Hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh ứng phó BĐKH: Quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu giảm phát thải

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:28, 24/03/2022

(TN&MT) - Với mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 và hiện thực hóa cam kết tại COP26 đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, các định hướng của Việt Nam trong giai đoạn tới là ưu tiên đẩy nhanh quá trình tăng trưởng xanh, tăng sức chống chịu của nền kinh tế trước các tác động của biến đổi khí hậu.

Cơ cấu lại nền kinh tế

Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, định hướng 2050 đã định hướng mạnh mẽ cho mục tiêu thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, giảm cường độ phát thải khí nhà kính (KNK) của Việt Nam. Trong đó, phải đảm bảo quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu trong phạm vi toàn bộ nền kinh tế, song song với việc đề ra những định hướng phát triển theo ngành, lĩnh vực chủ yếu.

Tại COP26, Việt Nam đã cam kết giảm mạnh điện than, đồng thời tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên mức 20% vào năm 2030 và 30% năm 2045, giảm mức độ phát thải trên tổng GDP xuống 15% năm 2030 và giảm phát thải khí methane trong sản xuất nông nghiệp xuống 10%.

phat-trien-nang-luong-tai-tao-giam-phat-thai-khi-nha-kinh.-anh-mh.jpg

Phát triển năng lượng tái tạo giảm phát thải khí nhà kính.

Cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam hiện đã được Bộ Công Thương cập nhật vào Dự thảo Quy hoạch điện VIII hướng tới mục tiêu nhằm phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng sạch. Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cũng đã đưa vào Dự thảo Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến 2050. Trong đó, xác định các nhóm nhiệm vụ, hoạt động về giảm phát thải trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, huy động tài chính và đầu tư xanh.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, việc xác định các hành động cụ thể, giải pháp giảm phát thải cần phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; chi phí chuyển đổi xanh hợp lý, khả thi, phù hợp với sức chống chịu của cả nền kinh tế, của các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Để tăng hiệu quả và sát với thực tiễn, cần đánh giá khái quát tình hình thực hiện cũng như chia sẻ các kinh nghiệm tốt của các địa phương về tăng trưởng xanh thời gian qua; các tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức trong thời gian tới.

Không dừng lại ở đó, Việt Nam đang thực hiện cải cách cơ cấu từng ngành như công nghiệp, nông nghiệp, du lịch; từng địa phương, vùng miền để phát triển nhanh hơn, xanh hơn, sạch hơn và tạo đột phá trong việc phát triển giá trị văn hóa, con người Việt Nam.

Theo ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), công tác ứng phó với BĐKH hiện nay đã bước sang một thời kỳ mới. Việc thực hiện trách nhiệm của mỗi quốc gia trở thành những cam kết đóng góp bắt buộc, đặc biệt là giảm phát thải khí nhà kính chứ không còn mang tính tự nguyện như trước. Do đó, giai đoạn 2021 - 2030 là một giai đoạn mới và quan trọng đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Những lựa chọn phù hợp với điều kiện của Việt Nam

Hiện nay, Bộ TN&MT xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050. Theo Cục Biến đổi khí hậu, quá trình rà soát, đánh giá việc thực hiện trong các giai đoạn trước đó đã chỉ ra, giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam cần đẩy mạnh các hoạt động phù hợp với điều kiện, năng lực của mình.

Về thích ứng, gồm các nhiệm vụ về tăng cường năng lực ứng phó với thiên tai, đảm bảo an ninh lương thực và tài nguyên nước, ứng phó tích cực với nước biển dâng. Về giảm nhẹ, cần phải thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ, phát triển bền vững rừng, phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, thực hiện nông nghiệp carbon thấp và quản lý chất thải.

Đặc biệt, cần phải xác định và làm rõ các đồng lợi ích giữa thích ứng và giảm nhẹ, giữa hoạt động của các ngành, lĩnh vực, để xác định các ưu tiên; đồng thời tạo sự liên kết và gia tăng tính hội tụ của các hoạt động, tính hiệu quả của các chương trình, dự án của các ngành, lĩnh vực trong ứng phó với BĐKH. Những lĩnh vực tiềm năng là đầu tư cơ sở hạ tầng về phòng, chống thiên tai; quản lý tài nguyên nước; bảo vệ và phát triển rừng, phát triển năng lượng tái tạo, cập nhật và triển khai Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định.

Đơn cử, việc tiếp tục ưu tiên, đầu tư bảo vệ và phát triển rừng sẽ giúp tạo thêm nhiều sinh kế, nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai; đồng thời tạo ra tín chỉ carbon để Việt Nam tham gia thị trường tín chỉ quốc tế. Từ tháng 4/2021, Việt Nam triển khai chương trình trồng một tỷ cây xanh, qua đó, đặt mục tiêu hấp thụ 2 - 3% lượng khí phát thải vào năm 2030.

Chủ động thích ứng hiệu quả với BĐKH, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, phát triển nền kinh tế phát thải thấp chính là những mục tiêu Việt Nam đang đặt ra, dù chúng bao gồm áp lực không nhỏ đến tất cả các khía cạnh kinh tế - xã hội cả trong ngắn hạn và dài hạn. Vượt qua thách thức, Việt Nam sẽ phát huy được tiềm lực, tận dụng cơ hội, đưa đất nước trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới và đạt được các cam kết với cộng đồng quốc tế.

Khánh Ly