“Nhà” cho nước

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 09:29, 22/03/2022

(TN&MT) - Mới đây, sự việc san lấp 2 hồ tự nhiên Xuân Quế và Sơn Thủy (hồ Bà Đồ) ở quận Long Biên đã khiến Thanh tra Chính phủ phải vào cuộc và có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội.

Khoan bàn đến chuyện đúng sai, chỉ riêng việc triển khai dự án dẫn đến lấp hồ ao đã gây tác động mạnh mẽ đến người dân, đồng thời đi ngược lại chủ trương của Thành ủy Hà Nội về công tác quản lý đô thị, trong đó lưu ý "kịp thời ngăn chặn, xử lý tình trạng lấn chiếm, san lấp ao hồ trên địa bàn" và công văn của Bộ TN&MT tháng 6/2021 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc quản lý hồ, ao, đầm, phá...

Sự việc càng chồng mờ hơn khi những người liên quan giải thích rằng, sẽ lấp hồ làm dự án rồi đào hồ điều hòa khác trả lại cho khu dân cư. Việc lấp đi những con hồ hình thành từ bao đời nay để thay bằng một con hồ “trẻ” liệu có thay thế được chức năng điều hòa sinh thái? Chưa kể, lấp thì rất nhanh nhưng “sẽ đào lại” là tới bao giờ và có hay không?

Trong khi ở vùng còn “dư dả” nước, người ta đang “loay hoay” san lấp không riêng gì hồ Bà Đồ, thì tại vùng hạn mặn như Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều địa phương đang bàn phương kế “xây nhà” trữ nước bằng việc khôi phục giếng làng, hệ thống hồ, ao, kênh mương, thậm chí là xây những hồ chứa nước “khủng” cho tương lai.

tru-nuoc.jpg
Ảnh minh họa

Ngay lúc này đây, việc mỗi tháng 10 ngày, Công ty CP Cấp thoát nước Bến Tre bơm bổ sung miễn phí khoảng hơn 60.000 khối nước ngọt được chở từ thượng nguồn sông Tiền về để cung cấp cho khoảng 17.000 hộ dân ở huyện Giồng Trôm khiến người ta đặt câu hỏi, nếu không có những “ngôi nhà” chứa nước ngọt sẽ lấy đâu ra nước cung cấp cho dân? Và sẽ ra sao vào mùa khô hạn và xâm nhập mặn này?

Khi người ta đặt mình vào vòng vật lộn quay cuồng xoay trở đủ cách trong hạn, mặn khốc liệt mùa khô như các tỉnh ĐBSCL, người ta sẽ phải nghĩ đến những giải pháp cứu cánh. Và giải pháp xây những “ngôi nhà” là hồ, ao cùng hệ thống kênh mương để trữ nước đang được nhiều địa phương ráo riết thực hiện.

Còn nhớ, cách đây khoảng 3 năm, phát biểu của một nữ đại biểu Quốc hội đã châm ngòi dư luận khi bà đề nghị mỗi gia đình nên trang bị một chiếc lu trữ nước mưa, chống ngập. Người ta cười cợt ý tưởng này, nhưng cũng không ít người nhìn xa trông rộng cho rằng, thay vì sử dụng lu trữ nước mưa, mỗi khu chung cư, gia đình, địa phương nên nghĩ tới việc có dụng cụ trữ nước phù hợp để lưu trữ nước ngọt và nước mưa, tránh lãng phí tài nguyên từ trời và giảm tải cho khai thác nước ngầm, đặc biệt ở những vùng hạn mặn.

Và trong khi cuộc chạy đua với hạn mặn ở một số địa phương đang khốc liệt thì nhiều nơi, người ta vẫn cố tình xâm chiếm, san lấp ao hồ. Khi những “ngôi nhà” chứa nước không còn, một khối lượng nước ngọt sẽ thấm vào đất, hòa vào các lòng sông, hệ thống xả thải và “chết” cùng ô nhiễm. Ngập úng vào mùa mưa chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”, phần không nổi là chúng ta đang đổ đi một lượng tài nguyên nước mặt lẽ ra có được để bù lấp cho nhu cầu khai thác sử dụng nước ngầm ngày càng khan hiếm.

Ngày Nước thế giới năm nay được Liên Hợp Quốc phát động với chủ đề “Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình”, nhấn mạnh vai trò quan trọng của nước ngầm trong hệ thống nước và điều kiện vệ sinh, hoạt động nông nghiệp, công nghiệp, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu; hướng đến kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng cần có những hành động khai thác, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước ngầm; thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng. Trong đó, một trong các giải pháp đề ra là tăng cường khả năng trữ nước ngọt, giảm dần việc khai thác nước dưới đất; nghiên cứu áp dụng các giải pháp lưu giữ nước mưa ở các khu đô thị, dân cư tập trung nhằm giảm bớt tình trạng ngập úng, đồng thời bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất.

Để sự “vô hình” trở thành “hữu hình”, nên chăng, nước phải được con người quản lý chặt chẽ hơn trong một khuôn khổ quy hoạch, khôn khổ ý thức, khuôn khổ pháp luật và khuôn khổ vóc dáng hình hài thông qua những “ngôi nhà” giữ nước. Hơn thế, nước phải được quản lý trong cầm nắm định lượng về lợi ích trước mắt và bền vững, dài lâu. Xây và giữ cho nước những “ngôi nhà”, nhẽ là như vậy.

Việt Hải