Công nghiệp khí - Những bước đi đầu tiên

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 13:00, 23/03/2022

Hệ thống thu gom và vận chuyển khí Bạch Hổ - Thủ Đức là tiền đề phát triển của nền công nghiệp khí Việt Nam. Đây là công trình khí tiên phong và huyết mạch của khu vực Đông Nam Bộ, đã trở thành công trình cốt lõi trong chuỗi các công trình khí tại khu vực bể Cửu Long.
cong-nghiep-khi-nhung-buoc-di-dau-tien_1.jpg
Lễ đón dòng khí đầu tiên vào bờ (ảnh tư liệu)

Tầm nhìn xa

Mỏ dầu Bạch Hổ được Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đưa vào khai thác từ ngày 26-6-1986. Cho đến năm 1995, khí đồng hành được tách ra khỏi dầu thô tại các giàn khai thác phải đốt bỏ do chưa có điều kiện thu gom và vận chuyển vào bờ để sử dụng. Cùng với sự gia tăng sản lượng dầu khai thác, lượng khí đồng hành phải đốt bỏ ngày càng lớn, gây lãng phí tài nguyên và tăng ô nhiễm môi trường.

Do đó, việc triển khai thực hiện một dự án với quy mô lớn nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng thu gom, vận chuyển khí đồng hành vào bờ và sử dụng cho nền kinh tế quốc dân đã trở thành vấn đề cấp bách được các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm, được khẳng định tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 7-7-1988 của Bộ Chính trị: “Nhanh chóng lập phương án trước năm 1995 sử dụng khí đồng hành mỏ Bạch Hổ và các mỏ khác để sản xuất phân đạm, phát điện và phục vụ đời sống nhân dân”.

Quyết tâm của Bộ Chính trị đã thể hiện rõ tầm vóc của công trình thu gom, vận chuyển và chế biến khí mỏ Bạch Hổ. Đây là hệ thống công trình khí đầu tiên tại Việt Nam. Việc xây dựng hệ thống công trình khí này không đơn giản chỉ giải quyết vấn đề đốt bỏ khí, ô nhiễm môi trường, sâu xa hơn còn là nhận thức về tầm quan trọng của nguồn tài nguyên khí thiên nhiên, góp phần đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Công trình thu gom, vận chuyển và chế biến khí mỏ Bạch Hổ không chỉ là một “đại công trình” của ngành Dầu khí, mà còn là một công trình trọng yếu của quốc gia, không chỉ góp phần giải quyết vấn đề năng lượng, kinh tế, môi trường mà còn là niềm tự hào lớn lao của dân tộc Việt Nam, của những người dầu khí, khi ngành công nghiệp khí Việt Nam sánh vai cùng các quốc gia trong khu vực và thế giới khi bước vào lĩnh vực khí đầy tiềm năng, tiếp cận những tiến bộ về khoa học kỹ thuật.

cong-nghiep-khi-nhung-buoc-di-dau-tien_2.jpg
Bảo dưỡng Hệ thống khí Cửu Long (ảnh tư liệu)

Tiền đề phát triển

Để triển khai việc thu gom, vận chuyển, xử lý và phân phối khí mỏ Bạch Hổ, Công ty Khí đốt Việt Nam, nay là Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS), đã phối hợp với Viện Nghiên cứu khoa học và thiết kế dầu khí biển (NIPI) thuộc Vietsovpetro và Viện Thiết kế - Bộ Thương mại tiến hành lập luận chứng kinh tế - kỹ thuật cho hệ thống thu gom và vận chuyển khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ đến các hộ tiêu thụ trên đất liền.

Bản luận chứng đã được hoàn thành và trình Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) vào ngày 15-8-1991, sau đó được trình bày trước Bộ Công nghiệp nặng và đại diện các bộ, ngành vào ngày 18-10-1991.

Dự án Hệ thống thu gom và vận chuyển khí Bạch Hổ được chia thành các dự án thành phần gồm: Đường ống Bạch Hổ - Bà Rịa, công suất 1 triệu m3 khí/ngày đêm; đường ống Bà Rịa - Phú Mỹ, công suất 2-3 triệu m3 khí/ngày đêm; đường ống Phú Mỹ - Thủ Đức (sau đổi thành đường ống Phú Mỹ - TP HCM); giàn nén khí trung tâm mỏ Bạch Hổ; Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố; Kho cảng Thị Vải.

Ngày 7-1-1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã phê duyệt Luận chứng kinh tế - kỹ thuật “Hệ thống thu gom và vận chuyển khí Bạch Hổ - Thủ Đức” bao gồm: Công trình thu gom khí tại mỏ Bạch Hổ; trạm nén khí đầu mối tại mỏ Bạch Hổ; đường ống dẫn khí Bạch Hổ - Thủ Đức; trạm thu hồi condensate; các công trình phụ trợ; địa điểm xây dựng hệ thống…

Bản luận chứng kinh tế - kỹ thuật ban đầu này là sơ bộ và chưa đầy đủ, mới chỉ đề cập đến việc thu hồi chất lỏng condensate, chưa nói tới việc tách khí hóa lỏng LPG. Sau này, trong quá trình thực hiện, bản luận chứng kinh tế - kỹ thuật đã được bổ sung hoàn chỉnh nhiều lần. Mặc dù vậy, có thể thấy rằng đây là tài liệu hết sức quan trọng, là cơ sở để Chính phủ ra quyết định đầu tư hệ thống thu gom và vận chuyển khí Bạch Hổ - Thủ Đức, là căn cứ để Tổng công ty Dầu khí Việt Nam triển khai thực hiện dự án, tạo tiền đề cho việc phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam.

cong-nghiep-khi-nhung-buoc-di-dau-tien.jpg
Giàn khai thác trung tâm mỏ Bạch Hổ

Phân kỳ đầu tư - Giải pháp đột phá

Sau khi luận chứng kinh tế - kỹ thuật được duyệt, bước triển khai tiếp theo là lập thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán toàn bộ công trình.

