Bài dự thi "Cùng giữ màu xanh của biển": Đổi thay những làng biển
Biển đảo - Ngày đăng : 09:21, 15/03/2022
Những ngồi làng nói “không" với… nhà vệ sinh
Cả xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) cách đây hơn 10 năm về trước có 12 xóm với hơn 3 nghìn hộ dân sinh sống. Từ hàng trăm năm nay, người dân ở 4 xóm là Tây Lộc, Đông Lộc, Nam Thịnh và Yên Thịnh hầu như không biết đến nhà vệ sinh và nhà tắm.
Vì không có nhà vệ sinh nên việc giải quyết chuyện "đầu ra" của gần 1.200 hộ dân ở 4 xóm này cũng thật độc đáo: tiểu tiện thì xả vào góc sân vườn, đại tiện ra sông, lạch và bờ biển. Lúc tờ mờ sang, dòng sông, bờ biển là "điểm hẹn" của các bà, các chị, còn cánh đàn ông và lũ trẻ nhỏ thì tiện đâu… bạ đấy.
Ông Lê Văn Vân ở xóm Tây Lộc, tâm sự rằng: Chuyện không có nhà vệ sinh hồi đó giờ nhớ lại mà thấy buồn cười, đàn ông, đàn bà ra gặp nhau ở "chỗ ấy" là chuyện thường ngày. Ban đầu thì cũng có người ngại ngùng nhưng vì cả làng như thế nên rồi cũng quen.
Vì không có thói quen xây nhà vệ sinh nên khái niệm nhà tắm khi đó cũng chưa xuất hiện ở vùng quê này. Với nhiều người, nhà tắm là 3 bức vách được làm từ bao tải cũ và chỉ giăng lên cho có lệ.
Đoạn sông ven làng và bờ biển vô tình trở thành nơi chứa rác thải, chất thải. Rác khi đó cứ thế đổ xuống sông, xuống biển, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trên diện tích 300ha, hàng vạn người dân xã Diễn Ngọc sống chen chúc với chất thải. Đất chật, người đông, môi trường bị ô nhiễm nên bệnh tật hay xảy ra ở địa phương này. Còn nhớ năm 2008 dịch tả bùng phát thì nơi xuất hiện đầu tiên cũng chính là các làng không có nhà vệ sinh ven biển nói trên.
Không khác gì ở Diễn Ngọc, tại xã Sơn Hải, xã Quỳnh Liên (huyện Quỳnh Lưu), từ bao đời nay, vì không có nhà vệ sinh nên ban ngày người dân tìm lên đồi thông, tối đến hoặc sáng sớm cả làng ra biển giải quyết đầu ra”. Nhiều người hay nói đùa rằng, đi vệ sinh mà cả làng như đi… trẩy hội.
Bà Trần Thị Thảo ở xã Sơn Hải hồn nhiên chia sẻ: “Từ nhỏ đến giờ tôi cũng chưa sử dụng nhà vệ sinh khi nào cả. Cả làng, cả xã như thế nên cũng thấy bình thường. Đất ở chỗ chúng tôi chật chội, người lại đông nên xây nhà vệ sinh, nhà tắm sẽ chiếm mất nhiều diện tích. Cứ ra bờ biển hoặc lên đồi thông "giải quyết" là nhanh”.
Người dân địa phương đã quá quen thuộc với cảnh nhà vệ sinh "ngoài trời" nói trên. Thế nhưng, khổ nhất là những người về làm dâu, làm rể hoặc khách đến chơi… Đã có không ít trường hợp gặp cảnh dở khóc dở cười vì câu chuyện đi vệ sinh.
"Về làm dâu ở đây… phát khiếp về chuyện đi vệ sinh. Mình sống ở nơi khác quen kiểu "khép kín" rồi” - Chị Lê Thị Na, người ở xã Quỳnh Châu lấy chồng về xã Sơn Hải kể lại.
Làng biển "thay áo mới"
Tâm sự của người dân Diễn Ngọc cũng như Sơn Hải, Quỳnh Liên và nhiều xã ven biển rằng: Từ bao đời nay, các làng biển hầu như không có thói quen sử dụng nhà vệ sinh. Thậm chí, có nhiều nhà cao tầng, khang trang nằm cách bãi biển cũng vẫn duy trì thói quen này.
