Ngành TN&MT Ninh Bình: Vững tin đón vận hội, dệt tương lai

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 09:29, 24/03/2022

(TN&MT) - Xuân này như rạng rỡ hơn khi Ninh Bình tiếp tục đạt được những dấu mốc quan trọng trên con đường xây dựng và phát triển. Đồng hành cùng sự chuyển mình đó là những bước lớn mạnh của Sở TN&MT đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Năm 2022, kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình và 30 năm tái lập tỉnh - Đây cũng là cơ hội để nhìn nhận, đánh giá lại “thế và lực” ngành TN&MT đã tạo dựng trong suốt thời gian qua, từ đó xác định chính xác những mục tiêu, nhiệm vụ của ngành trước vận hội mới ...

Từng bước “dựng cơ đồ”

Trong quá trình xây dựng và phát triển, từ 1992 đến nay, ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Ninh Bình từng bước trưởng thành theo hướng hiện đại, mở rộng phạm vi quản lý trên nhiều lĩnh vực và có những đóng góp quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống và cải thiện môi trường trên địa bàn.

Tháng 4/1992, Chi cục Quản lý đất đai tỉnh được thành lập trực thuộc Sở Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản Ninh Bình trên cơ sở tách ra từ Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Hà Nam Ninh. Trước yêu cầu về tổ chức lại các cơ quan quản lý Nhà nước và tăng cường công tác quản lý đất đai, tháng 9/1994, Sở Địa chính Ninh Bình được thành lập trên cơ sở Chi cục Quản lý đất đai trực thuộc UBND tỉnh.

thumbnail_anh-1.jpg
Tập thể và cá nhân Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình nhận bằng khen của UBND tỉnh.

Ngày 17/9/2003 đánh dấu mốc quan trọng thành lập Sở TN&MT Ninh Bình trên cơ sở hợp nhất tổ chức của Sở Địa chính và các tổ chức thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về: tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, môi trường thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công nghiệp và Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường bàn giao. Để đổi mới hoạt động quản lý Nhà nước về TN&MT, từ năm 2008 trở lại đây, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Sở TN&MT được quy định cụ thể hơn với chức năng quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng, thủy văn và BĐKH; đo đạc, bản đồ, viễn thám; quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, đảo và quản lý chất thải rắn.

Nỗ lực vượt qua những thiếu thốn thủa sơ khai, Sở TN&MT Ninh Bình đã nhanh chóng kiện toàn hệ thống tổ chức, bộ máy ngành TN&MT ở cả 3 cấp. Năm 1992, ngành có khoảng 200 người, nguồn nhân lực ở cấp huyện còn thiếu và yếu. Hiện tại, toàn ngành có trên 600 người với năng lực quản lý, trình độ chuyên môn nghiệp vụ được nâng cao, từng bước đáp ứng các yêu cầu của hệ thống quản lý TN&MT với cơ cấu tổ chức hoàn chỉnh ở cả 3 cấp.

Cùng với sự lớn mạnh của bộ máy tổ chức, sau 30 năm trưởng thành, Sở TN&MT Ninh Bình đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của ngành, góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội.

Từ khi tái lập tỉnh đến nay, việc khai thác và sử dụng nguồn lực đất đai ngày càng hiệu quả hơn, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng đất xây dựng cơ sở kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện mặt bằng cho các ngành sản xuất, kinh doanh. Trước năm 2010, QHSDĐ được xây dựng đồng bộ 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Giai đoạn từ năm 2010 đến nay, QHSDĐ được xây dựng 2 cấp (tỉnh, huyện); thực hiện điều chỉnh quy hoạch phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội. Lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện làm cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý sử dụng đất; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Công tác đo đạc, thành lập bản đồ địa chính đã đạt được nhiều kết quả: Từ năm 1992 đến 1996, toàn tỉnh mới có 44 xã, thị trấn đo đạc, thành lập Bản đồ địa chính chính quy công nghệ thủ công với diện tích 38.324ha; đến 1997 trở lại đây có 75/145 đơn vị hành chính cấp xã và 2 khu vực bãi bồi ven biển với diện tích lập bản đồ địa chính 59.853,00ha/137.758,18ha, chiếm 43,45% so với diện tích đất tự nhiên. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hồ sơ địa giới hành chính các cấp; 100% số xã, phường, thị trấn xây dựng được hệ thống hồ sơ địa chính; tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đạt gần 93% diện tích cần cấp ngay từ những năm 1997 - 1998; diện tích đất đã giao, đưa vào sử dụng chiếm 92,96% diện tích tự nhiên toàn tỉnh.