Trong quá trình triển khai thiết kế tổng thể, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đã tiến hành song song việc đàm phán tìm đối tác hợp tác đầu tư thực hiện toàn bộ dự án, vì đây là dự án lớn về vốn, phức tạp về công nghệ, lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam.

Ngày 5-5-1994, tại Văn phòng Chính phủ, sau khi Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam Hồ Sĩ Thoảng trình bày Đề án thu gom, vận chuyển và xử lý khí đồng hành mỏ Bạch Hổ, Phó Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã kết luận: “Toàn bộ vốn đầu tư cho đề án là 500 triệu USD, ta tự làm thì không nổi, do đó phải liên doanh”.

Vấn đề này cũng đã được Tổng công ty Dầu khí Việt Nam và các bộ, ngành nhận định ngay trong quá trình triển khai thực hiện thiết kế tổng thể. Trên cơ sở đó, nhiều tổ hợp các công ty nước ngoài đã tham gia đàm phán. Do là dự án đầu tiên, chưa có tiền lệ, việc đàm phán diễn ra gay go, phức tạp và có khả năng kéo dài. Trong nội bộ Tổng công ty Dầu khí Việt Nam cũng chia thành 2 nhóm quan điểm: Liên doanh hoặc tự làm, không liên doanh. Trong bối cảnh đó, ý tưởng chia dự án ra thực hiện từng phần đã xuất hiện mặc dù gây rất nhiều tranh cãi.

Được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đã quyết định thực hiện Dự án Hệ thống thu gom và vận chuyển khí Bạch Hổ - Thủ Đức theo giai đoạn và đưa vào sử dụng từng phần, mặc dù đây là một hệ thống hoàn chỉnh.

Căn cứ vào nguyên tắc đó, dự án đã được chia thành các dự án thành phần gồm: Đường ống Bạch Hổ - Bà Rịa, công trình sớm đưa khí vào bờ (fast track), công suất 1 triệu m3 khí/ngày đêm; đường ống Bà Rịa - Phú Mỹ, công suất 2-3 triệu m3 khí/ngày đêm; đường ống Phú Mỹ - Thủ Đức (sau đổi thành đường ống Phú Mỹ - TP HCM); giàn nén khí trung tâm mỏ Bạch Hổ; Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố; Kho cảng Thị Vải.

Việc phân kỳ đầu tư đã cho phép dự án được triển khai nhanh chóng do giảm thời gian đàm phán cho từng phần riêng biệt thay vì phải đàm phán cho cả một chuỗi dự án lớn, quan trọng hơn hết, việc phân kỳ đầu tư phù hợp với năng lực tài chính của Việt Nam tại thời điểm đó. Hiện nay, việc phân kỳ đầu tư không phải là giải pháp mới lạ, nhưng ở vào thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước rõ ràng đây là giải pháp rất hay và giải quyết được khó khăn của ngành Dầu khí khi vấp phải vấn đề về vốn đầu tư dự án và phải chạy đua với thời gian để đưa được khí vào bờ. Ý tưởng này đã giải được bài toán lớn.

Ngày 17-4-1995, khí đồng hành thu gom từ mỏ Bạch Hổ đã vận chuyển vào bờ, đưa đến trạm phân phối khí Bà Rịa, cung cấp khí cho Nhà máy Điện Bà Rịa. Nhà máy Điện Bà Rịa phát ra dòng điện bằng khí đầu tiên hòa vào lưới điện quốc gia vào lúc 14 giờ ngày 26-4-1995. Lễ đón nhận dòng khí đầu tiên vào bờ được tổ chức chiều ngày 1-5-1995 tại Bà Rịa. Điều này cho phép thúc đẩy tiến độ dự án để sớm đưa được khí thiên nhiên vào bờ, hạn chế tối đa lãng phí khi phải đốt bỏ khí ngoài khơi từng ngày, từng giờ cũng như tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện.

Hệ thống thu gom và vận chuyển khí Bạch Hổ được xem như công trình khí huyết mạch của khu vực Đông Nam Bộ, trở thành công trình cốt lõi trong chuỗi các công trình khí tại khu vực bể Cửu Long, cho phép mở rộng khai thác khí tại các mỏ mới như: Rồng/Đồi Mồi, Tê Giác Trắng, Cá Ngừ Vàng, Hải Sư Trắng/Hải Sư Đen..., gia tăng nguồn cung khí, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng của thị trường khí khu vực phía Nam.

Mặc dù ngày nay tại Việt Nam đã có thêm nhiều công trình khí khác có quy mô lớn nhưng Hệ thống thu gom và vận chuyển khí Bạch Hổ - Thủ Đức vẫn là công trình tiên phong và đóng góp lớn trong sự nghiệp phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam.

Ngày 17/4/1995, khí đồng hành thu gom từ mỏ Bạch Hổ đã vận chuyển vào bờ, đưa đến trạm phân phối khí Bà Rịa, cung cấp khí cho Nhà máy Điện Bà Rịa. Nhà máy Điện Bà Rịa phát ra dòng điện bằng khí đầu tiên hòa vào lưới điện quốc gia vào lúc 14 giờ ngày 26/4/1995.

PV