Tiếp cận công nghệ kỹ thuật mới trong thành lập bản đồ lớp phủ mặt đất phục vụ kiểm kê khí nhà kính
Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 20:13, 22/03/2022
Tham dự Hội thảo có đại diện Cục Biến đổi khí hậu, Viện Điều tra Quy hoạch rừng, Viện Môi trường Nông nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam, Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ (USFS), Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (USEPA).
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia cho biết, ngày 22/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2359/QĐ-TTg phê duyệt hệ thống quốc gia về kiểm kê khí nhà kính, với mục tiêu chính là xây dựng Hệ thống quốc gia về kiểm kê khí nhà kính, tạo cơ sở pháp lý cho công tác kiểm kê khí nhà kính tại Việt Nam, tuân thủ các quy định hiện hành của Việt Nam có liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, đáp ứng các yêu cầu và nghĩa vụ của một nước thành viên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Trong đó giao Bộ TN&MT xây dựng kế hoạch kiểm kê khí nhà kính định kỳ hai năm một lần, bao gồm kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng; lựa chọn phương pháp luận cho kiểm kê khí nhà kính, hệ số phát thải và xây dựng các hướng dẫn có liên quan đến kiểm kê khí nhà kính; đồng thời cập nhật và hoàn thiện các biểu mẫu thu thập số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà kính.
Thực hiện nhiệm vụ được Bộ TN&MT giao, từ năm 2016, Cục Viễn thám quốc gia đã triển khai ứng dụng dữ liệu viễn thám trong xây dựng bản đồ lớp phủ mặt đất toàn quốc phục vụ kiểm kê khí nhà kính thông qua dự án LULUCF với chu kỳ 2 năm một lần để cung cấp dữ liệu và xây dựng báo cáo về lớp phủ gửi Bộ TN&MT. Các số liệu, dữ liệu của Dự án này được cung cấp cho Cục Biến đổi khí hậu để xây dựng báo cáo quốc gia về khí nhà kính trong lĩnh vực LULUCF.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc xây dựng bản đồ lớp phủ mặt đất theo dự án LULUCF tại Cục Viễn thám quốc gia đang thực hiện theo công nghệ cũ, chủ yếu xử lý ảnh và giải đoán bằng mắt kết hợp với xử lý số trên từng cảnh ảnh. Điều này thường làm chậm quá trình xử lý và cung cấp dữ liệu theo yêu cầu và độ chính xác chưa cao.
Năm 2021, Cục Viễn thám quốc gia đã nhận được sự hỗ trợ, đào tạo và chuyển giao công nghệ mới nhằm nâng cao độ chính xác cũng như rút ngắn thời gian xây dựng bộ dữ liệu lớp phủ/sử dụng đất bằng dữ liệu viễn thám. Cục Viễn thám quốc gia đánh giá cao nỗ lực này của các Chuyên gia của Hoa Kỳ cũng như đại diện Chương trình SilvaCarbon tại Việt Nam và các cán bộ kỹ thuật của Việt Nam trong việc tổ chức đào tạo tăng cường năng lực ứng dụng công nghệ viễn thám trong lập bản đồ lớp phủ và tính toán diện tích lớp phủ phục vụ kiểm kê khí nhà kính quốc gia và báo cáo quốc tế của Việt Nam về phát thải khí nhà kính, cũng như các công cụ, nền tảng mã nguồn mở để xử lý số liệu.
“Trong thời gian tới, Cục Viễn thám quốc gia hy vọng sẽ tiếp tục được tiếp cận các công nghệ và giải pháp kỹ thuật mới trong thành lập bản đồ lớp phủ phục vụ công tác kiểm kê khí nhà kính có khả năng triển khai áp dụng có hiệu quả ở Việt Nam. Đồng thời mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ từ Chương trình SilvaCarbon cả về mặt công nghệ, kỹ thuật và đặc biệt là trang thiết bị, máy tính có khả năng xử lý dữ liệu viễn thám với dung lượng lớn để có thể áp dụng trong các chu kỳ kiểm kê tiếp theo. Với công nghệ mới được chuyển giao, Cục Viễn thám quốc gia sẽ đề xuất với lãnh đạo Bộ TN&MT thay đổi công nghệ và đưa vào triển khai, áp dụng ngay trong chu kỳ kiểm kê sắp tới nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ liên quan đến giám sát và ứng phó với BĐKH ở Việt Nam cũng như thực hiện các nghĩa vụ quốc tế và cam kết của Việt Nam đối với Thỏa thuận quốc tế liên quan đến BĐKH.” – Ông Nguyễn Quốc Khánh nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe đại diện Cục Biến đổi khí hậu đã giới thiệu các thông báo Quốc gia, Báo cáo cập nhật hai năm một lần và các kế hoạch Kiểm kê KNK, tóm tắt các phương pháp luận, công cụ thể hiện sử dụng đất; đại diện Cục Viễn thám quốc gia và Viện Điều tra Quy hoạch Rừng trình bày phương pháp và quy trình lập bản đồ sử dụng đất, lớp phủ đất hiện đang áp dụng và tính toán diện tích phục vụ kiểm kê KNK quốc gia, thí điểm lập bản đồ biến động lớp phủ đất bằng phương pháp dữ liệu chuỗi thời gian ảnh landsat và phương pháp lập bản đồ lớp phủ rừng hiện đang áp dụng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thực hiện chi trả dựa vào kết quả.
Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự cũng đã chia sẻ, thảo luận các nội dung liên quan đến nhu cầu và kế hoạch của Việt Nam trong thành lập bản đồ lớp phủ đất phục vụ kiểm kê KNK quốc gia; xác định nhu cầu xây dựng năng lực cơ hội hợp tác kỹ thuật với dự án Nâng cao tính Minh Bạch của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ và Chương trình SilvaCarbon trong thời gian tới.