Đắk Nông: Nhiều diện tích đất lâm nghiệp tại khu vực hang động nửi lửa Chư Bluk bị xâm chiếm
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 11:29, 24/03/2022
Theo cán bộ địa chính xã Buôn Choáh, tháng 1/2022, lực lượng chức năng đã phát hiện việc xây dựng trên đất rừng phòng hộ của Công ty CP Đầu tư Phú Gia Phát. Thời điểm đó, do không tìm được chủ nhân căn nhà, nên việc xử lý vẫn chưa triệt để. Tuy nhiên, sau khi căn nhà đã hoàn thành, lợp tôn kiên cố thì mới xác định được chủ nhân là bà Nông Thị Vượng (người địa phương).
Gần đây, một số cá nhân có hành vi rao bán, sang nhượng đất rừng trái phép bằng giấy viết tay. Nắm bắt được thông tin, UBND xã Buôn Choáh khuyến cáo người dân tuyệt đối không được thực hiện mua bán, sang nhượng đất đai khi chưa được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất. Theo UBND xã Buôn Choáh, hầu hết diện tích đất rừng ở xã Buôn Choáh nằm bao quanh khu vực hang động núi lửa thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Ông Nguyễn Văn Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Buôn Choáh (huyện Krông Nô) cho biết: "Thời gian vừa qua, việc quản lý đất lâm nghiệm cũng như trồng rừng tại địa phương đã gặp khó khăn trước tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép. Đối với trường hợp dựng nhà kiên cố, địa phương kiên quyết cưỡng chế, yêu cầu dừng ngay hành vi vi phạm và trả lại hiện trạng ban đầu. Còn đối với các trường hợp xây dựng nhà tạm, người dân phải thông báo với địa phương để được hướng dẫn theo quy định của Luật Xây dựng và Luật Đất đai".
Trao đổi thêm về vấn đề này, đại diện lãnh đạo UBND huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) cho biết, địa phương đã nắm được thông tin trên và đang chỉ đạo cho UBND xã Buôn Choáh cùng phòng ban chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý triệt để những trường hợp vi phạm để tránh những hậu quả về sau. Đặc biệt, khu vực hang động núi lửa đang được cả nước quan tâm và là điểm đến du lịch hết sức lý tưởng tạo đòn bẩy phát triển kinh tế của tỉnh.
Được biết, Công viên địa chất Đắk Nông là ba trong số 10 công viên địa chất toàn cầu tại Đông Nam Á. Công viên địa chất Đắk Nông có diện tích hơn 4.700 km2, chiếm hơn 2/5 diện tích tự nhiên của tỉnh Đắk Nông, nằm trải dài trên 6/8 huyện, thành phố, bao gồm các huyện: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và TP. Gia Nghĩa.
Theo đánh giá của các nhà khoa học trong và ngoài nước, toàn bộ Công viên địa chất Đắk Nông hiện có khoảng 65 điểm di sản, địa mạo, bao gồm: Hệ thống các miệng núi lửa, hệ thống hang động núi lửa và các thác nước. Công viên địa chất Đắk Nông còn có nhiều nét độc đáo về văn hóa của các dân tộc thiểu số bản địa như: M’Nông, Mạ, Ê Đê…