Không điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho người dân

Đất đai - Ngày đăng : 17:03, 23/03/2022

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, việc chia lại ruộng đất sẽ xóa bỏ những thành quả đã thu được trong thời gian qua và là sự thay đổi lớn về chính sách, có thể gây xáo trộn khu vực nông thôn, tác động đến ổn định xã hội.

Cử tri tỉnh Quảng Bình đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định số 64/NĐ-CP về giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp.

Nghị định này ban hành đến nay đã 28 năm và nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Đa số người có ruộng đất theo Nghị định số 64/NĐ-CP, nay đã già cả, không còn sức lao động, nhiều người đã chết, hoặc chuyển đến khu vực thành thị sinh sống với con cái; một số lao động kế thừa, không trực tiếp sản xuất mà tìm cách ly hương đi làm ăn xa, lao động ở nước ngoài, dẫn tới ruộng đất bị bỏ hoang, gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai của chính quyền địa phương.

dat-nong-nghiep.jpg
Ảnh minh họa

Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên & Môi trường có ý kiến như sau:

Nghị định số 64/CP ngày 27/9/1993, của Chính phủ ban hành bản quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp đã được thay thế bởi Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai.

Mặt khác, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đã nêu quan điểm: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách, pháp luật về đất đai. Không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình và cá nhân, nhưng Nhà nước có chính sách phù hợp để đất nông nghiệp được người trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng với hiệu quả cao nhất.”.

Trong những năm qua nhiều địa phương đã thực hiện dồn điền, đổi thửa, quy hoạch lại đồng ruộng, thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Một số trường hợp Nhà nước đã thu hồi đất và người có đất đã được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đã tìm được việc làm mới… Việc chia lại ruộng đất sẽ xóa bỏ những thành quả đã thu được trong thời gian qua và là một sự thay đổi lớn về chính sách, có thể gây xáo trộn khu vực nông thôn, tác động đến ổn định xã hội.

Mặt khác, tại Điều 166, 167, 168, 169, 170, 179 và Điều 188 Luật Đất đai 2013 đã có các quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ và điều kiện thực hiện các quyền của người sử dụng đất qua đó người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, trong đó, có việc thực hiện các quyền của người sử dụng đối với đất được giao theo Nghị định số 64/NĐ-CP. Nếu thực hiện điều chỉnh đất nông nghiệp sẽ tạo ra sự không bình đẳng giữa những người sử dụng đất.

Phạm Oanh