Khảo sát thực tế để giải quyết việc dừng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Trong nước - Ngày đăng : 18:47, 15/03/2022

Ngày 15/3, tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Ngọc Bảo làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận về việc thực hiện Nghị quyết 31/2016/QH14 ngày 22/11/2016 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân trên địa bàn tỉnh; qua đó để có cơ sở đánh giá thực chất trước khi tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 31/2016/QH14 của Quốc hội vào thời gian tới.
Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi làm việc.

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, tỉnh được Quốc hội thông qua đầu tư xây dựng 2 máy điện hạt nhân tại Nghị quyết số 41/2009/QH12. Từ khi công bố quy hoạch các địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân đến khi dừng triển khai xây dựng theo Nghị quyết 31/2016/QH14 đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân và cả về định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14, tỉnh đã tuyên truyền đến cán bộ, công chức, đảng viên, các hội đoàn thể chính trị và nhân dân hiểu rõ hơn về chủ trương dừng thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Theo đó, tỉnh đã giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của người dân về công tác bồi thường, hỗ trợ sản xuất và người dân đồng thuận cao với chủ trương của Quốc hội.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam phát biểu tại buổi làm việc.

Tuy nhiên, do chậm trễ trong việc thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội, Ninh Thuận đã gặp không ít khó khăn, nhất là ảnh hưởng về đầu tư kết cấu hạ tầng, đời sống và các nhu cầu an sinh của người dân, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong nhiều năm qua. Những vướng mắc liên quan đến dự án cần được các bộ, ngành quan tâm giải quyết, nhất là việc phải sớm hủy quyết định về chủ trương thu hồi đất của người dân để thực hiện dự án, để người dân đủ điều kiện, có quyền được sản xuất trên diện tích đất hợp pháp của mình.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, được sự quan tâm của Quốc hội, sau khi dừng chủ trương xây dựng nhà máy điện hạ nhân, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 về một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh trên nhiều mặt về thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội; đặc biệt là việc thay thế dự án điện hạt nhân 4.600 MW bằng dự án điện khí LNG mà tỉnh đang triển khai thực hiện.

Chú thích ảnh
Đoàn công tác khảo sát thực tế cơ sở vùng dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 2 (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải).

Dù vậy, nếu như được các bộ, ngành Trung ương tích cực quan tâm, hỗ trợ và cùng với tỉnh thực hiện trọn vẹn mục tiêu Nghị quyết 115/NQ-CP thì giờ đây Ninh Thuận đã khác rất nhiều, đổi thay rất nhiều, nhất là vùng dự án dừng chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.

Ông Trần Quốc Nam nhấn mạnh: Việc thực hiện Nghị quyết 31/2016/QH14 của Quốc hội đến nay chưa được giải quyết trọn vẹn; Nghị quyết 115/NQ-CP chỉ còn 1 năm nữa là hết hiệu lực, nhưng đến giờ việc triển khai thực hiện chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Tỉnh cần kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 115/NQ-CP, đặc biệt là cần cơ chế, chính sách để có động lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội dựa trên tiềm năng, lợi thế sẵn có mà nhiều tỉnh, thành phố khác không có được.

Để có thêm động lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh Ninh Thuận đề xuất trình Quốc hội chấp thuận chủ trương cho phép tỉnh xây dựng dự thảo Nghị quyết về thí điểm 6 chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025.

Cụ thể, cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Về phân cấp thẩm quyền quyết định về phí, lệ phí, HĐND tỉnh quyết định và điều chỉnh các khoản phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ án phí, lệ phí Tòa án. Ngân sách tỉnh được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chi khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách tỉnh.

Chú thích ảnh
Đoàn công tác khảo sát thực tế cơ sở Cảng tổng hợp Cà Ná, huyện Thuận Nam. 

Về tỷ lệ để lại đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh: Hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu ngân sách Trung ương hưởng 100% và các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh.

Về quản lý đất đai, HĐND tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 100 ha, chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 ha, rừng sản xuất dưới 200 ha. Về quản lý quy hoạch, phân cấp cho tỉnh thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị. Về thu hút đầu tư, cần tư nhân hóa đầu tư hạ tầng truyền tải, trước mắt cho chủ trương đầu tư dự án đường dây 500kV Thuận Nam - Chơn Thành theo hình thức PPP để giảm tải công suất phù hợp với quy mô giai đoạn 2021-2030.   

Theo nhận định của các thành viên trong đoàn công tác, Nghị quyết 31 của Quốc hội đã ban hành từ năm 2016, nhưng Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân mãi đến năm 2018 mới ban hành. Điều này cũng gây nhiều khó khăn cho tỉnh Ninh Thuận.

Hơn nữa, Nghị quyết 31 của Quốc hội và Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ là Nghị quyết đặc thù. Thế nhưng đến giờ còn nhiều nội dung chưa được giải quyết thỏa đáng, rõ ràng là quá chậm, nguyên nhân chủ yếu đến từ các bộ, ngành ở Trung ương.

Để có cơ sở đánh giá đúng và thực chất hơn, đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị tỉnh Ninh Thuận cần làm rõ và bổ sung vào báo cáo về ảnh hưởng, khó khăn của các chỉ số về các mặt đời sống xã hội, y tế, giáo dục…; đồng thời bổ sung kiến nghị của tỉnh về vấn đề quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng dự án sau khi dừng chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân 1 và 2.

Qua báo cáo của tỉnh Ninh Thuận về kết quả thực hiện Nghị quyết 31/2016/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã ghi nhận sự nỗ lực của tỉnh trong thực hiện các nghị quyết, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, việc tổ chức sơ kết Nghị quyết 31/2016/QH14 của Quốc hội là rất quan trọng. Tỉnh Ninh Thuận cần bổ sung và làm rõ những vướng mắc, khó khăn có liên quan cần giải quyết để đoàn công tác tổng hợp gửi cho các bộ, ngành có liên quan có giải pháp giải quyết; qua đó giúp đoàn hoàn thiện báo cáo để phục vụ công tác sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 31/2016/QH14 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân tại tỉnh trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế vùng dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2; khảo sát các khu du lịch tại Vĩnh Hy và Bình Tiên (huyện Thuận Bắc và Ninh Hải). Bên cạnh đó, đoàn cũng khảo sát thực tế địa điểm xây dựng Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná; Cảng tổng hợp Cà Ná; khảo sát các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn huyện Thuận Nam gồm: Dự án Nhà máy điện mặt trời 450 MW kết hợp TBA 500kV Thuận Nam; Trang trại điện mặt trời kết hợp điện gió trên cánh đồng muối Cà Ná (xã Phước Minh).

Theo TTXVN