Dự án Cụm công nghiệp Thanh Đa, Phúc Thọ, Hà Nội: Dấu hiệu huy động vốn trái luật

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 19:10, 17/03/2022

Dù mới có quyết định thành lập Cụm công nghiệp Thanh Đa, chưa có quyết định giao đất, chưa san lấp mặt bằng nhưng chủ đầu tư, Công ty CP phát triển du lịch Long Biên đã huy động vốn từ các nhà đầu tư thứ phát, thách thức các quy định của pháp luật về việc huy động vốn.

Như Báo Tài nguyên và Môi trường đã có bài viết “Phúc Thọ - Hà Nội: Cụm công nghiệp Thanh Đa chưa có quyết định giao đất đã huy động vốn?”. Cụ thể, theo đơn thư kêu cứu của ông Nguyễn Duy Biên Thùy và ông Nguyễn Văn Sáng, phản ánh về việc UBND huyện Phúc Thọ thông báo đất và dự án của ông Thùy, ông Sáng sẽ được thu hồi để giao cho Công ty CP phát triển dịch vụ Long Biên xây dựng Cụm công nghiệp Thanh Đa.

275451934_1468476380220709_6722971612983832270_n.jpg
Hợp đồng hợp tác đầu tư bất động sản công nghiệp của Công ty Long Biên và nhà đâu tư

Được biết, Cụm công nghiệp Thanh Đa được UBND TP. Hà Nội thành lập theo Quyết định số 2743/QĐ-UBND ngày 26/6/2020 do ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ký nêu rõ “Cụm công nghiệp Thanh Đa, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội có quy mô: khoảng 8,3ha. Tổng mức vốn đầu tư khoảng 227,5 tỷ đồng. 

275462235_3168866546725833_5537544933779399320_n.jpg
 Diện tích đất tại dự án nông nghiệp của ông Sáng và ông Thùy bị thu hồi để xây dựng Cụm công nghiệp Thanh Đa

Liên quan đến vụ việc, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc làm việc với ông Đoàn Văn Quyền, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phúc Thọ. Ông Quyền cho biết, ngày 6/8/2021 UBND huyện Phúc Thọ ban hành Quyết định số 2221/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng Cụm công nghiệp Thanh Đa và ban hành Thông báo thu hồi đất và tổ chức triển khai kiểm đếm giải phóng mặt bằng. Trong đó, có 74 hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất, đã có 71 hộ gia đình, cá nhân phối hợp kiểm đếm và nhận tiền bồi thường. Còn gia đình Ông Thùy, Ông Sáng không phối hợp để tổ công tác kiểm đếm giải phóng mặt bằng. UBND huyện Phúc Thọ đã chỉ đạo Trung tâm Quỹ đất, Mặt trận Tổ quốc, UBND xã Thanh Đa làm các thủ tục kiểm đếm bắt buộc và cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc đối với 2 hộ. Hiện nay, Trung tâm Quỹ đất xã Thanh Đa đang tiến hành lập phương án bồi thường, hỗ trợ đối với 2 hộ ông Nguyễn Duy Biên Thùy và ông Nguyễn Văn Sáng.

Về việc huy động vốn của chủ đầu tư Cụm công nghiệp Thanh Đa, ông Quyền cho hay, ngày 29/10/2021 UBND huyện Phúc Thọ đã có Văn bản 1762/UBND-QLĐT gửi các dự án Cụm công nghiệp trên địa bàn huyện, chỉ đạo tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các Cụm công nghiệp, trong đó đã yêu cầu các chủ đầu tư không tổ chức kinh doanh, huy động vốn khi chưa đảm bảo các điều kiện về kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, khi phóng viên đưa ra các hợp đồng huy động vốn của chủ đầu tư Cụm công nghiệp Thanh Đa thì ông Quyền không trả lời được và cũng không cung cấp các hồ sơ liên quan đến dự án này.

275539163_1145729535965966_8512324238894042618_n.jpg
 Luật sư Lâm Văn Quang - Giám đốc Công ty luật hợp danh Dân Chính - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội

Trao đổi với phóng viên về vụ việc trên, Luật sư Lâm Văn Quang - Giám đốc Công ty luật hợp danh Dân Chính - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Căn cứ vào Quyết định số 1292/QĐ-UBND ngày 14/03/2018 về việc phê duyệt cụm công nghiệp của UBND thành phố Hà Nội và Công văn thỏa thuận quy hoạch phát triển số 11175/BCT-CTĐP ngày 27/11/2017 của Bộ Công Thương thì Cụm công nghiệp Thanh Đa huyện Phúc Thọ được quy hoạch là: Cụm công nghiệp làng nghề.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Nghị định 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính Phủ quy định: Cụm công nghiệp làng nghề có quy mô diện tích không vượt quá 75ha và không dưới 5ha; Cụm công nghiệp là nơi sản xuất có quy mô diện tích không vượt quá 75ha và không dưới 10ha.

Do vậy, Quyết định 2743/QĐ-UBND ngày 26/6/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc thành lập Cụm công nghiệp Thanh Đa, huyện Phúc Thọ Nội có quy mô 8,3ha, bao gồm cả công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường là trái với quy hoạch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Cụm công nghiệp làng nghề Thanh Đa, huyện Phúc Thọ vi phạm quy mô tối thiểu 10ha được quy định tại Nghị định 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính Phủ.

Vẫn theo Luật sư Lâm Văn Quang, Điều 3 Quyết định số 2743/QĐ-UBND ngày 26/6/2020 của UBND thành phố Hà Nội “Nghiêm cấm việc công ty huy động vốn trái quy định của pháp luật”. Điều 49 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định rõ về các điều kiện chuyển nhượng một phần dự án bất động sản quy định: “Dự án đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đã có quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc quy hoạch tổng mặt bằng được phê duyệt,… phần dự án chuyển nhượng đã hoàn thành xong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng… Chủ đầu tư chuyển nhượng đã có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng”. Đối chiếu với các quy định nêu trên, việc Công ty CP phát triển du lịch Long Biên chưa được giao đất thực hiện dự án; dự án chưa được giải phóng mặt bằng đã ký hợp đồng góp vốn thu tiền các hộ gia đình đổi lại các hộ góp vốn sẽ được mua dất như nêu trên là dấu hiệu huy động vốn trái pháp luật và trái với quyết định thành lập cụm công nghiệp của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...

Quán Dũng - Bảo Hà