Giá bất động sản leo thang: Nhiều lo ngại

Bất động sản - Ngày đăng : 09:32, 22/03/2022

(TN&MT) - Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại về khả năng lạm phát tăng cao kéo giá bất động sản (BĐS) leo thang ảnh hưởng lớn đến tính thanh khoản của thị trường.

Xu hướng “giữ tiền” vào đất

Lạm phát đang trở thành mối quan ngại của giới đầu tư toàn cầu. Tại Việt Nam, lạm phát tiếp tục tăng cao hơn trong những tháng đầu năm do các mặt hàng như xăng, dầu, gas, thép,… đều đồng loạt tăng giá, với mức tăng cao và chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều này khiến nhiều người lo sợ về bối cảnh lạm phát và tác động tiêu cực đến giá nhà, đất, cũng như thổi bùng làn sóng đầu cơ tích trữ tài sản.

Theo các chuyên gia, nhìn về dài hạn, lạm phát và giá BĐS di chuyển cùng hướng với nhau. Thậm chí, trong 2 năm dịch Covid-19 hoành hành, giá BĐS không những giảm như những ngành kinh tế khác mà còn leo thang, do đó khi lạm phát tăng cao sẽ càng đẩy giá tài sản lên theo hướng bất lợi cho thị trường. Bởi trong quá khứ, lạm phát cao từng kéo theo lãi suất tăng khiến thị trường BĐS bị đình trệ.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam chia sẻ, khi vật giá leo thang và lạm phát tăng cao, người có tiền lại càng không giữ tiền mà bỏ hết vào tài sản, trong đó, BĐS có thể được chọn là kênh trú ẩn chống trượt giá. Về phía các doanh nghiệp, họ cũng sẽ tính toán đến phần trượt giá này vào giá bán BĐS, đặc biệt là đối với phân khúc nhà ở hình thành trong tương lai. Khi đó, giá BĐS sẽ thiết lập mặt bằng mới. Tuy nhiên, điểm bất lợi nhất là tính thanh khoản sẽ bị chậm lại.

t10.jpeg

Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại về khả năng lạm phát tăng cao kéo giá bất động sản leo thang. Ảnh: Hoàng Minh

“Rủi ro lạm phát sẽ khiến giá BĐS tiếp tục tăng lên, mặt khác sẽ tác động tiêu cực đến thanh khoản của thị trường khiến BĐS đóng băng, nhà đầu tư dễ bị kẹt vốn. Do vậy, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định"- ông Đính nhấn mạnh. Trên thực tế, thị trường BĐS đã ghi nhận những tác động mạnh mẽ từ lạm phát. Vào thời điểm năm 2013 - 2015, do lạm phát tăng buộc các ngân hàng phải kiểm soát dòng tiền bằng cách tăng lãi suất. Thời gian này, lãi tiền gửi huy động dao động 18,5 - 21,5% và lãi vay lên đến 25 - 30%.

Điều này đã khiến nhiều nhà đầu tư BĐS dùng đòn bẩy tài chính ngân hàng gặp khó khi lãi suất tăng quá cao. Trong khi đó, những người có tài sản cũng rút tiền ra khỏi các kênh đầu tư khác để gửi vào ngân hàng nhằm hưởng lãi suất tiền gửi tăng mạnh. Thị trường BĐS ở trạng thái đóng băng và giá nhà đất giảm mạnh. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, lượng nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính không nhiều nên thị trường BĐS ít biến động hơn những năm trước.

Nhiều chính sách hỗ trợ thị trường, doanh nghiệp

Hơn 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội của đất nước. Trong khó khăn, thử thách, cộng đồng doanh nghiệp BĐS đã tạo ra động lực lan tỏa đến những ngành và lĩnh vực đặc biệt quan trọng của nền kinh tế, như: Tài chính - ngân hàng - chứng khoán - công nghiệp và dịch vụ. Các doanh nghiệp đã làm gia tăng chất lượng và chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp - nông thôn; Từng bước tạo lập, đảm bảo, phát triển nhà ở và dịch vụ sống cho người dân, góp phần thay đổi bộ mặt đô thị và hạ tầng xã hội.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đánh giá, một trong những xung lực quan trọng là nền kinh tế phục hồi khá nếu Việt Nam thực hiện tốt: Chương trình phòng chống dịch và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023; Quy hoạch được quan tâm; đầu tư cơ sở hạ tầng được coi là 1 trong 3 đột phá chiến lược; đầu tư công được thúc đẩy; thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở 2021 - 2023.

Năm 2020 và đầu năm 2021 có nhiều cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực BĐS. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Chính phủ cũng ban hành nhiều nghị định liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư kinh doanh BĐS. Cụ thể, nhóm nghị định liên quan hướng dẫn Luật Xây dựng sửa đổi có Nghị định 06, Nghị định 09, Nghị định 10... tháo gỡ nhiều vướng mắc trong quản lý dự án đầu tư xây dựng. Nhóm nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Nhà ở gồm Nghị định 30, Nghị định 69...

“Chưa có giai đoạn nào mà thời gian sửa đổi cơ chế chính sách được nhanh chóng, kịp thời như hiện nay. Môi trường pháp lý từng bước được tháo gỡ, công tác tổ chức triển khai, thực hiện của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý chuyên ngành chuyên nghiệp, hiệu quả sẽ tạo được niềm tin cho doanh nghiệp BĐS”. - ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết.

Thùy Linh