Ông “khùng” nhặt rác
Câu chuyện môi trường - Ngày đăng : 09:31, 22/03/2022
Nhiều người thấy ông có trách nhiệm với môi trường nên thường dí dỏm gọi ông là "Công ty TNHH nhặt rác Nguyễn Thương". Có người vì nể phục, quý mến mà “quá lời” rằng: “Người đâu mà tử tế quá, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, “ông già rác" tử tế thấy “khùng” luôn”. Cái tên “khùng” có lẽ gắn với ông từ đó.
Một ngày của ông bắt đầu từ 6h sáng, khi thành phố còn ngái ngủ thì người đàn ông gầy nhỏ đã lanh lẹn cùng chiếc xe đẩy đi về phía bờ biển Cửa Đại. Vừa đẩy xe, ông vừa thoăn thoắt nhặt từng mảnh rác bên đường. Ông còn vào tận nhà bỏ rác giúp những người già sống một mình hay dọn dẹp trường học mà không nhận một đồng thù lao nào. Vì như ông tâm sự: “Mình làm việc nhỏ mà góp phần làm sạch môi trường thì vui lắm".
Không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, ông Thương còn nhiều lần trăn trở về việc làm sao để có thể thay đổi ý thức của người dân về việc xả rác, từ đó cùng nhau chung tay bảo vệ môi trường lâu dài và hiệu quả hơn. Ông đã biến chiếc xe rác của mình thành công cụ tuyên truyền lưu động bằng việc căng tấm băng rôn có dòng chữ: "Vì tương lai con em chúng ta, hãy chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp"; "Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn", "Hãy bảo vệ môi trường, không sử dụng túi nilon, không vứt túi nilon ra nơi công cộng".
Những thông điệp gắn trên chiếc xe rác và hành động vì môi trường của ông Thương “khùng” trong 6 năm qua là lời kêu gọi, nhắc nhở mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường. Nhiều người đã có ý thức giảm xả rác nơi công cộng; nhiều gia đình đã thực hiện bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; nhiều gia đình đã thực hiện phân loại rác trước khi thải ra môi trường.
Tuy gia cảnh khó khăn, bản thân ông sức khỏe giảm sút nên phải thường xuyên sử dụng thuốc men và phải mang máy trợ thính, tuy nhiên, khi UBND phường đề nghị hỗ trợ một phần tiền công thu gom hoặc một số gia đình được ông thường xuyên giúp đỡ đã đưa ra lời đề nghị gửi chút tiền bồi dưỡng nhưng ông Thương thẳng thắn từ chối. Ông đúng là người "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng". “Khùng” được như ông, xã hội ai chẳng mong muốn càng có nhiều những người “khùng”, để góp sức cho phố cổ Hội An ngày càng sạch đẹp, văn minh.