Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: “Lá chắn xanh” Hoàng Tân
Biển đảo - Ngày đăng : 10:19, 17/03/2022
Thiên nhiên ưu ái
Hoàng Tân nằm ở phía bắc TX. Quảng Yên của tỉnh Quảng Ninh, là xã ven biển có hệ thống rừng ngập mặn khá đa dạng, nơi trú ngụ của nhiều loại thủy hải sản có giá trị kinh tế cao như: ngán, sò, hà, tôm... Đây là tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế từ biển mà ít địa phương có được như Hoàng Tân.
Được mẹ thiên nhiên ưu đãi là vậy, nhưng đã có một thời gian dài, những cánh rừng ngập mặn xanh ngút tầm mắt của Hoàng Tân bị tàn phá không thương tiếc, gây ra bao hệ lụy đối với cuộc sống người dân nơi đây.
Đầu năm 2022, chúng tôi có dịp quay trở lại Hoàng Tân. Bên ấm trà nóng, ông Lê Văn Việt, nguyên Chủ tịch xã Hoàng Tân, vẫn giọng nói sang sảng của người con sinh ra lớn lên ven biển, kể rằng, khi còn nhỏ vẫn theo các anh chị lớn hơn ra biển đi ngòi để bắt tôm, cua, cá về làm thức ăn. Vào đúng con nước, chỉ cần đi vài tiếng là chiếc giỏ tre đã đầy chặt tôm, cá, ốc, ngán, phần để ăn, phần đem ra chợ bán thêm thu nhập cho gia đình.
Vậy mà, vào những năm 1990 của thế kỷ trước - thời điểm nở rộ phong trào nhà nhà đua nhau xin khoanh đất, đắp đầm nuôi thủy sản với các loại hải sản cho giá trị kinh tế cao như tôm, cua đem đi xuất khẩu, nhiều địa phương ven biển của Quảng Ninh như Quảng Yên, Vân Đồn, Tiên Yên bị cuốn theo guồng quay của việc chặt phá rừng ngập mặn để nuôi hải sản. Và hệ lụy là có tới hàng nghìn ha rừng ngập mặn bị tàn phá không thương tiếc để đắp ao, đầm nuôi hải sản, chặt cây làm củi đun, đã làm môi trường biển bị ô nhiễm, bãi triều tan hoang, nguồn thủy sản cạn kiệt.
“Trước cơn “bão” nuôi hải sản để xuất khẩu, Hoàng Tân cũng không tránh khỏi hệ lụy, hàng chục ha rừng ngập mặn bị “cạo trọc” để nhường chỗ cho những ao, đầm nuôi tôm, cua xuất khẩu. Ban đầu, cũng có nhiều hộ nuôi tôm, cua ở Hoàng Tân “trúng quả”, xây nhà mới, mua xe máy mới, nhưng niềm vui chẳng được bao lâu. Do chặt phá rừng, môi trường bị xâm hại, bão gió đã cuốn phăng nhiều ao, đầm ra biển, nhiều hộ nuôi tôm, cua rơi vào cảnh “nợ nần”, cuộc sống khó khăn cơ cực” - ông Việt chua chát kể lại.
Nhấp ngụm trà, ông Việt chia sẻ, đến Hoàng Tân là phải thưởng thức món ngán hấp. Với điều kiện tự nhiên ưu đãi mang tính đặc thù nên con ngán Hoàng Tân có nhiều đặc điểm khác biệt so với nhiều địa phương khác như Vân Đồn, Đầm Hà. Con ngán ở đây có vỏ dày, ruột ngán có màu thẫm hơn, nhất là hàm lượng dinh dưỡng rất cao, được thị trường cũng như người tiêu dùng rất ưa thích. Nhưng do một thời gian dài, nhiều hộ khoanh nuôi đắp đầm nuôi tôm, cua, cá làm ảnh hưởng đến môi trường sinh sống nên số lượng ngán sụt giảm nhanh chóng, đứng trước nguy cơ cạn kiệt.
Nhằm khôi phục lại những cánh rừng ngập mặn cũng như nguồn lợi thủy sản, nhất là loài ngán vốn là đặc sản của địa phương, những năm gần đây, Hoàng Tân đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân tích cực hưởng ứng việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn. Nhờ vậy, những cánh rừng ở Hoàng Tân đã xanh trở lại, vừa tạo sinh kế cho người dân, vừa che chở cho làng mạc, người dân khỏi sự tàn phá của thiên tai, bão lũ.
