Giá nhà đất tăng cao: Người mua để ở thực gặp khó
Bất động sản - Ngày đăng : 10:21, 17/03/2022
Giá bán liên tục biến động
Theo Công ty Cổ phần DKRA Việt Nam (DKRA), trong 2 tháng đầu năm 2022, tại TP. HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, phân khúc biệt thự/nhà phố có 7 dự án cung cấp ra thị trường 375 căn, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ hấp thụ đạt 74%. Lượng tiêu thụ tập trung chủ yếu ở những dự án được phát triển bởi các chủ đầu tư lớn, có uy tín, thương hiệu trên thị trường. Đặc biệt, nhiều chính sách ưu đãi, chiết khấu, hỗ trợ lãi suất tiếp tục được các chủ đầu tư áp dụng nhằm kích cầu người mua phân khúc này.
Cũng theo DKRA, về phân khúc căn hộ, nguồn cung của TP.HCM và các tỉnh giáp ranh cung cấp ra thị trường khoảng 1.175 căn, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái với tỷ lệ tiêu thụ đạt 72%. Nguồn cung mới tiếp tục tập trung tại Bình Dương và TP.HCM, trong đó TP.HCM dẫn đầu khi chiếm 58% tổng nguồn cung và 57% lượng tiêu thụ mới. Mặt bằng giá bán sơ cấp ở hầu hết các dự án được nâng lên, cá biệt một số dự án có mức tăng 5 - 8% so với giai đoạn mở bán trước đó (năm 2020 - 2021).
Theo các chuyên gia, hiện nay, một số vấn đề liên quan đến thị trường bất động sản (BĐS) cần phải xem xét để thị trường phát triển lành mạnh, bởi giá bán nhà đất liên tục tăng, đặc biệt tại khu vực đô thị tăng quá cao so với thu nhập chung của người dân cũng như tốc độ phát triển của kinh tế. Một vấn đề nữa là việc các nhà đầu tư đã bỏ giá các lô đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. HCM) tại phiên đấu giá với giá quá cao, tính ra 1 căn hộ có giá 68 - 78 tỷ đồng. Vì vậy, cần có sự bình ổn thị trường.
Nhu cầu mua để ở thực gặp khó
Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, giá BĐS liên tục tăng cao trong bối cảnh nhiều người đang chịu ảnh hưởng tài chính bởi dịch Covid-19 là rào cản lớn nhất khiến nhiều người mua tiềm năng phải gác lại ý định mua nhà, cũng như sở hữu thêm các BĐS khác, dù có nhu cầu và kế hoạch từ trước đó. Hiện nay, giá bán nguy cơ vượt xa tầm thu nhập của người mua. Bất cập giá bán dẫn đến một tỷ lệ lớn người mua nhà tại Việt Nam cho rằng, người lao động thu nhập trung bình khó mua được nhà trong giai đoạn hiện nay ở các thành phố lớn.
“Trong năm 2022, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đồng bộ các cơ chế chính sách về nhà ở để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, phát triển mạnh mẽ về nhà ở có giá phù hợp với thu nhập của đại đa số người dân và cân bằng thị trường BĐS, đáp ứng được nhu cầu nhà ở thực để đảm bảo chốn an cư cho người dân”.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, hiện nay, mâu thuẫn lớn nhất của thị trường BĐS là tình trạng lệch pha cung - cầu do thị trường đang rất thiếu hụt nguồn cung nhà ở có giá phù hợp với thu nhập và nhà ở xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu tạo lập nhà ở, thuê nhà ở rất lớn của đa số người dân, nhưng lại có dấu hiệu dư thừa nguồn cung nhà ở cao cấp, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng.
“Để đưa giá nhà đất về đúng giá trị thực, hợp lý, thị trường BĐS cần có kênh thông tin chính thống để cho người dân biết được vùng nào giao dịch được thì lúc đó cung mới gặp cầu. Hiện nay, đa phần các thông tin đều là tin đồn hoặc thông tin từ môi giới BĐS thì rất khó thực hiện được giao dịch bởi giá nhà đất liên tục bị đẩy lên ở mức cao”.
Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán
Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán nhận định, khi có thông tin lạm phát, người dân tìm kênh trú ẩn tài sản, trong đó BĐS luôn được chọn đầu tiên, vốn dĩ giá BĐS đã tăng nay càng tăng. Song, giao dịch BĐS vẫn trầm lắng vì người mua rất thận trọng, dù thông tin giá nhà đất ngày càng tăng cao nhưng thị trường không có thông tin minh bạch nên không xác định được giá ở vùng nào có thể giao dịch được.