Tham vấn xây dựng hạch toán tài khoản đại dương tại Việt Nam

Biển đảo - Ngày đăng : 16:24, 23/03/2022

(TN&MT) - Trong khuôn khổ hợp tác với Diễn đàn Hạch toán Tài khoản đại dương vì phát triển bền vững (GOAP), ngày 23/3, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng hạch toán tài khoản đại dương tại Việt Nam. Phó Viện trưởng – TS. Nguyễn Trung Thắng đã chủ trì Hội thảo. Hội thảo có sự tham dự của đại diện các Bộ, ban, ngành, Viện nghiên cứu.
img_2288-2(1).jpg
TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường cho biết, đại dương là nguồn sinh kế và dinh dưỡng quan trọng đóng góp vào quá trình tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Những hệ sinh thái biển và ven biển lành mạnh góp phần phát triển toàn diện, điều hòa khí hậu cũng như cải thiện đời sống người dân, hướng tới một tương lai bền vững.

Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế biển xanh với hơn 3.260 km và hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ với hơn 20 kiểu hệ sinh thái đặc trưng và là nơi sinh sống của khoảng 11.000 sinh vật biển. Tuy nhiên, hiện nay, việc quản lý thông tin liên quan đại dương còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Các dữ liệu về đại dương thường bị phân mảnh, do nhiều tổ chức khác nhau sắp xếp và rất khó tích hợp. Do đó, rất khó có thể ước tính được số liệu chính xác về tổng đóng góp của nghề cá cho nền kinh tế cũng như sản lượng bền vững tối đa.

Nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế biển đối với sự phát triển của đất nước, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững kinh tế Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Việc áp dụng cách tiếp cận tài khoản đại dương sẽ hỗ trợ xác định phát triển kinh tế biển một cách bền vững, đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách liên quan đến kinh tế biển xanh của Việt Nam.

Tài khoản đại dương sắp xếp các dữ liệu đại dương (xã hội, môi trường, kinh tế) thành một khuôn khổ chung sử dụng cấu trúc tương tự như tài khoản quốc gia. Tài khoản đại dương cung cấp phương tiện để đo lường tiến độ hướng tới tăng trưởng và bền vững của nền kinh tế đại dương ngoài Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), phù hợp với các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 14, 15.9 và 17.19 cũng như các tiêu chuẩn thống kê quốc tế. Ngoài ra, tài khoản đại dương cung cấp cơ sở hạ tầng thông tin chung để xây dựng chính sách phát triển đại dương, quy hoạch không gian biển và quản lý môi trường tổng hợp.

Trong khuôn khổ hợp tác với Diễn đàn Hạch toán Tài khoản đại dương vì phát triển bền vững (GOAP), Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Hội thảo này nhằm tham vấn các bên liên quan về kết quả nghiên cứu ban đầu của nghiên cứu thí điểm hạch toán tài khoản đại dương tại tỉnh Quảng Ninh. Thông qua Hội thảo, ông Nguyễn Trung Thắng mong muốn được nghe những chia sẻ, thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học về kết quả nghiên cứu thí điểm, đồng thời đóng góp ý kiến nhằm góp phần hoàn thiện nghiên cứu.

img_2283-2(1).jpg
Toàn cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, đại diện nhóm chuyên gia tư vấn, ông Hoàng Việt Anh đã giới thiệu kết quả nghiên cứu thí điểm hạch toán tài khoản đại dương tại Việt Nam, với thí điểm nghiên cứu tại tỉnh Quảng Ninh. Triển khai xây dựng thí điểm hạch toán tài khoản đại dương tại Việt Nam nhằm hỗ trợ lồng ghép các giá trị dịch vụ hệ sinh thái vào các chính sách phát triển bền vững biển và hỗ trợ xây dựng lộ trình lồng ghép tài khoản đại dương vào các chính sách của quốc gia.

Việt Khang