Đức Trọng, Lâm Đồng: Ngôi làng bị “lãng quên” bên đường cao tốc
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 11:31, 24/03/2022
Cơ quan nào tắc trách trong việc cấp GCNQSDĐ mà không kiểm đếm, thống kê có hơn 100 ha đất vỡ hoang của người dân trước đó?
“Lập làng” từ năm 1976
Trao đổi với phóng viên, ông Lưu Đức Thà và ông Nguyễn Phú Dũng đại điện cho mấy chục hộ dân sinh sống tại tổ 4, thôn Định An, xã Hiệp An cho biết: Nguồn gốc của thôn Định An có từ năm 1976. Bà con làm ăn, mưu sinh dưới chân núi Voi nên thường gọi là làng Núi Voi.
Cũng theo ông Dũng, ông Thà, lúc đó, theo chủ trương của Nhà nước, chính quyền có vận động bà con di dân đi xây dựng vùng kinh tế mới. Đã có hơn 20 hộ tình nguyện từ trên Đà Lạt chuyển xuống lập nghiệp tại xã Hiệp Thạnh (sau này là thôn Định An, xã Hiệp An) để cùng quây quần sinh sống và làm kinh tế.
Đến năm 1990, khi mô hình Hợp tác xã giải thể, các hộ dân một lần nữa lại được khuyến khích tiếp tục trồng cấy trên đất nông nghiệp tại chỗ và phát triển cây công nghiệp nhằm phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Dần dần, người dân kéo về sinh sống đông hơn. Đến nay đã có hơn 100 hộ dân sinh sống ổn định bằng nghề nông.
Nhưng từ năm 2021, bà con bất ngờ thấy người của BQL rừng phòng hộ Đại Ninh vào đây nhận đất. Và một số hộ gia đình bị lập biên bản với nội dung “lấn chiếm đất rừng”. Lúc này, người dân mới biết, mảnh đất lâu nay gia đình khai phá đã nằm trong GCNQSDĐ của BQL rừng Đại Ninh. Không chấp nhận sự việc trên, mấy chục hộ dân đã làm đơn “kêu cứu”, gửi đến các cơ quan chức năng, yêu cầu làm rõ, làm đúng các quy định của pháp luật.
Qua tìm hiểu, phóng viên được biết: Khu đất mà dân làng Núi Voi đang quản lý sử dụng có diện tích khoảng hơn 100 ha. Nhưng không hiểu các đơn vị đi đo đạc kiểm đếm như thế nào, mà phút chốc cả khu đất này lại “nằm” trong danh sách của BQL rừng phòng hộ Đại Ninh.
Và đến ngày 4/2/2020, thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Huỳnh Ngọc Hải, Giám đốc Sở TN&MT đã ký GCNQSDĐ cho BQL rừng phòng hộ Đại Ninh. Nhưng đến tận năm 2021, người dân mới phát hiện ra việc này và làm đơn “kêu cứu” khắp nơi. Đến nay, vẫn chưa có cơ quan nào đứng ra giải quyết.
Sự thật ở đâu?
Qua tìm hiểu, phóng viên được biết: Hiện tại, những người dân sinh sống tại làng Núi Voi là có thật. Có rất nhiều giấy tờ, đơn từ xin khai phá, đơn xin chuyển đổi giống cây trồng và được các cấp chính quyền thời kỳ đó đồng ý, xác nhận. Đó là một minh chứng cho việc người dân đã sinh sống ở đây từ rất lâu, thậm chí còn trước cả khi làm tuyến đường cao tốc Liên Khương đi chân đèo Prenn.
Còn việc quy hoạch khu đất là đất lâm nghiệp thì đến tận ngày 4/4/2019, UBND tỉnh Lâm Đồng mới ký quyết định số 733/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Phạm S. ký. Nếu đem so sánh, thì quy hoạch này có sau khu dân cư.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Nhẫn, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh cho biết: Trước đây, tại khu vực này đúng là có một số hộ dân sinh sống từ rất lâu. Năm 2008, tỉnh quy hoạch khu đất này là đất rừng phòng hộ và giao hẳn cho BQL rừng phòng hộ Đại Ninh quản lý từ năm 2020. Vì thế chúng tôi cứ theo “giấy” mà làm, ông Nhẫn cho biết.
Phân tích về sự việc chồng lấn đất người dân quản lý sử dụng trước đó và việc cấp GCNQSDĐ cho BQL rừng phòng hộ Đại Ninh, Luật sư Vũ Anh Huy (Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng) đặt câu hỏi: Tại sao trước khi cấp GCN quyền sử dụng đất cho BQL rừng phòng hộ Đại Ninh mà lãnh đạo Sở TN&MT Lâm Đồng lại không có giải pháp gì, hay không biết có một ngôi làng ở đó? Để rồi đến giờ xảy ra tranh chấp giữa người dân và BQL, dẫn đến khiếu kiện, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương?
Rộng đường dư luận, phóng viên đã đến đăng ký làm việc với lãnh đạo UBND huyện Đức Trọng. Tuy nhiên, một phụ nữ có tên là Thúy, giữ chức Phó Chánh văn phòng cho biết: Lãnh đạo huyện đi vắng, có gì liên lạc sau. Sau đó, chị này cũng “bặt vô âm tín”.
Đã đến lúc, các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng cần phải vào cuộc làm rõ việc cấp GCNQSDĐ đã đúng các quy định của pháp luật chưa, tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài, gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân cũng như an sinh xã hội.