Năm 1992 khi tái lập tỉnh, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản chưa được quan tâm chỉ đạo từ Trung ương đến cơ sở. Đến cuối năm 1993 mới hình thành hệ thống quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản. Đến nay, việc khai thác tài nguyên khoáng sản cơ bản đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp vật liệu xây dựng. Ngành tham mưu cho UBND tỉnh quy định các khu vực cấm, tạm cấm khai thác khoáng sản; quy định thực hành tiết kiệm trong sử dụng đất, đá vôi và phê duyệt Quy hoạch khoanh vùng khoáng sản chủ yếu tỉnh Ninh Bình góp phần sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên khoáng sản; xác lập các vùng, khu vực để phát triển tiềm năng du lịch của tỉnh.

Công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về BVMT được nâng lên một bước. Nguồn vốn đầu tư cho công tác BVMT được tăng dần qua các năm đã từng bước giải quyết các điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường, hoàn thành sớm việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong 5 năm trở lại đây, việc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT thường xuyên, liên tục, kịp thời; phát hiện các hành vi vi phạm và xử phạt nghiêm khắc theo quy định.

Với những thành tích, kết quả đã đạt được trong những năm qua, Sở TN&MT Ninh Bình đã vinh dự được đón nhận những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước: Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2003 tặng cho tập thể và 3 Huân chương Lao động hạng Ba cho các cá nhân; nhiều tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TN&MT, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ thi đua, Bằng khen và nhiều tập thể, cá nhân được nhận Cờ thi đua, bằng khen của UBND tỉnh, Bộ TN&MT. Năm 2012, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã tặng Cờ thi đua xuất sắc cho Sở TN&MT Ninh Bình vì những thành tích xuất sắc trong quá trình 10 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển.

Bên cạnh đó, công tác quản lý tài nguyên nước, tài nguyên biển đảo, KTTV và BĐKH có nhiều bước tiến mới. Từ khi thành lập, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh việc cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; lập Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Ninh Bình và Quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước dưới đất tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2012 - 2020… Chức năng, nhiệm vụ quản lý về biển, đảo được bổ sung thêm từ năm 2008 đến nay cũng được Sở quan tâm chỉ đạo, tập trung trọng tâm hằng năm, đặc biệt là tuyên truyền về quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển cho bà con ngư dân tại các xã ven biển và các giá trị của Khu dự trữ sinh quyển đồng bằng châu thổ sông Hồng khi 7 xã bãi ngang ven biển của huyện Kim Sơn được UNESCO vinh danh. Rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu về TN&MT biển, đảo; cập nhật kế hoạch ứng phó BĐKH và đánh giá khí hậu tỉnh Ninh Bình.

Sẵn sàng trước thách thức mới

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trên đà hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực và thế giới, ngành TN&MT Ninh Bình đang đứng trước những cơ hội thuận lợi, song cũng không ít những khó khăn, thách thức. Công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, công tác BVMT tại tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực TN&MT vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn. Tài nguyên khoáng sản khai thác còn nhỏ lẻ, vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn nhức nhối, nhất là tại các KCN, làng nghề. Việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ở nông thôn và một số thị trấn còn gặp nhiều khó khăn…

Xác định rõ những tồn tại, hạn chế; kế thừa kinh nghiệm quý báu của các thế hệ cha anh, Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình quyết tâm tận dụng các cơ hội, huy động mọi nguồn lực nhằm tạo “thế và lực” mới để đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh qua từng thời kỳ, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Phát triển cùng sự nghiệp CNH, HĐH

Ông Lê Hùng Thắng - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình cho biết, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tập thể Lãnh đạo Sở TN&MT đã xác định tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt. Trước hết, là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, BVMT và các quy định khác liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành.

Toàn ngành TN&MT Ninh Bình tập trung thực hiện cải cách TTHC, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành; thực hiện quản lý, chỉ đạo điều hành, tác nghiệp trên môi trường mạng; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết TTHC …

Tăng cường kiểm tra việc tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hướng dẫn, triển khai thực hiện chặt chẽ trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, khắc phục tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, kém hiệu quả. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ địa chính, địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện và quản lý việc điều tra cơ bản về đất đai như đo đạc, chỉnh lý Bản đồ địa chính; đăng ký đất đai; xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu địa chính cho các xã trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hành chính, chuyên ngành để chủ động nắm bắt, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật. Tăng cường thanh tra đột xuất để giải quyết tình trạng nhũng nhiễu, gây bức xúc trong dư luận; tập trung lĩnh vực đất đai, việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với cơ sở có nguồn thải lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; tập trung BVMT gắn với phát triển du lịch; thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

“Tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành TN&MT Ninh Bình tiếp tục phát huy những kết quả đạt được; nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” - Phó Giám đốc Sở TN&MT Ninh Bình Lê Hùng Thắng khẳng định.

Tuyết Chinh