Các chai nhựa tái chế làm rò rỉ nhiều hóa chất hơn vào đồ uống

Thế giới - Ngày đăng : 18:19, 20/03/2022

Các nhà nghiên cứu đã cảnh báo rằng một loại chai nhựa tái chế được sử dụng rộng rãi sẽ truyền nhiều hóa chất có hại vào bên trong hơn các loại chai mới được sản xuất.
5669.jpg
PET là loại nhựa được sử dụng rộng rãi thứ 3 trong bao bì thực phẩm. Ảnh: imageBROKER / Alamy

Nghiên cứu trên được đăng trên Tạp chí Vật liệu Nguy hiểm. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Brunel London (Anh) đã phát hiện 150 chất hóa học ngấm vào đồ uống từ chai nhựa, với 18 chất hóa học trong số đó ở mức vượt quá quy định.
Ngoài ra, họ phát hiện, đồ uống được đóng chai sử dụng nhựa dẻo Polyethylene Terephthalate (PET) tái chế có thể chứa nồng độ hóa chất cao hơn so với những đồ uống đóng chai sử dụng PET mới. Điều này cho thấy rằng các vấn đề trong quá trình tái chế có thể gây ra ô nhiễm.
Các nhà nghiên cứu đang kêu gọi các phương pháp tái chế cẩn thận hơn để loại bỏ các hóa chất có thể gây hại.
Nhựa nhiệt dẻo PET là loại nhựa được sử dụng rộng rãi thứ 3 trong bao bì thực phẩm, với một trong những ứng dụng phổ biến nhất của nó được dùng trong các chai đựng đồ uống sử dụng một lần. Những chai như vậy cũng là một trong những dạng rác thải nhựa phổ biến nhất, dẫn đến một số sáng kiến nhằm tăng mức độ tái chế PET. Một chỉ thị gần đây của EU đã kêu gọi chai PET phải chứa ít nhất 30% hàm lượng tái chế vào năm 2030.
Tuy vậy, PET cũng được biết đến là nguồn cung cấp một số chất ô nhiễm hóa học tiềm ẩn, bao gồm các chất gây rối loạn nội tiết như Bisphenol A, có thể gây rối loạn sinh sản, các vấn đề tim mạch và ung thư và các tác động xấu khác.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét 91 nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới về ô nhiễm hóa chất từ chai nhựa. Tiến sĩ Eleni Iacovidou, giảng viên từ trung tâm nghiên cứu ô nhiễm và chính sách của Đại học Brunel London, người đứng đầu nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi phát hiện ra những hóa chất này có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, chẳng hạn như chất xúc tác và chất phụ gia được sử dụng trong quá trình sản xuất và phân hủy trong quá trình sản xuất PET và sự phân hủy có thể xảy ra trong suốt vòng đời của chai”.
Trong các chai PET tái chế, nhiều chất gây ô nhiễm được tìm thấy đã phát sinh do ô nhiễm nguyên liệu, bao gồm cả nhãn. Các nhà nghiên cứu cho biết: “Bằng chứng này cho thấy các sản phẩm có thể tái chế cao, chẳng hạn như chai đồ uống PET, có thể không được tái chế theo vòng kín khi được thiết kế kém, do đó, cần áp dụng nhiều hơn các nguyên tắc thiết kế để tái chế và cải tiến đối với cấp độ cơ sở hạ tầng quản lý chất thải”.
Đặc biệt, để giảm số lượng hóa chất được tìm thấy trong đồ uống đóng chai, nghiên cứu cho rằng có thể sử dụng công nghệ được gọi là quy trình “siêu làm sạch”, sử dụng quy trình 3 giai đoạn để làm sạch nhựa cũ trước khi tái chế gồm: làm sạch ở nhiệt độ cao, làm sạch khí và làm sạch hóa chất.

Tiến sỹ Iacovidou cho biết: “Quy trình tái chế đã bao gồm việc làm sạch các chai trước khi biến chúng thành nguyên liệu thô thứ cấp để sử dụng. Bằng cách đầu tư vào các công nghệ siêu làm sạch mới, chúng ta có thể tối đa hóa khả năng khử nhiễm PET tái chế đến mức tương tự như PET nguyên sinh”.
Và giải pháp cuối cùng cho vấn đề này là xã hội bắt đầu chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng PET. “Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm phải gánh chịu. Chúng ta cần bắt đầu suy nghĩ về cách ngăn chặn việc sử dụng chai PET trong các hộ gia đình bằng cách đầu tư vào các bộ lọc nước hoặc các thùng chứa nước lớn và học cách xử lý rác thải nhựa đúng cách”, bà Iacovidou nhấn mạnh.

Mai Đan