bỏ. Theo quy định, công tác quản lý chất thải nguy hại được tích hợp trong Giấy phép môi trường.

Về phân định, phân loại chất thải nguy hại: Việc phân định chất thải nguy hại được thực hiện theo mã, danh mục và ngưỡng chất thải nguy hại. Chất thải nguy hại phải được phân loại bắt đầu từ thời điểm đưa vào lưu giữ hoặc khi chuyển đi xử lý trong trường hợp không lưu giữ; các chất thải nguy hại phải được phân loại theo mã chất thải nguy hại để lưu giữ trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa phù hợp. Được sử dụng chung bao bì hoặc thiết bị lưu chứa đối với các mã chất thải nguy hại có cùng tính chất, không có khả năng gây phản ứng, tương tác lẫn nhau và có khả năng xử lý bằng cùng một phương pháp; Nước thải nguy hại được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong hệ thống xử lý nước thải tại cơ sở phát sinh thì được quản lý theo quy định về quản lý nước thải.

img_7045.jpg
Lào Cai có Khu công nghiệp Tằng Loỏng là  KCN hoá chất lớn nhất Việt Nam do vậy phát sinh rất nhiều chất thải nguy hại

Trường hợp chất thải nguy hại được tái sử dụng, sơ chế, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng tại cơ sở theo nội dung giấy phép môi trường đã được cấp, chủ nguồn thải chất thải nguy hại được lựa chọn phân loại hoặc không phân loại chất thải nguy hại.

Về vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại đối với các tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải nguy hại bao gồm cả các cơ sở y tế được tự xử lý chất thải nguy hại trong khuôn viên cơ sở phát sinh chất thải khi đáp ứng các yêu cầu sau đây: thực hiện bằng công nghệ, công trình bảo vệ môi trường, thiết bị sản xuất sẵn có trong khuôn viên cơ sở phát sinh chất thải và phải bảo đảm đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định; phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần.

Cơ sở y tế có công trình xử lý chất thải y tế nguy hại đặt trong khuôn viên để thực hiện việc tự xử lý và xử lý chất thải y tế nguy hại cho các cơ sở y tế lân cận (mô hình cụm) thì không được coi là cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại. Việc vận chuyển chất thải y tế nguy hại từ các cơ sở y tế lân cận để xử lý theo mô hình cụm được thực hiện bởi các tổ chức, cá nhân theo quy định tại khoản 4 Điều 83 4 Luật Bảo vệ môi trường hoặc theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lào Cai có trách nhiệm tự chịu trách nhiệm về việc phân định, phân loại, xác định lượng chất thải nguy hại phải khai báo và quản lý. Cập nhật công tác quản lý, số lượng chất thải nguy hại phát sinh hàng năm tích hợp trong báo cáo công tác bảo vệ môi trường định kỳ; Có khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại; lưu giữ chất thải nguy hại trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.

Chỉ được lưu giữ chất thải nguy hại không quá 1 năm, kể từ thời điểm phát sinh. Trường hợp lưu giữ quá thời hạn nêu trên do chưa có phương án vận chuyển, xử lý khả thi hoặc chưa tìm được cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại phù hợp thì phải báo cáo định kỳ hằng năm về việc lưu giữ chất thải nguy hại tại cơ sở phát sinh với cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh bằng văn bản riêng hoặc kết hợp trong báo cáo môi trường định kỳ.

Đối với dự án đầu tư, cơ sở thuộc nhóm I, nhóm II, nhóm III có phát sinh chất thải nguy hại với tổng khối lượng từ 1.200 kg/năm trở lên hoặc từ 100 kg/tháng trở lên trong quá trình vận hành thì phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường theo quy định tại Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường: Tự xử lý chất thải nguy hại tại cơ sở phát sinh hoặc ký hợp đồng để chuyển giao chất thải nguy hại cho cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý nguy hại phù hợp theo quy định; Phối hợp với chủ cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại để lập chứng từ chất thải nguy hại khi chuyển giao chất thải nguy hại. Sau thời hạn 6 tháng, kể từ ngày chuyển giao chất thải nguy hại, nếu không nhận được hai liên cuối cùng của chứng từ chất thải nguy hại mà không có lý do hợp lý bằng văn bản từ tổ chức, cá nhân tiếp nhận chất thải nguy hại thì chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải báo cáo cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp chuyển giao chất thải y tế nguy hại để xử lý theo mô hình cụm thì sử dụng biên bản bàn giao thay cho chứng từ chất thải nguy hại.

Bích Hợp