Xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu TN&MT kết nối liên thông với các hệ thống thông tin
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 08:40, 19/03/2022
Tham dự cuộc họp có lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel cùng lãnh đạo các đơn vị chuyên môn Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Ngành tài nguyên và môi trường thực hiện quản lý nhà nước 9 lĩnh vực: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo và viễn thám. Ngành có phạm vi ảnh hưởng quan trọng trong phát triển kinh tế, ổn định xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước. Nhìn từ góc độ công nghệ thông tin, hoạt động chính của ngành là tạo lập ra thông tin, số liệu và đưa ra các quyết định, chính sách dựa trên việc xử lý, phân tích, tổng hợp thông tin, dữ liệu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định dữ liệu đóng vai trò quan trọng, là tài sản, tài nguyên, điều kiện tiên quyết cho chuyển đổi số. Do đó việc phát triển hạ tầng dữ liệu là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên thực hiện.
Hiện nay, hầu hết các địa phương đã và đang xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường nhưng chưa đồng bộ, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành chưa có sự kết nối với nhau, hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường chưa được kết nối liên thông giữa Trung ương và địa phương, giữa các địa phương với nhau nên việc khai thác sử dụng dữ liệu gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết những khó khăn này rất cần các chuyên gia, cơ quan chuyên môn như Bộ Công an, Bộ Thông tin truyền thông, Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel… chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ trong việc truyền dữ liệu, sử dụng hạ tầng phần cứng, phần mềm phải đảm bảo tính thống nhất, toàn diện từ trung ương đến địa phương.
Theo báo cáo của Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu Tài nguyên Môi trường: Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm vụ “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương trong giai đoạn 2019 - 2020, tiếp tục phát triển, hoàn thiện trong giai đoạn 2021 – 2025”. Cùng với đó, Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW cũng giao cho Bộ thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến phát triển dữ liệu như: Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho việc triển khai các mô hình mới về kiểm soát ô nhiễm môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, các chỉ tiêu cụ thể cho đánh giá công nghệ xử lý chất thải; xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức triển khai thực hiện để thu thập, tạo lập, quản lý toàn diện nguồn tài nguyên số về tài nguyên và môi trường, phục vụ cho mục tiêu quản lý “không gian phát triển” của đất nước. Tạo lập hành lang pháp lý để phát triển dịch vụ nội dung số về tài nguyên và môi trường... Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tạo lập, cập nhật, xử lý, cung cấp sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên số về tài nguyên và môi trường quốc gia, lĩnh vực phục vụ quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước. Vì vậy, trong giai đoạn này việc triển khai thực hiện dự án “Xây dựng, hoàn thiện Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường” là cần thiết và phù hợp với các nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, tại Quyết định số 2178/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án Hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương đã đặt ra các mục tiêu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành địa phương. Cụ thể, “Đến năm 2023 cơ bản hoàn thiện nền tảng quản trị, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ và khai thác sử dụng dữ liệu tài nguyên và môi trường.
Triển khai, vận hành, kết nối và chia sẻ các cơ sở dữ liệu quốc gia mang tính nền tảng, nhu cầu khai thác sử dụng lớn, bao gồm: nền địa lý quốc gia, đất đai quốc gia; quan trắc quốc gia về tài nguyên và môi trường, kết quả giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan.
30% cơ sở dữ liệu chuyên ngành tài nguyên và môi trường được hoàn thiện; kết nối, chia sẻ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an ninh - quốc phòng; cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp; góp phần phát triển Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh...
Đến năm 2025, hoàn thiện nền tảng quản trị, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ và khai thác sử dụng dữ liệu tài nguyên và môi trường, cung cấp được các sản phẩm tri thức cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân thông qua các kênh thông tin hiện đại, trực tuyến.
100% cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên và môi trường tạo nền tảng Chính phủ điện tử được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc; 80% cơ sở dữ liệu chuyên ngành tài nguyên và môi trường được hoàn thiện, đảm bảo an toàn, an ninh; phục vụ cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp; góp phần phát triển Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng.”
Trong Chương trình chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 Bộ TNMT cũng đã xác định mục tiêu đến năm 2025, 80% cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng; trong đó cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia; cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia; sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, vận hành Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh.
50% công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và chuyên môn của ngành hoàn toàn dựa trên phân tích, xử lý dữ liệu sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI); trong đó đến 80% công tác giám sát, dự báo, cảnh báo về tài nguyên và môi trường dựa trên phân tích, xử lý dữ liệu lớn theo thời gian thực, hỗ trợ ra quyết định chính xác, kịp thời, đúng quy định...
Nội dung xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường trên nền tảng công nghệ hiện đại, kết nối, chia sẻ được thực hiện trong dự án hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số của Bộ và tạo lập nền tảng dữ liệu số phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Bộ.
Tại cuộc họp, sau khi tham vấn các ý kiến từ các chuyên gia, bổ sung yêu cầu từ các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà giao Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu Tài nguyên Môi trường làm đầu mối triển khai dự án “Xây dựng, hoàn thiện Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường”. Từ dự án này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn hoàn thiện hạ tầng dữ liệu số về tài nguyên và môi trường với giải pháp công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, cung cấp đầy đủ dữ liệu đầu vào cơ bản, cần thiết phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thay đổi phương thức làm việc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ; cung cấp dịch vụ công chất lượng cao, nhanh chóng về tài nguyên và môi trường; phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh.