Nậm Pồ nỗ lực vươn lên

Xã hội - Ngày đăng : 09:32, 25/03/2022

(TN&MT) - Là huyện miền núi biên giới được thành lập từ năm 2012, huyện Nậm Pồ có xuất phát điểm kinh tế thấp, trình độ dân trí lạc hậu, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Bằng nhiều giải pháp tích cực của cấp ủy, chính quyền và nỗ lực vượt khó của đồng bào dân tộc trong công tác xóa đói giảm nghèo của huyện vùng cao biên giới Nậm Pồ (Điện Biên) đã đạt một số kết khả quan.

Với sự quan tâm, lãnh đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HÐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đã phát huy nội lực, trí tuệ, không ngừng nỗ lực vươn lên để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới ngày càng vững chắc.

Ông Nguyễn Xuân Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, trả lời báo giới: Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện rà soát và hoàn chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới của 15/15 xã, trong đó làm mới quy hoạch của 8 xã mới chia tách. Các chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới cũng gắn kết đồng bộ với nội dung Quy hoạch xây dựng đô thị trung tâm huyện, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới là trụ cột cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

a2.jpg

Huyện vùng cao biên giới Nậm Pồ ngày càng đổi thay

Trong những năm qua, hệ thống thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng đầy đủ các loại mặt hàng phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trên địa bàn; làm tốt công tác quản lý phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường, bình ổn hàng hóa trên địa bàn huyện theo chỉ đạo của tỉnh và theo kế hoạch đề ra. Đặc biệt, huyện Nậm Pồ luôn chú trọng tập trung các nguồn lực đầu tư cải thiện cơ bản diện mạo cơ sở hạ tầng thiết yếu, huyện đã mở rộng, cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến đường giao thông; kiên cố hóa phòng học, nhà công vụ, nhà ở học sinh; xây mới, chỉnh trang nâng cấp nhiều trụ sở xã, trạm y tế xã, các công trình thủy lợi và cấp nước sinh hoạt; đưa mạng Internet đến 100% xã, trường học, cơ quan trong huyện; các xã đều có công trình xử lý rác thải khu trung tâm xã.

Bên cạnh đó, nhận thấy tiềm năng, thế mạnh để phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gia súc lớn, UBND huyện Nậm Pồ đã xây dựng Chương trình Hành động phát triển chăn nuôi của huyện theo từng giai đoạn; đồng thời tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền các xã, chỉ đạo, hướng dẫn người dân tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh về đất đai, tài nguyên, nhân lực để phát triển chăn nuôi. Huyện tập trung sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và nhiều nguồn vốn lồng ghép để đầu tư hỗ trợ người dân về con giống, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng các mô hình chăn nuôi hiệu quả để người dân học hỏi làm theo.

a1(1).jpg

Chính sách hỗ trợ cấp trâu, bò giống đã giúp nhiều hộ dân huyện Nậm Pồ thay đổi cuộc sống và thoát nghèo.

Đến nay, tổng đàn gia súc của huyện Nậm Pồ đạt trên 70.000 con; gia cầm trên 170.000 con. Chăn nuôi của huyện Nậm Pồ đạt được nhiều kết quả tích cực, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc luôn ổn định bình quân trên 4%/năm, gia cầm đạt gần 7%/năm; diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc đạt gần 60ha; mỗi xã đã có từ 10 - 20 điểm chăn nuôi tập trung theo quy hoạch. Đó là tiền đề vững chắc để huyện tăng cường chỉ đạo các đơn vị chức năng và cấp ủy, chính quyền các xã tiếp tục thực hiện đúng quy hoạch vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đồng thời, tiến hành quy hoạch vùng trồng cỏ tập trung; phát triển các dịch vụ hỗ trợ chăn nuôi, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Tiếp tục thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia; tìm kiếm thị trường ổn định, giúp người dân yên tâm phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, bền vững, từng bước xóa đói giảm nghèo đời sống người dân cải thiện nâng lên.

Trong năm 2020 huyện Nậm Pồ đạt được kết quả khá toàn diện: Giá trị sản Công nghiệp - Xây dựng của huyện năm 2020 ước đạt 259,81 tỷ đồng, đạt 113% so với kế hoạch; dịch vụ đạt 290 tỷ đồng, ước đạt 100% so với kế hoạch. Hoạt động của các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhiều mặt. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 ước đạt 62,3 tỷ đồng, ước đạt 101% kế hoạch.

Hoàng Châu