Trước đây, khi dân số còn ít, vấn đề ô nhiễm môi trường chưa xảy ra bởi dù người dân có đại tiện, tiểu tiện ra bờ biển nhưng sau một đợt thủy triều lên xuống thì bờ biển lại "sạch sẽ" như thường. Tuy nhiên, dần dà theo thời gian, với tốc độ phát triển chung của toàn xã hội và nhất là dân số ngày càng đông nên vấn đề ô nhiễm môi trường do người dân phóng uế trở nên báo động. Hầu hết các con lạch ở các địa phương nói trên đều bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc từng tâm sự rằng, trước đây, theo thống kê thì số hộ dân trong các xóm như Tây Lộc, Đông Lộc, Nam Thịnh và Yên Thịnh có nhà vệ sinh chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, khoảng chục năm trở lại đây, mọi thứ đã dần đổi khác…
"Thú thật là khi đó cấp uỷ đảng và chính quyền cũng rất "đau đầu" về việc trên. Chúng tôi đã nỗ lực tuyên truyền để người dân dần thay đổi thói quen. Phối hợp với các phòng Y tế, Bệnh viện huyện, trạm Y tế xã nghiên cứu xây dựng nhà vệ sinh phù hợp với điều kiện đất chật người đông tại địa phương. Lãnh đạo Huyện ủy Diễn Châu khi đó cũng đề nghị Ngân hàng chính sách xã hội tạo điều kiện để người dân vay vốn xây nhà vệ sinh; nếu không có đất thì vài nhà có thể xây chung một nhà vệ sinh" - Ông Nguyễn Văn Hòa, kể lại.
Cũng theo ông Hòa, ban đầu xã đã vận động mọi nguồn lực để xây 6 nhà vệ sinh tự hoại cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đến năm 2009, từ sự vận động của xã, 80% hộ dân có nhà vệ sinh. Đến năm 2010 thì 100% hộ dân ở xã Diễn Ngọc đã xây dựng đầy đủ nhà vệ sinh cho gia đình.
Còn tại huyện Quỳnh Lưu, Dự án cải thiện môi trường và điều kiện vệ sinh của người dân do T.Ư Hội nông dân Việt Nam và Hội nông dân tỉnh này thực hiện từ đầu năm 2008.
Thời điểm đó, Trung tâm Môi trường nông thôn đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức, ý thức của người dân các xã ven biển Quỳnh Lưu như Sơn Hải, Quỳnh Liên, Quỳnh Long… về công tác bảo vệ môi trường.
Đổi thay lớn nhất mà chính quyền và người dân ghi nhận là nhiều gia đình đã có nhà vệ sinh đúng tiêu chuẩn. Ban đầu, dự án hỗ trợ 80 hộ làm nhà vệ sinh 2 ngăn, mức hỗ trợ 800.000 đồng/hộ, mỗi hộ bỏ thêm từ 1,2 - 2,2 triệu đồng để hoàn thiện công trình.
Từ những hộ tham gia dự án, dần dà đã có hàng trăm gia đình bỏ tiền ra để xây nhà vệ sinh đúng tiêu chuẩn, phong trào đã có sức lan tỏa đến các làng biển khác. Đường làng đã sạch sẽ, nếp sinh hoạt hợp vệ sinh, sức khỏe của người dân ngày càng được cải thiện.
Ông Đào Xuân Sơn - Trưởng phòng TN&MT huyện Quỳnh Lưu, cho biết: Khoảng hơn chục năm trở về trước, việc người dân ở các xã ven biển không có nhà vệ sinh mà đi vệ sinh ngoài bờ biển là chuyện bình thường. Thói quen trên của người dân đã gây nên hệ luỵ về ô nhiễm môi trường rất lớn và còn ẩn chứa nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh. Tuy nhiên, sau này, qua các đợt tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường cũng như xã hội ngày càng phát triển, nhận thức của người dân càng được nâng cao, đến nay, 100% các hộ dân ở những xã ven biển đã xây dựng và sử dụng nhà vệ sinh đạt yêu cầu.
Ông Đinh Sỹ Khánh Vinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An, cho hay: Hiện nay, công tác vệ sinh môi trường ở các vùng bãi ngang, ven biển của Nghệ An đang được chính quyền và người dân thực hiện rất tốt, nhất là đã xóa được "vùng trắng" về nhà vệ sinh ở các làng ven biển. Môi trường vùng biển vì thế cũng ngày càng được bảo vệ, giữ gìn cảnh quan xanh - sạch - đẹp ở cả trong đất liền và ngoài biển khơi.