Bảo vệ môi trường ở Lào Cai: Phát huy vai trò của cộng đồng
Môi trường - Ngày đăng : 10:24, 17/03/2022
Những năm gần đây, bộ mặt nông thôn của Lào Cai ngày càng khởi sắc, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng lên, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị được thu hẹp, vấn đề BVMT nông thôn đã có nhiều chuyển biến rõ nét.
Nhận thức của người dân, đặc biệt là nông dân về BVMT đã được nâng lên đáng kể. Các tổ chức và người dân đã tích cực tham gia các hoạt động BVMT tại địa phương, tự giác thực hiện các phần việc liên quan đến hộ gia đình, chất lượng môi trường sống nông thôn ngày càng được cải thiện.
Trong 10 năm qua, công tác bảo vệ môi trường tỉnh Lào Cai đã có bước chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và hành động từ cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể tới cán bộ và toàn thể nhân dân. Nếu trước năm 2010, công tác này còn nhiều nơi trong tỉnh Lào Cai xem nhẹ thì từ năm 2010, với tư tưởng chỉ đạo coi BVMT là yếu tố quyết định phát triển kinh tế - xã hội bền vững, công tác BVMT tỉnh Lào Cai đã được triển khai sâu rộng cùng với xây dựng Đô thị hiện đại và Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tạo đà tăng trưởng kinh tế ổn định cho địa phương.
Các chỉ tiêu về BVMT được cải thiện như: tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý tăng từ 75% lên 95%; tại các xã cơ bản đều được quy hoạch nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải, đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh môi trường; dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng từ 60,7% lên 93%; hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh tăng từ 33,5% lên 74%; tổng lượng chất thải rắn y tế nguy hại được thu gom, xử lý triệt để tăng từ 35% lên 100%...
Nhiều mô hình hay được triển khai như: mô hình câu lạc bộ “Nhà sạch, vườn đẹp” của Hội Phụ nữ nhằm nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ trong cải tạo phong tục tập quán, vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp. Đến nay, toàn tỉnh Lào Cai đã có 703 mô hình câu lạc bộ “Nhà sạch, vườn đẹp”; các cấp Hội duy trì 14 mô hình “Tổ Phụ nữ phân loại rác thải tại nguồn”; năm 2020 thành lập mới 2 mô hình “Tổ Phụ nữ thu gom, phân loại, xử lý rác thải nhựa” tại phường Pom Hán và Bắc Cường (thành phố Lào Cai) và 7 mô hình “Tổ Phụ nữ tự quản tuyến phố không rác thải” tại phường Phan Si Păng và phường Sa Pa (thị xã Sa Pa).
Tỉnh Đoàn Lào Cai cũng là một trong những tổ chức tích cực trong công tác BVMT với nhiều mô hình hay như mô hình “Đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp”; mô hình “Thắp sáng đường quê” tại các địa bàn các huyện Si Ma Cai, Sa Pa, Bắc Hà, Mường Khương; Mô hình câu lạc bộ Thanh niên bảo vệ môi trường (Câu lạc bộ Sa Pa Xanh, Câu lạc bộ Sa Pa Ngày mới…); đội hình tình nguyện thu gom rác thải Xã Tả Van Chư - huyện Bắc Hà...
Mô hình BVMT tại địa phương có ý nghĩa rất thiết thực, nhất là đối với địa bàn nông thôn, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác BVMT, giữ đường làng ngõ xóm luôn sạch sẽ và thông thoáng. Việc áp dụng các mô hình BVMT với sự tham gia của cộng đồng được xem là hướng tiếp cận quan trọng, lâu dài và bền vững.
Ông Lưu Đức Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Lào Cai cho biết: BVMT là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, góp phần đảm bảo cho phát triển kinh tế bền vững. Vì vậy, đòi hỏi cần phải thực hiện kiên trì, lâu dài, phải tổ chức thực hiện nghiêm túc với quyết tâm cao, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng chung tay, góp sức.
Những năm qua cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành tỉnh Lào Cai đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, cụ thể hóa và quyết liệt thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về BVMT. Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp, ngành, sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và ý thức trách nhiệm, sự cộng tác tích cực, thường xuyên, liên tục từ phía các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và cộng đồng dân cư, giai đoạn 2010 - 2020, công tác BVMT của tỉnh Lào Cai đã có bước chuyển biến mạnh mẽ và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Nhận thức và trách nhiệm về công tác BVMT của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân được nâng lên. Ý thức, hành động của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được cải thiện, có trách nhiệm với cộng đồng. Người dân đã dần hình thành thói quen, cách thức làm ăn, sinh sống theo hướng thân thiện hơn với môi trường; đồng thời cũng tích cực hơn trong việc tham gia BVMT. Đặc biệt, cộng đồng dân cư đã phát huy tốt vai trò giám sát việc thực hiện các quy định của nhà nước trong lĩnh BVMT.