Giữ rừng như giữ nhà
Với trên 600ha đất bãi triều, ven biển, dưới những tán rừng ngập mặn của Hoàng Tân là nơi sinh trưởng lý tưởng của nhiều loại hải sản, trong đó có những loại có hàm lượng dinh dưỡng, cũng như giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng ưa thích như ngán, sò, hà treo dây, tôm, cua bể.
Để phát huy khai thác hiệu quả con ngán và những loại thủy sản trong tự nhiên cũng như nuôi trồng theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường và rừng ngập mặn trên địa bàn, Hoàng Tân luôn xác định, yếu tố “sống còn” là trồng và bảo vệ rừng ngập mặn - ngôi nhà sinh sống của các loài thủy hải sản, cũng là “lá chắn xanh” bảo vệ hệ thống đê điều luôn đứng vững trước bão lũ, góp phần bảo vệ làng quê và con người nơi đây.
Ông Nguyễn Thế Nhâm, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Tân cho biết, trồng được rừng ngập mặn đã khó, giữ rừng còn khó hơn, do vậy địa phương luôn xác định công tác chăm sóc, bảo vệ rừng là nhiệm vụ trọng tâm, mang tính lâu dài. Trong đó, thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở bà con không chặt phá rừng ngập mặn, không xả rác xuống biển, nhất là các hộ nhận giao khoán mặt nước nuôi tôm, cua, hầu, hà treo dây, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái biển.
Nhiều năm nay, Hoàng Tân luôn xác định muốn thành công trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn với phương châm “giữ rừng như giữ nhà” thì phải dựa vào cộng đồng dân cư. Vì vậy, xã giao cho Ban quản lý thôn 1, thôn 2, thôn 5, nơi tập trung nhiều diện tích rừng ngập mặn, thành lập các tổ bảo vệ rừng, thường xuyên tuần tra, phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm phạm rừng ngập mặn. Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền và hưởng ứng đồng lòng của người dân, nhiều năm qua, những cánh rừng ngập mặn ở Hoàng Tân được bảo vệ nghiêm ngặt, ngày càng phát triển, sinh trưởng tốt.
Thoăn thoắt bổ đống hà vừa mới thu hoạch về, bà Dương Thị Nét, ở thôn 1, hồ hởi khoe, nhà tôi có 3 bè nuôi hà treo dây nuôi ngoài biển, phía dưới thả thêm sò, những năm gần đây, rừng ngập mặn được giữ gìn và phát triển tốt nên nước biển sạch, hà nuôi không bị bệnh, lớn nhanh, bán được giá. Vì vậy, mọi người trong gia đình luôn nhắc nhau phải bảo vệ rừng ngập mặn, không vứt rác xuống biển, giữ cho biển luôn trong, sạch.
Còn ông Phạm Văn Phất, một người dân nuôi hà treo dây ở thôn 1 cho biết, nhắc đến Hoàng Tân, nhiều người nghĩ ngay đến con ngán vốn nổi tiếng từ bao đời nay, kế đến là sản phẩm hà treo dây được nuôi hoàn toàn tự nhiên ở vùng nước biển sạch đem lại giá trị kinh tế cao. Ý thức được tầm quan trọng trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường biển, những người dân địa phương dù làm nghề đánh bắt tự nhiên hay nuôi thủy sản ở vùng mặt nước bãi triều luôn nhắc nhau không vứt rác thải, phụ phẩm thải ra từ nuôi thủy sản xuống biển gây ô nhiễm môi trường sinh thái biển.
Trước khi chia tay chúng tôi, khoát tay chỉ ra những cánh rừng ngập mặn phía biển, ông Lê Văn Việt không khỏi bâng khuâng chia sẻ, sắp tới đây, sẽ có những dự án chuẩn bị đầu tư xây dựng trên địa bàn xã, chỉ mong sao các cấp chính quyền nghiên cứu, xem xét, giữ lại những cánh rừng ngập mặn Hoàng Tân đã có từ bao đời nay. Bởi, rừng ngập mặn vừa là nơi tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm hộ gia đình, vừa là thành trì chống chọi với bão gió, sóng biển, bảo vệ cho người dân làng quê.
Đây cũng là niềm trăn trở của nhiều người dân Hoàng Tân, những người từ khi sinh ra đã nghe tiếng ầm ì sóng biển, những người đã và đang sinh sống nhờ vào con tôm, con cá từ những cánh rừng ngập mặn ven biển. Mong rằng, nguyện vọng của ông Việt và đông đảo người dân địa phương thành hiện thực, phù hợp với chủ trương phát triển đúng đắn của Quảng Ninh theo hướng chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh” với thông điệp giữ mãi màu xanh của những cánh rừng ngập mặn nơi đây.