Cống hiến vì sự phát triển ngành KTTV và BĐKH

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:23, 17/03/2022

(TN&MT) -Hội Khí tượng Thủy văn (KTTV) được biết đến là tổ chức quy tụ các chuyên gia có hàng chục năm kinh nghiệm và uy tín cao. Tâm huyết và kỳ vọng ngành KTTV nước nhà tiếp tục phát triển vững mạnh, các thành viên Hội đã và đang có nhiều đóng góp để “truyền lửa” cho các thế hệ sau. Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn GS.TS Trần Thục - Chủ tịch Hội KTTV, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn quốc gia về Biến đổi khí hậu (BĐKH) để hiểu rõ hơn vấn đề này.

PV: Những năm qua, ngành KTTV đã và đang có những bước tiến đáng kể để nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo. Xin Giáo sư cho biết những đóng góp của Hội KTTV trong tiến trình này từ khi thành lập Hội đến nay?

GS.TS Trần Thục: Có thể thấy, ngành KTTV Việt Nam trong những năm qua đã và đang có sự phát triển mạnh mẽ với những bước tiến đáng kể.

Hệ thống chính sách, pháp luật về KTTV được tăng cường: Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm mục tiêu thúc đẩy, nâng cao chất lượng hoạt động KTTV. Hệ thống chính sách, pháp luật về KTTV từng bước được tăng cường, đặc biệt là từ năm 2015, sau khi Quốc hội thông qua Luật KTTV đến nay. Tính đến thời điểm hiện tại, có 59 văn bản quy phạm pháp luật có phạm vi điều chỉnh liên quan trực tiếp tới công tác KTTV.  

gs-tran-thuc.jpg
GS.TS Trần Thục - Chủ tịch Hội KTTV, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn quốc gia về Biến đổi khí hậu

Triển khai các công tác quản lý Nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ về KTTV đạt nhiều thành tựu quan trọng: Thông tin, dữ liệu KTTV đã trở thành nền tảng không thể thiếu cho việc hoạch định, thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tổ chức bộ máy bước đầu được kiện toàn, quản lý Nhà nước bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả; chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng cao; sản phẩm, dịch vụ đã dần đáp ứng yêu cầu cơ bản của xã hội, từng bước theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; khoa học công nghệ được tăng cường; hợp tác quốc tế được mở rộng, dần đi vào chiều sâu, thực chất, góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Hệ thống mạng lưới trạm KTTV quốc gia đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư mở rộng và hiện đại hóa đảm bảo quan trắc, giám sát KTTV. Thông tin dự báo KTTV ngày càng chi tiết, đa dạng và kịp thời. Độ tin cậy của bản tin dự báo, cảnh báo KTTV ngày càng được nâng cao, dự báo bão, lũ đã dần tiệm cận với trình độ các nước tiên tiến trong khu vực, dự báo một số loại hình thiên tai có độ tin cậy tới 70 - 90%. Tổ chức Khí tượng thế giới đã chọn Tổng cục KTTV Việt Nam là Trung tâm dự báo hỗ trợ về các loại hình thời tiết nguy hiểm và Trung tâm hỗ trợ cảnh báo lũ quét cho khu vực ASEAN.

Trong những thành tựu và bước phát triển mạnh mẽ đó, có sự đóng góp của Hội KTTV, đặc biệt là các hội viên, đã và đang ngày đêm tâm huyết với ngành, với nghề KTTV - một ngành có sự cống hiến và đóng góp nền tảng quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Hội KTTV Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 438-QĐ-BNV ngày 20/5/2018 của Bộ Nội vụ. Là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công dân, tổ chức Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực KTTV, liên quan đến KTTV; tự nguyện tham gia hoạt động không vụ lợi nhằm tập hợp đoàn kết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau, góp phần phát triển lĩnh vực KTTV phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Hội viên của chúng tôi dù còn đang làm việc hay đã nghỉ hưu cũng đều rất trăn trở với sự phát triển của Ngành và Nghề. Hội đã tích cực tham gia vào quá trình việc xây dựng, đề xuất các chủ trương của Đảng như Chỉ thị số 10 ngày 25/9/2021 của Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KTTV, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tham gia xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ môi trường 2020; tham vấn phản biện xây dựng Chiến lược phát triển ngành KTTV Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tham gia xây dựng, góp ý, phản biện các nghị định, thông tư; thẩm định các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định chuyên môn khác… Các chuyên gia của Hội đã tham gia chuyên sâu vào các hoạt động nghiệp vụ chuyên ngành KTTV và BĐKH như các hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV, hoạt động quan trắc, phát triển hiện đại hóa mạng lưới KTTV; quảng bá, giới thiệu khoa học công nghệ và dịch vụ KTTV phục vụ cộng đồng xã hội… góp phần nâng tầm vai trò của công tác KTTV.

PV: Trong số những công trình nghiên cứu hay dự án mà Hội tham gia cũng như tư vấn thực hiện, Giáo sư cảm thấy tâm đắc nhất với công trình nào?

GS.TS Trần Thục: Một trong các nhiệm vụ đó là tham gia tư vấn thực hiện lập Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia là Quy hoạch ngành quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch. Lập Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia được thực hiện theo các quy định của Luật Quy hoạch và Luật KTTV.

t7a.jpg

Thúc đẩy hoạt động KTTV phát triển, phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH.

Với tốc độ phát triển nhanh của KT - XH nước ta hiện nay, nhu cầu thông tin về KTTV đòi hỏi ngày càng tăng, không chỉ xuất phát từ cộng đồng, từ yêu cầu của công tác phòng chống thiên tai, mà còn xuất phát từ yêu cầu của nhiều ngành kinh tế, xã hội như nông nghiệp, giao thông vận tải, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch... Điều này đòi hỏi mạng lưới quan trắc KTTV quốc gia cần phải có những thay đổi mang tính chất đột phá cả về số lượng và chất lượng.

Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở để hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quan trắc nhằm thúc đẩy hoạt động KTTV phát triển, phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH, góp phần phát triển bền vững KT - XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Đồng thời, Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia cũng là cơ sở quan trọng để các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển mạng lưới KTTV chuyên dùng của Bộ, ngành, địa phương trong những giai đoạn tới.

PV: Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đồng hành với ngành như thế nào, thưa Giáo sư?

GS.TS Trần Thục: Trong thời gian tới, Hội KTTV sẽ tiếp tục đóng góp cho các công tác của Bộ TN&MT, của Tổng cục KTTV, Cục BĐKH và các đơn vị thuộc Bộ TN&MT.

Với tốc độ phát triển nhanh của KT - XH nước ta hiện nay, nhu cầu thông tin về KTTV đòi hỏi ngày càng tăng, không chỉ xuất phát từ cộng đồng, từ yêu cầu của công tác phòng chống thiên tai, mà còn xuất phát từ yêu cầu của nhiều ngành kinh tế, xã hội như nông nghiệp, giao thông vận tải, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch... Điều này đòi hỏi mạng lưới quan trắc KTTV quốc gia cần phải có những thay đổi mang tính chất đột phá cả về số lượng và chất lượng.

Phối hợp với Tổng cục KTTV trong thực hiện các nhiệm vụ về: Triển khai thực hiện Chỉ thị số 10 ngày 25/9/2021 của Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KTTV; Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành KTTV Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xây dựng, trình duyệt và triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về KTTV.

Phối hợp với Cục BĐKH trong xây dựng Chiến lược quốc gia về BĐKH và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược; Cập nhật Đóng góp do quốc gia tự thực hiện (NDC) và các hoạt động khác…

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Khánh Ly (thực hiện)