Doanh nghiệp "cầu cứu" vì bị nhiều đối tượng lạ mặt xâm phạm mỏ thăm dò thạch anh: Vẫn tiếp tục khai thác trái phép
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 09:33, 22/03/2022
DN “cầu cứu” cơ quan chức năng
Ngày 11/3/2022, Báo Tài nguyên và Môi trường có bài "Nghệ An: DN "cầu cứu" vì bị nhiều đối tượng lạ mặt xâm phạm mỏ thăm dò thạch anh". Theo đó, Công ty CP Sơn Nam đã được UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 2782/QĐ-UB, ngày 05/8/2021 về việc công nhận trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản đá thạch anh tại Bản Sai, xã Quang Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Sau đó, UBND tỉnh Nghệ An đã cấp giấy phép thăm dò khoáng sản số 4591/GP-UBND, ngày 30/11/2021 cho phép Công ty CP Sơn Nam thăm dò khoáng sản thạch anh tại Bản Sai, xã Quang Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.
Tuy nhiên, trong những ngày từ 6 đến ngày 9/3/2022, xuất hiện nhóm gồm 8 người và 1 máy múc công suất lớn vào khu vực mỏ và đã mở đường để khai thác đá.
Khi nhóm cán bộ, công nhân của Công ty CP Sơn Nam trụ sở tại Lô B4, Khu công nghiệp Nam Cấm, xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An (chủ đầu tư được cấp có thẩm quyền cấp phép vào thăm dò, khai thác) phát hiện thì nhóm người lạ đã có hành vi đe doạ, ngăn cản. Trước sự việc trên, ngày 9/3, đại diện Công ty CP Sơn Nam cũng đã gửi văn bản "cầu cứu" lên các cấp có thẩm quyền của tỉnh Nghệ An nhưng sự việc vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Ở khu vực bản Sai, xã Quang Phong, huyện Quế Phong trong những ngày vừa qua lại tiếp tục tái diễn tình trạng nhóm người lạ đưa máy móc, phương tiện vào khai thác khoáng sản ngang nhiên giữa ban ngày.
Cụ thể, vào những ngày cuối tuần, nhóm người lạ đã huy động 02 máy múc công suất lớn vào khu vực nói trên để khai thác đá để vận chuyển, tập kết ra ngoài.
“Họ đưa máy móc ngang nhiên vào khu vực bản Sai khai thác đá nhưng không gặp phải sự ngăn cản của cơ quan chức năng địa phương. Liên tục tái diễn như vậy khiến chúng tôi không khỏi bức xúc. Trong khi đó, doanh nghiệp chúng tôi đang phải “án binh bất động” vì còn phải chờ để thực hiện hồ sơ pháp lý theo quy trình. Lợi dụng hoàn cảnh này mà vào khai thác như vậy, thực sự họ đang thách thức cả pháp luật” – đại diện Công ty CP Sơn Nam cho biết. Cũng theo đại diện Công ty CP Sơn Nam, việc xảy ra hiện tượng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn xã Quang Phong cũng có thể gây ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp khi dư luận có thể hiểu nhầm rằng, chính Công ty Sơn Nam đang lợi dụng thăm dò để khai thác chứ không phải những người lạ mặt nói trên đang thực hiện.
Qua thông tin phản ánh về tình trạng "hỗn loạn" trong khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Quang Phong, vào sáng 19/3, chúng tôi đã cố gắng kết nối với ông Lô Văn Cường – Chủ tịch UBND xã Quang Phong để phản ánh về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép đang diễn ra trên địa bàn nhưng vị lãnh đạo này không hồi âm.
Trước đó, vào ngày 16/3, khi được hỏi về những thông tin, hình ảnh mà báo chí đã phản ánh về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, ông Lô Văn Cường trả lời đã tiến hành lập biên bản, báo cáo cụ thể lên UBND huyện Quế Phong vào ngày 18/3.
Chủ tịch UBND xã Quang Phong cũng thông tin với phóng viên rằng, hành vi khai thác, tập kết đá của nhóm người lạ mà báo chí đã phản ánh trước đó, chính quyền địa phương đã lập biên bản, tiến hành xử phạt với số tiền 3 triệu đồng?
Vì sao không quyết liệt ngăn chặn khai thác trái phép?
Cũng liên quan đến tình trạng khai thác khoáng sản trái phép xảy ra trên địa bàn bản Sai, xã Quang Phong. Vào ngày 16/3, chúng tôi đã liên hệ để phản ánh tình trạng trên đến người đứng đầu Công an huyện Quế Phong nhưng vị này lại "đá" trách nhiệm sang phía Phòng TN&MT huyện Quế Phong?
Còn ông Bùi Văn Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong nói rằng đã giao cho xã và cơ quan tài nguyên kiểm tra vì hôm đó lãnh đạo huyện đang đi công tác ngoài miền Bắc.
Vào ngày 17/3, thông tin qua điện thoại, ông Bùi Văn Hiền nói hiện đang chờ thông tin chính thức từ UBND xã và Công an xã. Còn khi được hỏi về số lượng, quy mô, phạm vi, mức độ thì vị phó chủ tịch UBND huyện Quế Phong cũng nói hiện cũng đang chờ báo cáo của xã và chắc là vài hôm nữa mới có cụ thể.
Tiếp tục với câu hỏi của phóng viên về hướng xử lý số lượng khoáng sản sắp tới sau khi có báo cáo của chính quyền xã Quang Phong như thế nào, ông Bùi Văn Hiền chưa đưa ra nhận định gì thêm chỉ nói rằng vấn đề là xem xét nó có trái phép hay không?!
Trong một diễn biến liên quan, thông tin, hình ảnh mà phóng viên có được, liên tiếp trong các ngày 18, 19, 20/3/2022, nhiều đối tượng lạ mặt tiếp tục đưa 2 chiếc máy xúc và ô tô tải vào các khu vực khe suối, đồi núi thuộc bản Sai, xã Quang Phong để khai thác đá thạch anh trái phép.
Sáng ngày 20/3/2022, theo nguồn tin của người dân báo về cho PV thì hiện 2 tốp máy xúc vẫn tiếp tục khai thác đá thạch anh trái phép tại xã Quang Phong. Theo đó, một tốp khai thác ở bản Sai, tốp còn lại có một máy xúc đang khai thác tan hoang vùng Khe Ton.
"Tôi thấy vết máy xúc, xe tải đi vào trong khe, tôi đi theo tuyến đường thì gặp chiếc máy xúc đang đào bới đá. Còn có chiếc xe tải trọng lớn đang chờ để bốc đá lên xe. Khi tôi định tiếp cận gần hơn để quay video thì họ ngăn lại không cho vào gần" – Anh V.A, người chứng kiến sự việc kể lại.
Phản ánh tình trạng trên qua điện thoại đến ông Dương Hoàng Vũ – Chủ tịch UBND huyện Quế Phong vào ngày 19/3/2022, ông Vũ, nói: "Việc khai thác đá thạch anh trái phép ở xã Quang Phong tôi đã cho anh em kiểm tra xử lý rồi mà. Nếu còn có hiện tượng trên tái diễn thì tôi sẽ cho kiểm tra, xử lý ngay…".
Có thể nói rằng, việc khai thác đá thạch anh trái phép tại xã Quang Phong đã diễn ra trong một thời gian dài, dư luận và báo chí đã phản ánh đến chính quyền và các cơ quan có trách nhiệm. Tuy nhiên, không hiểu vì sao mọi việc vẫn không được giải quyết triệt để đang khiến dư luận tỏ ra hoài nghi, bức xúc.